Vậy tên các địa danh này từ đâu mà có, lịch sử hình thành thế nào và gắn bó với đời sống người dân TP.HCM ra sao?
Tại kỳ họp chuyên đề ngày 18.4, HĐND TP.HCM tán thành chủ trương sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã.
Theo đó, TP.HCM sáp nhập từ 273 đơn vị hành chính xuống còn 102 đơn vị, tương ứng giảm 62,3%.
Chi tiết tên gọi các phường, xã sau sáp nhập cũng vừa được công bố.
Dù chưa chính thức sáp nhập, còn đang lấy ý kiến người dân và tiến hành theo trình tự nhưng theo chủ trương này thì những cái tên quen thuộc với cuộc sống bao đời nay ở TP.HCM sẽ chính thức hiện diện trong cuộc sống của người dân TP.HCM tại các phường mới trong tương lai.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư hoan nghênh chủ trương đặt tên phường theo địa danh
ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Con người ai cũng có một cái tên. Bởi cái tên ít nhiều ghi lại một ký ức, một khát vọng của mỗi con người chúng ta. Và những địa danh nổi tiếng, quen thuộc xưa nay ở TP.HCM - tên gọi của nó đều là do ông bà ta đặt với mong muốn gởi gắm khát vọng của mình ở một vùng đất mới. Điều đó được nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư đúc kết khi trò chuyện cùng chúng tôi vào một ngày đầu tháng 4.
Lưu dân Việt Nam mở cõi từ thời xưa đến làm ăn, sinh sống ở vùng đồng bằng sông Đồng Nai và sông Cửu Long từ trước khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý (năm 1698). Hiện tượng "dân làng đi trước, nhà nước đến sau" được coi là một đặc điểm của lịch sử hình thành vùng đất Nam bộ. Từ đó mới hình thành những cái tên.
Nói đến địa danh người ta hình dung ra ngay
Chúng tôi còn nhớ cứ lần nào ngồi với mấy ông anh mới quen ở TP.HCM, hỏi chuyện một hồi thì ông này lòi ra ngày xưa ở khu Đa Kao, Tân Định, ông thì ở khu Bảy Hiền... Câu chuyện của người thành phố cũng gắn liền với những cái tên địa danh trong cuộc sống hằng ngày như vậy và có từ hơn nửa thế kỷ qua.
Trong các quận thì có quận 1; quận 7; quận 2, 9 và TP.Thủ Đức (sau này); quận 12; Bình Tân, Tân Phú tên phường là tên địa danh, còn lại là các quận đều là phường số. Một con số khô khan, không chút thân thuộc.
Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư cung cấp thêm: trước đây tổ tiên chúng ta đặt tên đơn vị hành chính các cấp đều là tên địa danh, không dùng số. Khi Pháp chiếm Nam kỳ, họ dùng số để đặt tên cho các đơn vị, cho dễ gọi, khỏi phải mắc công nhớ. Đến giai đoạn chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn chịu ảnh hưởng tư tưởng này nên vẫn dùng số.
Sau này khi đất nước thống nhất, chia lại ranh giới các phường, chỉ có quận 1 là quận duy nhất đổi tên phường bằng tên địa danh. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử thành phố có tên phường bằng tên địa danh.
Trong buổi làm việc với Hà Nội mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nêu câu chuyện chọn các địa danh để đặt tên phường ở TP.HCM là một gợi ý tiêu biểu để Hà Nội nghiên cứu.
Tổng bí thư Tô Lâm giới thiệu: "Vừa qua các phường ở TP.HCM tôi cho rằng đặt tên rất hay. Tất cả các địa danh của TPHCM trước đây chưa được nêu lên bây giờ đều hình thành hết. Bây giờ phường Chợ Lớn, phường An Đông. TP.HCM trước đây có phường 1, phường 3, phường 5 nên nhận diện của nhân dân khó lắm, nhưng nói đến địa danh người ta hình dung ra ngay...".
Cụ Nguyễn Đình Tư rất hoan nghênh chủ trương đặt tên các phường sau sáp nhập bằng tên địa danh vì đó chính là điều nhắc nhở các thế hệ con cháu: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".
