Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng (thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam - VRG) tham gia mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Bình Dương. Đây là đơn vị chuyên trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ cao su sơ chế, đang chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với biến động thị trường và khí hậu.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng Nguyễn Đức Hiền cho biết, giá cao su biến động trong những năm gần đây khiến lợi nhuận không còn ổn định như trước. Vì vậy, công ty chuyển đổi một phần diện tích cao su sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và đảm bảo đời sống người lao động.

Huyện phía Bắc Bình Dương tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến bền vững - Ảnh 1.
Công ty Cao su Dầu Tiếng hợp tác trồng chuối cấy mô theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. 

Quy hoạch của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 là một phần diện tích trồng cao su năng suất thấp sẽ được chuyển đổi sang phát triển hạ tầng kỹ thuật, đô thị, năng lượng sạch, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.

Bình Dương cũng chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch tại các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên.

Đay là điều kiện thuận lợi cho Cao su Dầu Tiếng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Vừa qua, Công ty Cao su Dầu Tiếng đã hợp tác với nhiều đối tác để triển khai trồng chuối cấy mô và cây có múi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Tổng diện tích các dự án đã thực hiện đạt 361ha và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Tổng Giám đốc Hiền cho biết, việc áp dụng công nghệ hiện đại không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn tạo ra nguồn thu ổn định từ các khoản phí quản lý đất đai và hạ tầng mà các dự án chi trả hàng năm cho công ty.

Huyện phía Bắc Bình Dương tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến bền vững - Ảnh 2.

Chuyển đổi một phần diện tích cao su sang trồng chuối giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Công nhân sơ chế chuối cấy mô. 

Ngoài đơn vị doanh nghiệp, nhiều hộ nông dân tại Dầu Tiếng cũng mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Ông Bùi Thiện Trúc, nông dân xã Minh Hòa bắt đầu trồng cây ăn quả từ năm 2012 với diện tích 3ha.

Lúc đầu, do chi phí đầu tư cao, gia đình ông gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, từ khi tham gia HTX Minh Hòa Phát, ông và các thành viên được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn vay, tập huấn mô hình VietGAP và hệ thống tưới tiết kiệm. Hiện nay, ông sở hữu 10ha cây ăn quả, đạt thu nhập hơn 4 tỷ đồng mỗi năm.

Động lực thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao chính là Hợp tác xã

Minh Hòa Phát là một Hợp tác xã tiêu biểu tại Dầu Tiếng trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Giám đốc HTX Tống Văn Hướng cho biết, để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, HTX đã đầu tư hệ thống tưới tự động trên toàn bộ diện tích, giúp tối ưu hiệu quả tưới tiêu và tiết kiệm chi phí nhân công.

Huyện phía Bắc Bình Dương tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến bền vững - Ảnh 3.

HTX Minh Hòa Phát hiện có 150ha trồng cam, bưởi. 

Tuân thủ theo quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và ứng dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm của HTX không chỉ đạt chất lượng cao mà còn có thương hiệu trên thị trường.

Bưởi da xanh của HTX hiện đạt sản lượng 30 tấn/ha, sầu riêng đạt 25 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, mỗi xã viên có thu nhập trung bình 450-500 triệu đồng/năm.

Giám đốc HTX Tống Văn Hướng cho biết việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất đã giúp HTX nâng cao năng suất và tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hiện  HTX Minh Hòa Phát được xem là có kinh nghiệm tạo được hiệu quả ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Huyện phía Bắc Bình Dương tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến bền vững - Ảnh 4.

Sản phẩm của HTX Minh Hòa Phát được thị trường đánh giá cao và tiêu thụ rộng rãi. Bạn hàng thu mua cam tại vườn của HTX có tiếng này

Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng Nguyễn Phương Linh cho biết có diện tích tự nhiên hơn 721km2, trong đó, đất nông nghiệp chiếm hơn 86,8%.

Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mở rộng diện tích nông nghiệp công nghệ cao và phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức tập huấn kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất.

Theo định hướng chung, huyện Dầu Tiếng khuyến khích các doanh nghiệp, HTX và nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Những giải pháp này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực Bình Dương.