Ngày 30-4-1975, Sài Gòn - Gia Định là dấu mốc kết thúc hơn một trăm năm cả dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chiến thắng đó bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, bất khuất của cả dân tộc Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Mười năm khó khăn và thử thách

Khi đoàn Quân Giải phóng tiến vào trung tâm thành phố thì khắp nơi các lực lượng cách mạng đã phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền từ cơ sở đến quận, huyện và làm chủ hầu khắp địa bàn từ ngoại thành đến nội đô. Rừng người và rừng cờ Mặt trận Giải phóng tung bay rợp trời thành phố. Tháng 2-1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam sáp nhập Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định thành một đơn vị hành chính là thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến tháng 7-1977, Quốc hội chính thức đổi tên Sài Gòn - Gia Định thành TPHCM.

R3c.jpg
Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh đi xây dựng các khu kinh tế mới. Ảnh: Tư liệu

Ngay sau giải phóng, Đoàn Thanh niên đã phát động thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện. Khắp nơi, sinh viên, học sinh đổ ra đường điều khiển giao thông, dọn dẹp vệ sinh, quét rác, xóa tàn tích nô lệ, xóa bỏ “văn hóa” đồi trụy, độc hại. Công nhân hăng hái khởi động tất cả xưởng máy, đặc biệt là giữ cho thành phố không bị mất điện, mất nước sạch... Ở các địa phương nội thành, Ủy ban chính quyền cách mạng đã mở kho gạo, kho quân nhu của quân đội Sài Gòn để phát gạo, cứu đói cho nhân dân.

Trong khí thế tưng bừng phấn khởi, song thành phố lại đối diện với nạn thất nghiệp, nạn đói. Lãnh đạo thành phố trực tiếp “chạy gạo cứu đói”, chỉ đạo Công ty Lương thực thành phố và các đơn vị vượt qua rào cản “ngăn sông cấm chợ” mang gạo từ đồng bằng sông Cửu Long về cứu đói kịp thời. Cùng với đó, phong trào tự nguyện làm công tác xã hội của thanh niên và các tầng lớp đồng bào lên đến đỉnh điểm khi hàng vạn thanh niên xung phong đi làm kinh tế.

Công cuộc xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng của quân - dân TPHCM mới bắt đầu, với một khối lượng công việc bộn bề sau 30 năm chiến tranh giải phóng thì cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam lại bùng nổ. Cùng với chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra tháng 2-1979 đã ảnh hưởng sâu sắc đến công cuộc xây dựng và bảo vệ TPHCM sau giải phóng.

Thời kỳ thử nghiệm các chính sách kinh tế

Thực trạng kinh tế - xã hội của thành phố những năm 1975-1985 nói lên tính chất quá độ phức tạp về sự phát triển của thành phố, cũng là tình trạng quá độ đặc trưng cho cả miền Nam Việt Nam khi chuyển sang giai đoạn mới. Nhìn lại thời kỳ này, như kết quả kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980), tuy có nguồn lực lớn từ bên ngoài, chủ yếu là Liên Xô đầu tư vào, nhưng phần lớn các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đều không đạt.

Đánh giá tổng kết thời kỳ 1976-1980, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (3-1982) nêu rõ: “Năm năm qua, bên cạnh thắng lợi và thành tựu, có rất nhiều khó khăn; và hiện nay, trên mặt trận kinh tế, đất nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề gay gắt. Kết quả thực hiện các kế hoạch kinh tế trong 5 năm (1976-1980) chưa thu hẹp được những mất cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế quốc dân. Sản xuất phát triển chậm trong khi số dân tăng nhanh. Thu nhập quốc dân chưa bảo đảm được tiêu dùng xã hội, một phần tiêu dùng xã hội phải dựa vào vay và viện trợ, nền kinh tế chưa tạo được tích lũy”. Đến kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981-1985) thì nền kinh tế lâm vào khủng hoảng trầm trọng, cao điểm là sau khi việc thực hiện chủ trương “giá, lương, tiền”.

Khi đó, chúng ta cũng nhận thấy rằng, công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh không phải là cải tạo một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã thực sự hình thành, mà thực chất là “cải tạo” một nền sản xuất nhỏ với một lực lượng tư bản tư doanh đang phát triển và còn trong thời kỳ gây dựng. Trong thực tế, công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đã giảm dần nhịp độ và kết thúc không có tổng kết như thường lệ.

Sau này, Nghị quyết Đại hội VI năm 1986 đã nghiêm khắc tự phê bình: “Do chưa nhận thức đầy đủ rằng thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một quá trình lịch sử tương đối dài, phải trải qua nhiều chặng đường, và do tư tưởng chỉ đạo chủ quan, nóng vội, muốn bỏ qua những bước đi cần thiết, Đại hội IV chưa xác định những mục tiêu của chặng đường đầu tiên” và “…chúng ta chưa xác định rõ ràng, nhất quán những quan điểm, chủ trương và chính sách chỉ đạo công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Đã có những biểu hiện nóng vội muốn xóa bỏ ngay các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh...”.

Thắng lợi của sự kiện 30-4-1975 mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ thắng lợi này đã trở thành nguồn cổ vũ lớn lao, giúp chúng ta từng bước vượt qua khủng hoảng kinh tế, xã hội những năm đầu sau giải phóng khi áp dụng đường lối kinh tế tập trung bao cấp, trong khi phải tiếp tục cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế với Campuchia, Lào và bị bao vây cấm vận nghiệt ngã.

Từ ngày giải phóng miền Nam, Việt Nam đã trải qua 50 năm xây dựng và phát triển đất nước. Trong nửa thế kỷ đó có 10 năm thực hiện nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp trong khó khăn, đầy mâu thuẫn và có những cuộc đấu tranh về quan điểm căng thẳng trong nội bộ Đảng cũng như trong nhân dân. Cuối cùng, với sự kiện tiêu biểu “Xé rào bung ra” khôi phục sản xuất công nghiệp tại TPHCM trở thành tiền đề lý luận và thực tiễn cho Bộ Chính trị, Trung ương Đảng nghiên cứu và đổi mới tư duy, xây dựng cơ sở lý luận cho đường lối đổi mới được Đại hội VI của Đảng (12-1986) quyết định thông qua. Đường lối đổi mới đó đã được thực hiện trong gần 40 năm qua với quyết tâm xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.