Trước đây, chính quyền quản lý địa bàn lớn, đất ruộng khai phá nhiều nhưng không có phương tiện đi lại nên phải chia nhỏ ra để dễ dàng quản lý. Khi chia ra, chính quyền xưa vẫn dùng tên các địa danh cũ để đặt tên, ví dụ: khu Tân Sơn thì có Tân Sơn Nhất, Tân Sơn Nhì; khu Tân Thới có Tân Thới Tứ, Tân Thới Tam…
Ngày nay, giao thông các nơi nối liền với nhau như mạch máu trong cơ thể nên không còn trở ngại gì, cuộc sống người dân đầy đủ hơn, đô thị phát triển với cơ sở hạ tầng hoành tráng. Đặt tên phường là tên địa danh sẽ giúp người nhớ công ơn tổ tiên lặn lội vào khai hoang, lập nghiệp, mồ hôi nước mắt đổ xuống mới có ngày hôm nay.
Địa danh Sài Gòn có nguồn gốc thế nào?
Trở lại với 4 tên phường mới dự kiến đặt cho quận 1 ngay trung tâm TP.HCM, mỗi cái tên đều có một ý nghĩa riêng của nó.
Quận 1 ở vào vị trí xưa kia gọi là Bến Nghé, một vùng đất trọng yếu của thành phố. Năm 1623, chúa Nguyễn cho lập hai đồn thu thuế, một ở xóm Bến Nghé (khoảng đầu đường Nguyễn Huệ, quận 1) và một ở xóm Sài Gòn (Chợ Quán, quận 5 ngày nay).
Cột mốc tên Sài Gòn ra đời vẫn còn nhiều nhận định khác nhau, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư cho rằng, năm 1861, người Pháp bắt đầu ấn định ranh giới và lập TP Sài Gòn.

Bản đồ Sài Gòn năm 1898
ẢNH: TƯ LIỆU BẢO TÀNG TP.HCM
Theo tài liệu của UBND quận 1, năm 1862, khi ba tỉnh miền Đông thành thuộc địa của Pháp, Pháp cho phá bình địa thành lũy và phố thị Bến Nghé rồi quy hoạch thành phố theo kiểu Tây phương và đặt tên là TP.Sài Gòn, phố chợ Sài Gòn trước kia đổi là TP.Chợ Lớn. Địa bàn quận 1 ngày nay thuộc TP.Sài Gòn.
Trong cuốn Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển viết, từ trước năm 1680, người Cam Bốt vùng Thủy Chân Lạp có một thành lũy giữa rừng già, gọi "Prei Nokor". Cho đến ngày nay, giả thuyết "Prei Nikor" để ra Việt danh Sài Gòn chưa lấy làm ổn thỏa.
Dùng tên địa danh cũ từ thời ông Nguyễn Hữu Cảnh vào lập nền hành chính ở đây (khoảng năm 1698) là phù hợp, tên địa danh ngày xưa các cụ đặt cho mỗi vùng đất đều có ý nghĩa. Việc đặt tên phường sau sáp nhập nên chọn một địa danh tiêu biểu của vùng đó hoặc kết hợp 3 – 4 địa danh thành một. Sau khi thống nhất các tên mới, cần có một quyển sách viết về nguồn gốc tên gọi các địa danh này.
Muốn nói từ này là rừng gòn hoặc rừng bò hoặc xứ ở giữa rừng đều được. Tuy nhiên, nếu cắt nghĩa Sài Gòn do "Thầy Ngồn" của Tàu thì nghe thông và lọt tai hơn.
Theo đó, khi người Hoa rời Cù lao Phố (Biên Hòa) vào năm 1773, đã tụ về vùng đất mới Chợ Lớn ngày nay. Họ nhận ra đây là nơi mang lại cuộc sống sung túc hơn trước nên lấy đất đắp thêm bờ kinh chỗ mới tạo lập để cao ráo và kiên cố.
Để ghi nhớ, họ đặt tên chỗ mới là "Tai-Ngon" hay "Tin-Gan" phát âm theo giọng Quảng Đông nghe ra là "Thầy Ngồn" hay "Thì Ngòn", đọc theo giọng Việt là Đề Ngạn. Và đó chính là âm để gọi vùng đất Chợ Lớn thời ấy. Theo thuyết này của cụ Vương thì âm "Sài Gòn" là từ "Thầy Ngồn", "Thì Ngòn" mà ra.
Đại Nam Quốc Âm Tự vị của Huỳnh Tịnh Của thì viết: Sài tức là củi thỏi, gòn là tên loại cây bông xốp, nhẹ hơn bông thường, trong miền Nam hay dùng để dồn gối, dồn nệm, ngoài bắc gọi là cây bông gạo.
