Tự sắm xe chữa cháy để giúp dân
(PL)- Ám ảnh và sợ các vụ cháy nên ông Thành tự đầu tư các thiết bị chữa cháy để dễ dàng chữa cháy trong các con hẻm.
 

Trong căn phòng làm việc của Ban bảo vệ dân phố (BVDP) phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 dưới chân cầu Calmette, chúng tôi thấy nhiều phao cứu sinh, áo phao, dây thừng, thang dây, bông băng sơ cứu. Ông Lý Nhơn Thành (55 tuổi), Trưởng ban BVDP phường, liên tục đảo mắt quan sát các thanh niên phóng xe ngoài đường khi trò chuyện với chúng tôi.

Vận động “quái xế” đi làm BVDP

Thấy một thanh niên phóng xe chạy qua, ông nói nhanh: “Để tôi xem người đó có phải vừa đi giật đồ không để báo cho lực lượng hỗ trợ vì nó có nhiều biểu hiện rất khả nghi”.

Kinh nghiệm nhiều năm làm BVDP và được rèn giũa trong quân đội giúp ông phân biệt những kẻ khả nghi, cảm hóa, thuyết phục các “quái xế” tham gia vào BVDP. “Cái gì giúp được cho dân thì tôi làm thôi” - ông Thành nói.

Chuyện ông cảm hóa các “quái xế” trong phường để tham gia vào lực lượng BVDP theo kiểu “dĩ độc trị độc”. Ông kể lúc trước ở phường có nhiều thanh thiếu niên thường xuyên tụ tập đua xe nhưng dẹp hoài không hết. Thế là ông nảy ra ý nghĩ nhờ công an phường mời các thanh niên này đến làm việc. Ông tranh thủ lôi kéo, thuyết phục họ tham gia lực lượng BVDP và họ đồng tình. Ông đứng ra bảo lãnh, giáo dục, cảm hóa và chỉ dạy các em chào hỏi người dân, giúp người khác, cách sơ cứu người bị tai nạn.

Với lực lượng này tham gia bảo vệ an ninh các khu phố, tình trạng “quái xế” tụ tập đua xe trên địa bàn giảm hẳn.

Tuy nhiên, điều ông để tâm nhất là việc tham gia chữa cháy mà hầu như vụ cháy lớn nhỏ nào trên địa bàn đều có mặt ông. Ông kể lúc 10 tuổi đã tham gia vào một vụ chữa cháy và không nghĩ nó theo ông đến tận bây giờ. “Lúc đó tôi cùng bạn đá banh gần chợ Bến Thành thì thấy chiếc xe buýt đi ngang qua có khói bốc lên ở phía sau. Tôi liền chạy lại cây xăng lấy bình chữa cháy ra cứu hỏa mà không hề sợ sệt gì” - ông Thành kể.

Còn trong vụ cháy Trung tâm thương mại ITC năm 2002, ông cũng là một trong những người đầu tiên xông vào đám cháy để cứu người. Khi ấy, ông mang cơm vào cho vợ thì thấy cháy nên đã chủ động đập tủ lấy thiết bị chữa cháy ở tầng trệt ra cứu người và hàng hóa của hơn 200 tiểu thương.

 

Sau “trận chiến” đó ông bị thương, vết thương nhiễm trùng, phải điều trị nhiều tháng.

Tự sắm xe chữa cháy để giúp dân - ảnh 1
Ông Lý Nhơn Thành thường xuyên chăm sóc các xe chữa cháy mà ông tự bỏ tiền ra đầu tư để giúp người dân. Ảnh: LÊ THOA

Thế chấp nhà cho ngân hàng để trang bị phương tiện chữa cháy

Sau vụ cháy ITC, ông bị ám ảnh và đầu tư nhiều thiết bị chữa cháy khi về làm BVDPphường Nguyễn Thái Bình.

Ban đầu khi mới về phường, ông đầu tư một mô tô, bên trên lắp động cơ chữa cháy, có vòi nước để dễ luồn lách vào các con hẻm. Sau vì có những trường hợp cháy trên cầu, giữa đường, không có nhà dân nên không thể nối dây tiếp nước chữa cháy, ông quyết định đầu tư hai xe chữa cháy lớn hơn.

 

Một chiếc xe ba gác chở thiết bị chữa cháy gồm thang, vòi rồng, máy bơm công suất lớn… Xe tải nhỏ còn lại ông chở các thiết bị chữa cháy khác, phao cứu sinh, dụng cụ y tế, băng ca…

Ước mơ của em là làm lính cứu hỏa, có một lần em thấy chú Thành trên tivi, thấy chú có mấy cỗ máy chữa cháy, rồi thấy chú giúp nhiều người nên em đến xin chú vào làm BVDP, đến nay cũng ba năm rồi.

Chú Thành như người cha, chỉ bảo từng chút, sắm sửa phương tiện… để chúng em làm việc được an toàn.

PHẠM QUỐC HƯNG (22 tuổi), BVDP phường Nguyễn Thái Bình 

“Có lần tôi chữa cháy một căn nhà ở đường Calmette, lửa quá lớn, nhựa từ trên trần nhà chảy xuống, thấm vào chân đau buốt nhưng tôi phải cố cầm cự đợi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến. Vết thương đó vào sâu trong tĩnh mạch nên giờ hễ trở trời là chân tôi đau buốt, không đi lại được” - ông chia sẻ.

Điều không ngờ là ông Thành đã thế chấp nhà cho ngân hàng để vay tiền, tự đầu tư gần 2 tỉ đồng mua phương tiện chữa cháy, cứu hộ. Từ lúc bắt đầu công việc cứu hỏa, ông cùng các BVDP cứu chữa hơn 100 vụ cháy. Khi nghe tin báo cháy trong phường là ông lập tức tới điểm cháy, xác định cháy lớn hay nhỏ, cháy cái gì rồi tùy vào tính chất mỗi vụ để thông báo, hướng dẫn cụ thể cho bà con rồi nhanh chóng xử lý vụ cháy.

Khó khăn về tài chính, ám ảnh các vết thương nhưng chưa khi nào ông Thành nghĩ sẽ ngưng công việc này. “Tôi từng nghĩ khi bước vào đám cháy có lẽ sẽ không thể trở ra được. Nếu như điều đó xảy ra, tôi cũng không hối tiếc vì biết mình đã làm đúng” - ông Thành chia sẻ.

Cứu người bất kể đêm hôm

Ông Thành nhiệt tình với công việc này lắm, cái gì giúp được dân là làm. Dù đêm hôm nhưng thấy có người bị thương là chạy ra sơ cứu, chở đi bệnh viện, người ta không có tiền nhập viện ông Thành còn móc túi cho.

Có lần thấy có người lên cầu định tự tử, ông Thành cùng tụi nhỏ bỏ dở bữa cơm đang ăn chạy đi cứu người mà không kịp mang cả giày. Hay những lần dù mưa gió nhưng ông Thành cùng sắp nhỏ vẫn đứng giữa đường để điều tiết xe cộ…

Ông NGUYỄN VĂN CHIẾN, người dân phường Nguyễn Thái Bình