
Sau 4 năm có hiệu lực, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã góp phần tích cực trong việc tổ chức quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút nguồn lực đầu tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, quá trình thực thi theo thời gian, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bộc lộ một số hạn chế, không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Trong luật này không quy định mức vốn điều lệ cụ thể đối với doanh nghiệp nói chung. Tùy vào khả năng kinh tế của chủ sở hữu và mục đích hoạt động sẽ tự quyết định mức vốn điều lệ.
Đây cũng chính là một khoảng trống để một số đối tượng lợi dụng, tìm mọi thủ đoạn để "vẽ nên" một doanh nghiệp khỏe mạnh nhằm đánh lừa nhà đầu tư.
Chính tình trạng tăng vốn ảo, góp vốn khống... xảy ra thời gian qua đã gây ra bức xúc dư luận, ảnh hưởng rất lớn đến sự minh bạch của thị trường, cũng như niềm tin của nhà đầu tư.
Việc tăng vốn ảo nhưng hậu quả xảy ra thì thật. Thiệt thòi trước hết thuộc về các cổ đông và các nhà đầu tư. Bởi những nhà đầu tư trên thị trường thường vẫn có niềm tin rằng, vốn điều lệ của một doanh nghiệp càng lớn thì đồng nghĩa với vị thế của doanh nghiệp trên thị trường của doanh nghiệp đó càng cao.
Chia sẻ với PV, luật sư Nguyễn Huy An (đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc tăng vốn ảo, hay góp vốn khống đã dẫn tới việc đánh giá về tiềm lực của doanh nghiệp bị méo mó, không phản ánh đúng tình hình thật của doanh nghiệp. Không ít nhà đầu tư đã trở thành nạn nhân của tình trạng này.
Để khắc phục tình trạng này, dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này theo hướng bổ sung quy định giải thích từ ngữ về hồ sơ giả mạo, hồ sơ không trung thực, không chính xác, kê khai khống vốn điều lệ; bổ sung quy định hành vi bị nghiêm cấm kê khai giả mạo.
Đặc biệt, đối với tài sản góp vốn theo hướng quy định rõ tài sản góp vốn là đồng Việt Nam và tài sản khác quy định tại Bộ luật Dân sự phải định giá được bằng đồng Việt Nam.
Đồng thời, bổ sung quy định việc đăng ký thay đổi vốn điều lệ phải kèm theo bản sao giấy tờ chứng minh hoàn tất việc thay đổi vốn điều lệ; bổ sung quy định giao văn bản hướng dẫn Luật quy định chi tiết về các trường hợp mà thành phần hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải bổ sung giấy tờ chứng minh năng lực góp vốn.
Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung quy định cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền “Trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát doanh nghiệp theo nội dung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; yêu cầu báo cáo, kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu bất thường về đăng ký vốn điều lệ, thay đổi vốn điều lệ”.
Luật sư An nói thêm, việc sửa đổi, bổ sung các quy định như trên là rất cần thiết. Cùng với đó, cần xem xét tăng mức chế tài xử phạt đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ, kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Đây là quy định mới, nhằm hạn chế tình trạng góp vốn khống, tăng vốn ảo, tuy nhiên một số ý kiến cũng cho rằng quy định này lại gia tăng thêm thủ tục và có thể là rào cản cho các chủ thể muốn thành lập doanh nghiệp.