Chiều 4-5, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Hội nghị giữa Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội với Tổ trưởng Tổ đảng, Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm quán triệt và thống nhất một số nội dung trọng tâm trình Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị

Chiều 4-5, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Hội nghị giữa Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội với Tổ trưởng Tổ đảng, Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm quán triệt và thống nhất một số nội dung trọng tâm trình Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Đây là kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là các nội dung được thông qua tại Hội nghị Trung ương 11 vừa qua. Trong đó, trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các luật phục vụ cho việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; tháo gỡ triệt để những rào cản, khó khăn, vướng mắc về thể chế để tạo hành lang pháp lý, tạo nền tảng cho phát triển, khơi thông các điểm nghẽn, nguồn lực, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tinh gọn bộ máy, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương cả nước.

Kỳ họp thứ 9 khai mạc vào sáng nay 5-5 và dự kiến bế mạc ngày 30-6; được tổ chức thành 2 đợt. Về công tác lập hiến, lập pháp, nội dung sửa đổi Hiến pháp lần này khoảng 8/120 điều. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thời gian cho việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp phải bảo đảm hoàn thành trước ngày 30-6-2025 để có hiệu lực từ ngày 1-7-2025; sẽ dành khoảng 1 tháng để lấy ý kiến nhân dân về các nội dung sửa đổi. Vì vậy, các công đoạn phải tiến hành rất khẩn trương nhưng cũng phải rất thận trọng, kỹ lưỡng.

E2a.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Quốc hội Nguyễn Phương Thủy tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, đóng góp ý kiến xây dựng, bảo đảm chất lượng cao nhất. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính là nội dung đặc biệt quan trọng, có tính chất lịch sử đối với sự phát triển của đất nước.

Đối với các dự án luật cho ý kiến lần đầu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần quan tâm thảo luận kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, nguyên tắc, mục tiêu, quan điểm lớn, chính sách quan trọng; tính hợp lý, khả thi của các quy định để làm cơ sở cho các cơ quan tiếp tục hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tới.

Nhấn mạnh kỳ họp thứ 9 là kỳ họp lịch sử quyết định những vấn đề lịch sử của đất nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị mỗi đại biểu Quốc hội phải thực sự đổi mới tư duy và phương pháp làm việc; dành thời gian chủ động nghiên cứu tài liệu, sâu sát vấn đề. Mỗi ý kiến đóng góp phải xuất phát từ tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm cao nhất đối với cử tri và đất nước.

* Chiều 4-5, tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy đã thông tin về việc xem xét sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Theo kế hoạch, từ ngày 6-5 sẽ công bố dự thảo lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, dự kiến lấy ý kiến trong khoảng 1 tháng. Việc lấy ý kiến nhân dân theo đề xuất của Chính phủ, ngoài hình thức lấy ý kiến theo phương thức truyền thống, có thể áp dụng thêm hình thức trực truyến thông qua ứng dụng VNeID của Bộ Công an.

Thông tin tại buổi họp báo, ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp, gồm 3 nghị quyết về công tác lập hiến và 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.