Cũng trong sách trên, còn có lý giải Sài Gòn là tên riêng đất Chợ Lớn, bây giờ lại hiểu là đất Bến Nghé. Sài Gòn là tên xứ ở về tỉnh Gia Định.

Chợ Bến Thành khi xưa
ẢNH: TƯ LIỆU QUẬN 1
Tổng hợp các tài liệu, Vương Hồng Sển lý giải, thời điểm xưa, người Tàu dùng danh từ "Thầy Ngồn" để gọi vùng buôn bán Chợ Lớn và danh từ Xi Cóon (Tây Cống) để ám chỉ xóm Việt, tức chợ Bến Thành .
Đến buổi Tây qua, đứng trước danh từ "Bến Nghé" và "Sài Gòn" thì hai chữ Bến Nghé với Tây líu lưỡi khó nói quá nên chỉ sẵn uy lực kẻ chiến thắng trong tay, Tây bèn ép người dân dùng hai chữ Sài Gòn, vừa kêu giòn vừa dễ đọc (cũng như họ đã đọc và nói Cholen thay vì Chợ Lớn, rồi đọc và nói Da Kao thay vì Đất Hộ).
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết, ngày trước, người dân gọi "Sài Côn" để chỉ vùng đất Chợ Lớn. Sau này, người Pháp chiếm được Nam kỳ, họ gọi vùng Bến Nghé là "Sài Côn", dần dần đọc thành Sài Gòn.
Bến Thành có từ khi nào?
Tên gọi Bến Thành không xa lạ gì với người dân TP.HCM, trong nước và thậm chí cả khách quốc tế. Địa danh chợ Bến Thành là nơi nhất định phải ghé của du khách khi đến TP.HCM. Có ý kiến cho rằng, sông Bến Nghé có một bến sông nằm gần thành Bát Quái, bến này dùng cho khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy nên có tên gọi là Bến Thành. Gần sát bến này có một khu chợ vì thế mà chợ này cũng được gọi là chợ Bến Thành.
Theo tài liệu của UBND quận 1, địa danh và địa giới P.Bến Thành (hiện hữu) tuy mới xuất hiện cách đây không lâu, nhưng vùng địa phận của phường đã có rất lâu và luôn gắn liền với sự tồn tại hàng trăm năm cùng với Sài Gòn – Gia Định xưa.
Năm 1959, Ngô Đình Diệm chia Đô thành Sài Gòn ra thành 8 quận, đặt tên quận bằng chữ, đó là quận Nhất, Nhì, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám. Tháng 5.1976, quận Nhất và quận Nhì sáp nhập thành quận 1. Từ đó đến nay, địa giới hành chính và tên gọi của quận 1 không thay đổi.
Nhà địa danh học Lê Trung Hoa lý giải, Bến Thành là chợ trung tâm của TP bán hàng nội, ngoại sỉ và lẻ. Đầu thế kỷ 19, chợ nằm sát sông Sài Gòn, nơi có bến đò vào thành Phiên An nên mới gọi là Bến Thành. Cuối thế kỷ 19, chợ được dời đến trên bờ kênh Lấp (đường Nguyễn Huệ). Năm 1870, chợ bị cháy một lần. Năm 1911, được dời đến địa điểm ngày nay, xây dựng mới, đến tháng 3.1914 thì khánh thành.

Gọi là chợ Bến Thành vì chợ nằm gần bến sông để vào thành khi xưa
ẢNH: NHẬT THỊNH
Địa điểm này nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho. Lễ khánh thành thời đó báo chí thời đó gọi là "Tân Vương hội" vì được tổ chức rất long trọng, kéo dài ba ngày với xe hoa, pháo hoa và hơn một trăm nghìn người tại Sài Gòn và từ các tỉnh đổ về.
Nơi vị trí cũ được mở đường, xây công thự, nhưng vẫn mang tên chợ Cũ (hay còn gọi chợ Tôn Thất Đạm); còn nơi mới thì gọi là chợ Bến Thành hay chợ Sài Gòn, chợ Mới. Năm 1985, chợ được sửa chữa toàn bộ, nhưng vẫn giữ dáng vẻ mặt tiền với tháp đồng hồ như xưa.
