Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) triển khai dự án phát triển cao su tại Lào, Campuchia từ năm 2025, đã khai thác lợi thế tiềm năng của đất đai, tạo hàng ngàn công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào các bộ tộc Lào và Campuchia.
Lãnh đạo VRG, Công đoàn CSVN trao cờ cho các trưởng đoàn tại Hội thao VRG khu vực Campuchia từ ngày 23 – 26/6. Đây là lần đầu tiên VRG tổ chức Hội thao tại Campuchia, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 57 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia, 95 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam.

Tình hữu nghị 3 nước Việt Nam– Lào – Campuchia được tăng cường thông qua việc hợp tác trồng cây cao su  

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) thực hiện dự án đầu tư đưa cây cao su Việt Nam sang phát triển trên đất nước Lào - Campuchia được Chính phủ 3 nước thống nhất ký kết hợp tác thuê tổng diện tích 200.000 ha đất có thời hạn từ 50 - 70 năm để phát triển trồng cao su theo hình thức liên doanh, liên kết giữa các công ty nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, đúng với tinh thần hợp tác kinh tế đôi bên cùng có lợi. Tại Lào Tập đoàn đã thành lập 6 công ty, trong đó có 5 công ty con và 1 công ty liên danh, liên kết. Tại Campuchia Tập đoàn cũng đã thành lập 18 công ty con, với tổng mức vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của các dự án nói trên là hơn 1,4 tỷ USD. Toàn bộ số diện tích cao su được trồng trên các vùng đất trống, đồi núi trọc, khai hoang đất lâm nghiệp sản xuất nghèo kiệt ở Lào – Campuchia để thực hiện dự án phát triển cao su.

Công nhân dân tộc thiểu số chăm sóc cây cao su

Ông Trương Minh Trung Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết: Sau 25 năm triển khai dự án, đến nay, tổng diện tích cao su tại hai khu vực Lào và Campuchia đạt 113.366 ha, chiếm 29,9% tổng diện tích vườn cây cao su các công ty thành viên Tập đoàn đang quản lý. Sản lượng của hai khu vực trên chiếm tỷ trọng gần 40,0% kế hoạch sản lượng mủ khai thác trên toàn Tập đoàn. Sau một thời gian vượt lên tất cả mọi khó khăn, thử thách Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng như các công ty, các nhà đầu tư Việt Nam trên đất nước bạn đã tạo nên được bạt ngàn những cánh rừng cao su khép tán, được Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương Lào - Campuchia thường xuyên đến thăm hỏi, động viên ghi nhận, đánh giá cao sự hợp tác toàn diện. Đặc biệt trong sự nghiệp phát triển các dự án trồng cây cao su trên đất nước Lào và Vương quốc Campuchia đã đưa lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm ổn định, có thu nhập thường xuyên, nâng cao đời sông dân sinh xã hội cho các bộ tộchai nước Lào và Campuchia.

Cây cao su Việt Nam tươi tốt trên đất Lào-Campuchia

Đến nay hầu hết số diện tích cao su đã đưa vào khai thác, sản lượng mủ bình quân đạt từ 1,61 tấn/ha, trong đó có những diện tích đạt từ 1,8-2 tấn/ha cao hơn năng suất bình quân so với toàn Tập đoàn.. Để hạn chế thấp nhất việc xuất khẩu sản phẩm mủ thô, Tập đoàn đã kịp thời đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ khô, để sản xuất ra các loại sản phẩm hàng hóa tiêu dùng bằng nhựa cao su như nệm, mút, lốp xe ô tô các loại dụng cụ thể thao...

Trong 25 năm đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nước ta với hai nước bạn Lào và Campuchia. Đến nay tổng số lao động toàn Tập đoàn có 81.013 người, trong đó số lao động người Lào làm việc cho các công ty cao su thành viên Tập đoàn là 4.138 người (chiếm tỷ lệ 5,1%) và lao động người Campuchia là 15.719 người (chiếm tỷ lệ 19,4%).

Năm qua 2024, tổng sản lượng mủ cao su khai thác của các công ty cao su thành viên Tập đoàn tại Lào và Campuchia đạt 173.277 tấn, tương đương kế hoạch năm, trong đó tại Lào đạt 34.605 tấn, bằng 92,7% kế hoạch, chế biến khoảng 42.691 tấn, bằng 95,2% kế hoạch, tiêu thụ khoảng 42.283 tấn, bằng 88,0% kế hoạch (trong đó xuất khẩu 41.261 tấn, bằng 88,4% kế hoạch), doanh thu ước đạt 1.657 tỷ đồng, bằng 105,4% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế đạt 442 tỷ đồng, bằng 185,8% kế hoạch năm 2024.

Thu hoạch mủ nước

Sản lượng mủ khai thác tại Campuchia đạt 138.672 tấn, bằng 99,0% kế hoạch, chế biến 130.113 tấn, bằng 95,3%, tiêu thụ đạt133.786 tấn, bằng 94,5% kế hoạch trong đó xuất khẩu được 94.571 tấn, đạt 104,9% kế hoạch), doanh thu đạt 5.656 tỷ đồng, bằng 112,6 % kế hoạch và lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.348 tỷ đồng, bằng 194,3 % kế hoạch năm 2024.

Qua kết quả trên cho thấy cây cao su Việt Nam đã đứng vững và góp phần làm nên kỳ tích phát triển kinh tế trên đất nước “Chùa tháp” Campuchia và đất nước “Triệu voi” Lào hôm nay.

Cao su- vàng trắng phát triển lâu dài

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) chia sẻ: Nói về giá trị của cây cao su được thể hiện hàng năm trên mọi con số như “Doanh thu hợp nhất năm 2024 đạt 26.307 tỷ đồng, bằng 105,2% kế hoạch và tăng 6,5% so với năm trước, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.450 tỷ đồng, bằng 108,4% kế hoạch và cao hơn 8,2% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 3.746 tỷ đồng, bằng 109,0% kế hoạch và cao hơn 11,1% so với năm 2023. Đặc biệt, nộp ngân sách năm 2024 toàn Tập đoàn là 6.100 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch 54,0%”. Ông Lê Thanh Hưng khẳng định: Để có được thành quả vượt bậc trong kinh doanh như trên, VRG đã đi đầu trong công tác chuyển đổi số, áp dụng trí tuệ nhân tạo AI để đổi mới về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp, sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị hàng hoá. Hiện nay, Tập đoàn đã thực hiện cấp chứng chỉ quốc gia và quốc tế về quản lý rừng bền vững cho 215.624 ha, thực hiện chiến lược và các giải pháp về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững để mang lại giá trị thương hiệu, giá trị kinh tế. Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững của Tập đoàn giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn 2050. Chúng tôi tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, điển hình của Tập đoàn trong việc phát triển bền làm nên vững toàn ngành Cao su Việt Nam, để mang dấu ấn thương hiệu cao su Việt Nam xuất khẩu sang các nước châu Âu bền vững hơn. Để thực hiện được “Mệnh lệnh” trên Tập đoàn đã tiên phong, chủ động triển khai các hoạt động đáp ứng các quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) đề ra.

Trồng cao su của Việt Nam tại Lào và Campuchia đã phát triển nhanh và mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần vào phát triển kinh tế nông nghiệp của 2 nước, mang lại lợi ích kinh tế cho các địa phương tại Lào và Campuchia, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên chục vạn lao động ở Lào và 200 ngàn lao động ở Campuchia. Cùng với đó là mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp đầu tư của Việt Nam tại hai nước bạn Lào và Campuchia.