Các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt vẫn được Đà Nẵng tiếp tục thực hiện
ẢNH: HOÀNG SƠN
Hôm qua (20.8), tại buổi gặp UBND TP.Đà Nẵng trước khi rời TP, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế chống Covid-19, nhận định với sự tăng cường lực lượng và trang thiết bị y tế, về cơ bản đến nay Đà Nẵng đã đảm nhận tốt và nâng cao đáng kể năng lực giám sát, xét nghiệm và điều trị Covid-19.
Ông Sơn đánh giá tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng “đã bước đầu được kiểm soát”, đồng thời đưa ra các khuyến cáo, biện pháp triển khai công tác phòng chống dịch thời gian tới. Trong đó, ông đặc biệt lưu ý chính quyền và nhân dân TP không được chủ quan, tiếp tục quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch như Chính phủ, địa phương đã ban hành trong thời gian qua.
"Ngành y tế TP tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để phát hiện người bị nhiễm bệnh trong cộng đồng nhằm tổ chức cách ly và truy vết thần tốc xử lý dịch kịp thời"-PGS-TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư
Tâm dịch cơ bản đã được giải quyết
Trong động thái khác, UBND TP.Đà Nẵng cho biết trước khi ra các tỉnh phía bắc chống dịch Covid-19 theo phân công của Bộ Y tế, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, PGS-TS Trần Như Dương, đã gửi một số ý kiến chuyên môn trong công tác phòng chống dịch cho TP. Theo đó, ông Dương cũng nhận định đến nay Đà Nẵng đã bước đầu kiểm soát được dịch trên địa bàn toàn TP. Tâm dịch là BV Đà Nẵng về cơ bản đã được giải quyết.
Đà Nẵng xét nghiệm cho công dân ngoại tỉnh trước khi trở về địa phương
Tối 20.8, UBND TP.Đà Nẵng cho biết trong khi chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương cho phép người lao động, học sinh, sinh viên và người dân ở các địa phương khác đang tạm trú TP được rời Đà Nẵng về lại nơi cư trú theo nguyện vọng, UBND TP mong muốn nhận được sự phối hợp của UBND các tỉnh, thành thực hiện việc thiết lập đường dây nóng và thông báo rộng rãi để tiếp nhận thông tin của công dân địa phương đang tạm trú Đà Nẵng đăng ký trở về nơi cư trú. UBND TP sẽ tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các công dân, vận chuyển công dân của từng địa phương đến địa điểm tập kết để rời Đà Nẵng.
“Kể cả khi số mắc mới về 0 cũng không có nghĩa là mầm bệnh đã hoàn toàn được làm sạch tại cộng đồng. Bởi nguồn lây là người lành mang trùng nhiều khả năng đã chui sâu, bám rễ tại một số nơi và vẫn là nguy cơ thường trực để lây nhiễm cho người xung quanh, có thể sẽ gây ra các ca mắc mới không rõ nguồn lây bất cứ lúc nào ở giai đoạn sau này. Chính vì vậy việc phải duy trì giám sát liên tục, chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả người sốt, ho, đau họng, cảm cúm tại cộng đồng và tất cả các cơ sở khám chữa bệnh là vô cùng cần thiết. Đây là chỉ số giám sát theo dõi dịch rất quan trọng. Nếu phát hiện ca bệnh mới thì lập tức quây chặt, xử lý ổ dịch, truy vết cách ly F1 triệt để ngay, không để dịch có cơ hội bùng phát. Dập tắt dịch ngay từ khi còn là đốm lửa nhỏ”, PGS Dương nêu ý kiến.
Tuy đã có tín hiệu khả quan nhưng Đà Nẵng vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp chống dịch Covid-19 ẢNH: HOÀNG SƠN |
Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng
Theo PGS-TS Nguyễn Như Dương, trong báo cáo hằng ngày phải làm rõ bao nhiêu ca là bệnh nhân từ F1 đã được cách ly và bao nhiêu ca bệnh là F1 bị bỏ sót và mắc bệnh tại cộng đồng. Đà Nẵng sẽ vẫn tiếp tục ghi nhận các ca bệnh là những người liên quan đến BV Đà Nẵng còn sót trong cộng đồng và ghi nhận rải rác một số ca lây nhiễm tại cộng đồng chưa tìm được nguồn lây.
“Các biện pháp chống dịch thời gian qua cơ bản đã đúng hướng và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên có nơi, có chỗ chưa thực sự quyết liệt, chưa chú trọng đến việc kiểm tra giám sát việc thực hiện chống dịch tại cơ sở. Một số nơi thực hiện chưa nghiêm Chỉ thị 16…”, ông Dương lưu ý và đề xuất Đà Nẵng cần tiếp tục tăng cường mạnh mẽ các biện pháp chống dịch như thời gian qua, trong đó tập trung vào hệ thống giám sát, đầu tư nguồn lực, nhân lực cho hệ thống giám sát ở tất cả các tuyến để có năng lực phát hiện ngay được ca bệnh, từ đó đáp ứng kịp thời không để dịch có cơ hội bùng phát.
Quảng Ngãi dỡ bỏ lệnh phong tỏa cách ly xóm 3, thôn Mỹ Huệ 1
ẢNH: PHẠM ANH
Sáng 20.8, UBND H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) công bố dỡ bỏ lệnh phong tỏa cách ly đối với xóm 3, thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương, H.Bình Sơn. Đây là nơi bệnh nhân 621 sinh sống, đã hết bệnh và xuất viện về nhà trưa 19.8. Ngay sau khi ông Lý Thọ, Phó chủ tịch UBND H.Bình Sơn, đọc quyết định dỡ bỏ lệnh phong tỏa, người dân ở xóm 3, thôn Mỹ Huệ 1 đã đồng loạt vỗ tay vỡ òa trong vui mừng (ảnh).
Ông Đỗ Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Bình Dương, cho biết đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào bị lây từ bệnh nhân 621; các trường hợp F1, F2 và cả xóm 3 có hơn 100 nhân khẩu, sau nhiều lần xét nghiệm đều âm tính với Covid-19.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Ngãi, ngày 22.8 sẽ đưa công dân của tỉnh đang ở vùng dịch Quảng Nam và Đà Nẵng về địa phương. Tính đến ngày 20.8, có 728 công dân ở hai địa bàn nói trên đăng ký với Công an tỉnh Quảng Ngãi về lại địa phương. Dự kiến sáng 22.8, các sở, ngành của tỉnh Quảng Ngãi sẽ đón công dân tại Quảng trường 2.9, đường 2.9, P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng). Khi về đến Quảng Ngãi, những công dân này sẽ được đưa đến các khu cách ly tập trung tại TP.Quảng Ngãi, H.Bình Sơn và H.Tư Nghĩa.
Hôm qua, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP mở rộng lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ cao và dễ lây nhiễm dịch bệnh, đẩy nhanh công tác điều tra, xác định nguồn lây nhiễm, truy vết các F1, cụ thể hơn nữa việc điều tra dịch tễ.