Từ sau năm 1975 đến nay, chợ Bến Thành nhiều lần được sửa chữa, sắp xếp lại. Hiện nay chợ tập trung khoảng 3.000 hộ kinh doanh buôn bán nhiều mặt hàng thiết yếu và quý hiếm trong nước cũng như nước ngoài.
Ông Lãnh là ai?
Theo tài liệu của UBND P.Cầu Ông Lãnh, trên địa bàn có đình Nhơn Hòa được xây dựng vào thế kỷ XIX, hay còn được gọi là đình Cầu Muối vì nằm trong khu vực chợ Cầu Muối. Giống như hầu hết các ngôi đình làng Nam bộ, ngoài chức năng văn hóa, xã hội, đình Nhơn Hòa còn là nơi thờ thần. Đặc biệt, hai bên khám thờ thần Thành hoàng Bổn cảnh không phải là khám thờ Tả ban, Hữu ban như các đình khác mà là khám thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và khám thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng.
Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư giải thích, tên Cầu Ông Lãnh được đặt tên theo Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng. Ông là một vị tướng của triều Nguyễn, trấn giữ đồn Thủ Thiêm - Cây Mai, chống lại quân Pháp khi Pháp tấn công thành Gia Định. Ông nổi tiếng với chiến dịch Mù U, gây cho Pháp nhiều thiệt hại.
Năm 1885, học giả Trương Vĩnh Ký có viết: "Chiếc cầu gỗ do ông lãnh binh gần đó cho bắc qua, chắc là ông lãnh Binh Thăng này chứ không phải ai khác".

Góc đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi năm 1948
ẢNH: TƯ LIỆU
Tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang với nhiều quyển sách nổi tiếng về Sài Gòn cũng từng lý giải, từ cuối đường Nguyễn Thái Học khi muốn qua bến Vân Đồn, khu Khánh Hội, quận 4, người ta phải dùng ghe mới sang được. Lúc đó có một ông lãnh hảo ý đã bỏ tiền ra làm một cây cầu gỗ để dân chúng đi lại cho thuận tiện.
Từ đây có thể thấy, giả thuyết người dân đặt tên cầu là "Ông Lãnh" để ghi nhớ nhớ công ơn khá thuyết phục. Ông lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng có lẽ chính là nhân vật đã được người dân đặt tên cho cây cầu cùng ngôi chợ cũ nổi tiếng và được thờ trang trọng ở đình Nhơn Hòa để ghi ơn.
Tân Định - thị trấn mới của Gia Định
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho rằng, tên địa danh các cụ đặt ngày xưa cho từng vùng đất đều có ý nghĩa nhất định, gửi gắm mong ước của người dân vào tên gọi. Ví dụ, Gia Định thì "gia" là mở rộng, "định" là định cư, gọi Gia Định là chỉ vùng đất để người dân miền Bắc, miền Trung mở rộng vào định cư.
Địa bàn P.Tân Định xưa kia là một vùng đất hoang vu, đầm lầy, kênh rạch, nằm ở phía bắc thành Gia Định. Cuối thế kỷ XVII, những người lưu dân nghèo, phần lớn là người miền Trung đến sinh sống bằng nghề chài lưới ở ven rạch Thị Nghè về khai phá đất hoang trồng rau, trồng lúa. Sau đó, những người dân nghèo từ Bến Nghé về đông hơn, sống quần tụ theo dọc bờ kênh Thị Nghè, lập thành xóm Vạn Chài.
Đầu thế kỷ XX, xóm Vạn Chài được coi như một thị trấn của vùng Gia Định, do đó, người ta gọi là khu Tân Định.
Qua nhiều biến động, đến năm 1989, quận 1 chia lại địa giới hành chính cấp phường, trong đó, sáp nhập P.1, 3, 4 thành P.Tân Định. Từ đó trở đi, P.Tân Định là một trong 10 phường của quận, có vị trí địa lý, cơ cấu hành chính ổn định.
Các danh nhân được đặt tên các con đường trên địa bàn P.Tân Định đều là những người có công với đất nước và dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Riêng phía sau chợ Tân Định có đường Mã Lộ (đường ngựa), gắn liền một thời chuyên chở hàng hóa bằng xe ngựa từ các quận, huyện ngoại thành đến chợ Tân Định. Các xà ích thường đậu xe ở đoạn đường này, lấy cỏ hoặc thóc cho ngựa ăn, chờ tan chợ.