Hiện TPHCM có 5.562 người hoạt động không chuyên trách và 5.453 cán bộ, công chức dôi dư. Số lượng cán bộ sắp xếp theo lộ trình 5 năm là 11.015 người.

Ngày 17-4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy phối hợp Sở VH-TT TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM. Dự buổi họp báo có đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM.

30309a63-0aa5-4274-9e06-16fbe08e34a2.jpg
Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Võ Ngọc Quốc Thuận thông tin tại buổi họp báo

Thông tin về tình hình sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Võ Ngọc Quốc Thuận cho biết, vừa rồi, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp và thống nhất thực hiện chỉ đạo của trung ương, giảm 60-70% phường xã. Theo đó, từ 273 phường, xã giảm còn 102 phường. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương hiện trạng có 91 phường, xã, giảm còn 36 phường, xã; Bà Rịa – Vũng Tàu hiện trạng 77 phường, giảm còn 30 phường, xã (trong đó có 1 đặc khu). Sáp nhập 3 tỉnh, TPHCM mới có 168 phường, xã.

Cũng mới đây, Ban Tổ chức Tỉnh, Thành ủy và Sở Nội vụ 3 địa phương đã ngồi lại, thống nhất nhiều nội dung. Trong đó, thống nhất tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh, Thành ủy 3 địa phương thành lập Ban Chỉ đạo và bộ phận giúp việc; thống nhất với nhau về các điểm ranh chồng lấn (ví dụ, ĐHQG được thống nhất đặt trọn vào một phường, giao cho TP Thủ Đức quản lý). Đồng thời thống nhất tên gọi của 168 phường, xã để tránh trùng lắp tên sau này. Ngoài ra, bản đồ TPHCM mới sau sáp nhập cũng được thống nhất để trình Bộ Nội vụ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Quốc hội quyết định thông qua.

TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phối hợp, trao đổi, thông tin, gắn kết trong việc xây dựng nội dung đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, đề xuất phương án sử dụng tài sản công, bố trí trụ sở hành chính, nguồn nhân lực. Hiện tại trụ sở chính trị - hành chính của đơn vị hành chính mới sẽ đặt tại TPHCM và có thêm 2 cơ sở tại Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đối với phường mới, cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong gồm 4 phòng, định biên của 1 phường là 60, trong đó 32 biên chế là khối chính quyền, 28 biên chế thuộc khối đảng, đoàn thể.

Về chính sách đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách, ông Võ Ngọc Quốc Thuận cho biết, hiện TPHCM có 5.562 người hoạt động không chuyên trách và 5.453 cán bộ, công chức dôi dư. Số lượng cán bộ sắp xếp theo lộ trình 5 năm là 11.015 người.

DSCF3561.JPG
Công chức quận 1 (TPHCM) tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của người dân.

Về chế độ cho cán bộ không chuyên trách, Trung ương có Nghị định 29 của Chính phủ. Ngoài ra, HĐND TPHCM còn có nghị quyết 50 hỗ trợ thêm cho các đối tượng hoạt động không chuyên trách. Trước đây, TPHCM có Nghị quyết 01 của HĐND nhưng Trung ương không đồng ý, lý do mỗi tỉnh hỗ trợ mỗi mức khác nhau, trong khi các bộ ngành cũng tinh giản nhưng không có HĐND nên không có hỗ trợ. Vì vậy trung ương thống nhất chế độ cho cán bộ, công chức là như nhau. “Sáng mai (18-4), HĐND TPHCM họp sẽ quyết định bãi bỏ Nghị định 01”, đồng chí Võ Ngọc Quốc Thuận thông tin.

Trả lời câu hỏi chính sách thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức theo Nghị quyết 08 của HĐND TPHCM (thực hiện theo Nghị quyết 98 của Quốc hội) có phân biệt cán bộ, công chức của TPHCM với cán bộ, công chức tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu sau sáp nhập hay không, đồng chí Võ Ngọc Quốc Thuận cho biết, hiện tại TPHCM cũng có nhiều cán bộ, công chức chưa được hưởng chính sách này và việc này phải xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy, đặc biệt là nguồn chi.