TTO - Doanh số thương mại điện tử bán hàng cho người tiêu dùng ở Việt Nam năm 2019 đạt hơn 10,08 tỉ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Giá trị giỏ hàng của người tiêu dùng phổ biến ở mức từ 1 đến 3 triệu đồng.

77% người xài Internet ở Việt Nam từng mua hàng online - Ảnh 1.

Người tiêu dùng Việt Nam chọn mua sắm trực tuyến ngày càng nhiều - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo báo cáo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 vừa được Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) xuất bản, năm 2019 doanh số thương mại điện tử bán lẻ đến người tiêu dùng ở Việt Nam đạt khoảng 10,08 tỉ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc top 3 trong khu vực Đông Nam Á.

Đi sâu vào khảo sát, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số ghi nhận ước tính có khoảng 44,8 triệu người Việt đã tham gia thương mại điện tử, giá trị đơn hàng mua sắm trực tuyến trung bình 225 USD/người, tăng đáng kể so với 160 USD của năm 2015. Tuy vậy, tỉ trọng thương mại điện tử trên thị trường bán lẻ còn khiêm tốn chỉ đạt 4,9%, chỉ tăng nhẹ so với năm trước.

Những con số này đều tăng nhanh hơn so với mục tiêu trước đó của Bộ Công thương khi dự kiến đến năm 2020, doanh số thương mại điện tử của Việt Nam mới đạt 10 tỉ USD, 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến.

Đa phần người mua sắm trực tuyến thuộc nhóm người trẻ từ 18 đến 25 tuổi, có đến 77% người dùng Internet từng mua sắm online ít nhất một lần trong năm 2019, chủ yếu mua hàng trên thiết bị di động.

Đáng chú ý, có sự thay đổi trong kênh mua sắm trực tuyến gắn với xu hướng dịch chuyển mua sắm trên các ứng dụng thương mại điện tử di động thay cho mua sắm trên các website của sàn thương mại điện tử. 

Hoạt động mua sắm trên nền tảng diễn đàn, mạng xã hội vẫn khá sôi động, tăng trưởng 57% trong năm 2019 so với 36% của năm 2018 bất chấp nguy cơ rủi ro về gian lận, lừa đảo trên mạng xã hội tăng mạnh thời gian qua. 

Có đến 88% người mua hàng chọn hình thức thanh toán bằng tiền mặt, con số này chỉ giảm nhẹ 2% so với năm trước. Các hình thức thanh toán bằng thẻ ATM nội địa, ví điện tử... còn ít, thậm chí có xu hướng giảm nhẹ trong hai năm 2018 và 2019. 

Kết quả này bắt nguồn từ tâm lý người tiêu dùng vẫn lo ngại sản phẩm kém chất lượng, lo sợ thông tin cá nhân bị tiết lộ, dịch vụ chăm sóc khách hàng kém... 

Báo cáo cũng nghiên cứu mục đích sử dụng Internet của người dùng Việt Nam. Tỉ lệ online để đọc báo xem tin tức và sử dụng mạng xã hội là tương đương nhau, lần lượt 58% và 57%, sau đó đến xem phim, nghe nhạc, nghiên cứu học tập... 

Theo các chuyên gia, báo cáo được thực hiện và hoàn tất khi dịch COVID-19 chưa xảy ra, nhưng cũng đã khái quát phần nào bức tranh thị trường thương mại điện tử, chân dung người dùng. 

Tuy nhiên, với tác động của dịch COVID-19, thị trường này đang có những thay đổi chóng mặt từ cách thức mua sắm online, hạn chế tiếp xúc tăng thanh toán không tiền mặt đến nhóm hàng, giá trị giỏ hàng...

N.BÌNH