Nhấn mạnh việc chống dịch sẽ là cuộc chiến "trường kỳ", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải hình thành một "văn hóa ứng xử" với dịch bệnh và sẽ có chế tài bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi cần thiết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm hết sức mình để ngăn dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng /// Ảnh Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm hết sức mình để ngăn dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng
ẢNH QUANG HIẾU
 

Làm hết sức để không có ổ dịch lây lan trong cộng đồng

Kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ với một số địa phương về phòng, chống dịch Covid-19 chiều 21.8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: "Dịch vẫn còn phức tạp, nhưng đang trong tầm kiểm soát, thậm chí kiểm soát rất chủ động, kể cả ở những địa bàn phức tạp nhất như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương và các thành phố lớn. Đây là sự cố gắng rất lớn của tất cả chúng ta".
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, qua lần này, Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học tốt, trong đó có tinh thần "thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa" trong chỉ đạo; xét nghiệm nhanh, rộng; ứng dụng Bluezone; truyền thông, thông tin kịp thời; người dân ủng hộ, hệ thống chính trị vào cuộc rất quyết liệt, nên đã "thành công bước đầu" trong kiểm soát dịch ở đợt này.
Thêm vào đó, đợt chống dịch này cũng đã có sự giúp đỡ, hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp, thậm chí cả người nước ngoài ở Việt Nam, một truyền thống quý báu của dân tộc cần tiếp tục phát huy thời gian tới.
Dù vậy, ở trong nước, thời gian tới sẽ vẫn còn ca nhiễm, vẫn còn sự lo lắng. Trênthế giới, tình hình dịch một số nước diễn biến xấu như Pháp, Tây Ban Nha, Nhật... Hiện chưa có vắc xin chính thức để sử dụng. Nước ta lại là nước hội nhập sâu, rộng, nên Thủ tướng yêu cầu "các cấp, các ngành không được chủ quan, coi thường trong quá trình chỉ đạo, mà phải tập trung làm hết sức mình để không có ổ dịch lây lan trong cộng đồng diễn ra tiếp theo".
 

Hình thành văn hóa ứng xử trong dịch bệnh

"Chúng ta xác định chống dịch Covid-19 là một cuộc chiến trường kỳ. Chừng nào chưa có vắc xin thì chúng ta phải chung sống với dịch bệnh, phải có phương thức, cách làm, văn hóa ứng xử trong hoàn cảnh này".
"Trong bối cảnh toàn cầu sụt giảm, tăng trưởng âm, chúng ta là nước mới thoát nghèo, đang chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc, chúng ta phải thực hiện mục tiêu kép: kiểm soát dịch, phong tỏa, chặn đứng nguồn lây và vẫn phải duy trì hoạt động kinh tế - xã hội ở mức cần thiết. Lãnh đạo các địa phương, các bộ cần cương quyết, sát sao, tỉnh táo chỉ đạo 2 nhiệm vụ này để đạt hiệu quả tối ưu. Không được để dịch lây lan, bùng phát; đồng thời, không được để người dân quá lo lắng, bất ổn về cách ly xã hội", Thủ tướng nhấn mạnh.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải nâng cao khả năng xét nghiệm lên một tầng mới, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho người dân xét nghiệm.
 
 
Ngành y tế cần nghiên cứu để nhận diện, chẩn đoán sớm việc mắc Covid-19 ở những bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt, khó thở… Những thay đổi trong cơ thể con người ở mọi vùng đều phải được nhắc nhở, kiểm tra. Cùng với đó, chuẩn bị hệ thống y tế toàn quốc và nhất là ở những thành phố lớn để đối phó với tình huống gia tăng bệnh nhân nặng.
 
Cần tăng cường năng lực cho hệ thống y tế toàn quốc, đặc biệt là năng lực ứng phó với Covid-19. Củng cố hệ thống y tế dự phòng cả nước.
Đáng chú ý, Thủ tướng đồng ý "sẽ có chế tài bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi cần thiết, bắt buộc khai báo y tế, cần có yêu cầu một số đối tượng cài Bluezone hay một số ứng dụng khác để chủ động phát hiện dịch bệnh".
"Một văn hóa ứng xử trong dịch cần được phổ cập hơn nữa, như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giãn cách xã hội phù hợp", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
 

Thực hiện mục tiêu kép, nếu không, nền kinh tế sẽ rất tiêu điều

Nêu việc vừa qua Công an TP.Đà Nẵng đã truy tố một số người Việt và người nước ngoài nhập cảnh trái phép và cho rằng đây "là sự giáo dục, răn đe cần thiết", Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt biên giới, nhưng tạo điều kiện cho chuyên gia nước ngoài nhập cảnh để phát triển sản xuất.
"Chúng ta chống dịch với tinh thần thực hiện mục tiêu kép, còn nếu không, nền kinh tế sẽ rất tiêu điều và rơi vào trạng thái tăng trưởng âm như rất nhiều nền kinh tế bên cạnh chúng ta. Thế nên, có câu chuyện đón nhà đầu tư, chuyên gia phải cách ly phù hợp, chứ không phải là đóng cửa.
Tôi cũng đã giao Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế có phương án trình Chính phủ, Thủ tướng về việc tiếp tục đón bà con về nước phù hợp với hoàn cảnh hiện nay", Thủ tướng chỉ đạo, đồng thời nhấn mạnh "phải kiên quyết hơn nữa, kịp thời hơn nữa, không để tình trạng lan rộng như ổ dịch vừa qua do chưa đề cao cảnh giác".
Tinh thần cảnh giác cũng phải được báo động trong toàn bộ ngành y tế, nhất là các bệnh viện, Thủ tướng yêu cầu.