Trong văn bản góp ý đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), UBND TPHCM đề nghị làm rõ cơ chế vận hành của chính quyền tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Công chức UBND phường An Phú Đông, quận 12 giải quyết hồ sơ cho người dân
Công chức UBND phường An Phú Đông, quận 12 giải quyết hồ sơ cho người dân

UBND TPHCM đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ về việc có ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Theo UBND TPHCM, Luật Tổ chức chính quyền địa phương là luật có tính nền tảng, là luật cơ bản chi phối các cấu trúc tổ chức ở địa phương. Với cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy đang được triển khai thực hiện, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần được rà soát, cập nhật, bổ sung ban hành mới, chuyển tải những điểm đột phá về thể chế quản lý, thay vì chỉ dừng ở mức sửa đổi.

UBND TPHCM đề xuất cơ quan soạn thảo tách các quy định về chính quyền đô thị sang Luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ giữ vai trò là “luật khung” đưa ra các nguyên tắc cho tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong cả nước. Luật khung này giúp tạo ra một nền tảng chung để đảm bảo tính thống nhất và phối hợp giữa các cấp chính quyền, từ đó các địa phương có thể phát triển và áp dụng cụ thể sao phù hợp với đặc thù của mình.

Các nội dung điều chỉnh của dự thảo Luật cần bổ sung các nguyên tắc làm rõ sự khác biệt giữa chính quyền địa phương ở nông thôn, chính quyền địa phương ở đô thị và chính quyền địa phương ở các đô thị đặc biệt.

Theo UBND TPHCM, dự thảo Luật sẽ thay thế toàn diện các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã ban hành trước đây. Đây chính là “cơ hội” để TPHCM và các thành phố trực thuộc Trung ương tháo gỡ các điểm nghẽn phát sinh trong quản lý, điều hành của đô thị.

UBND TPHCM nhận xét, để giải quyết được các vấn đề đặt ra của thành phố, vừa đưa TPHCM phát triển đúng với mục tiêu của Trung ương thì chỉ có thể là ban hành Luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt (trong đó có trường hợp của TPHCM). Vì vậy, UBND TPHCM đề xuất khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tất cả các nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị cần dẫn chiếu trong “Luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt”.

UBND TPHCM cũng đề nghị làm rõ cơ chế vận hành của chính quyền tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trong đó, đề nghị bổ sung quy định UBND phải tổ chức họp công khai với người dân, báo cáo HĐND để giải trình các chính sách quan trọng; về việc bắt buộc tổ chức lấy ý kiến người dân đối với các dự án lớn về đất đai, quy hoạch, hạ tầng; về cơ chế khiếu nại, phản hồi trực tuyến cho người dân trên cổng thông tin của UBND.

Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung nội dung làm rõ các khái niệm “phân quyền”, “phân cấp”, “ủy quyền” để làm rõ sự khác biệt giữa các hình thức này và minh bạch, thuận tiện trong quá trình thực hiện.