Tại hội nghị tổng kết chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2020, ban tổ chức cho biết, chương trình đã giúp đỡ 34.000 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Thí sinh được hỗ trợ trong kỳ thi /// Ảnh Nhật Nam
Thí sinh được hỗ trợ trong kỳ thi
ẢNH NHẬT NAM
 
Chiều 22.8, Hội nghị tổng kết chương trình Tiếp sức mùa thi 2020 đã được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với sự tham gia của anh Bùi Quang Huy, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên VN; chị Đặng Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên; ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc marketing Công ty CP Tập đoàn Thiên Long, đại diện Bộ GD-ĐT, các tỉnh thành đoàn tham gia triển khai chương trình Tiếp sức mùa thi 2020 trên toàn quốc.

Huy động nguồn lực “khủng”

Ban tổ chức cho biết, mặc dù năm nay bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19nhưng chương trình đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, sinh viên tham gia và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, các đơn vị trên cả nước đã thành lập và triển khai 801 đội hình cấp tỉnh, thành phố và 2.874 đội hình cấp cơ sở với hơn 52.000 tình nguyện viên tham gia.
Trong thời gian trước kỳ thi, các đơn vị đã chủ động rà soát, xây dựng phương án hỗ trợ đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả, trên cả nước có 34.096 thí sinh (TS) có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ từ các cấp bộ Đoàn, Hội.
Chia sẻ tại hội nghị, chị Đặng Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết qua chương trình Tiếp sức mùa thi, từ thông tin các đơn vị Hội cung cấp, trong đó chủ yếu là các tỉnh thành phía Nam, nhiều hoàn cảnh khó khăn đã được phản ánh trên Báo Thanh Niên và huy động được hơn 400 triệu đồng hỗ trợ TS. Đây là mô hình hiệu quả cần được các đơn vị quan tâm phối hợp trong các năm tiếp theo.
Chương trình Tiếp sức mùa thi 2020 giúp hơn 34.000 thí sinh khó khăn  - ảnh 1

Hội nghị tổng kết được tổ chức trực tuyến do dịch Covid-19

ẢNH DƯƠNG TRIỀU

Ban tổ chức cũng cho biết, chương trình đã đẩy mạnh công tác huy động nguồn lực, với tổng giá trị cao hơn các năm, vật phẩm huy động được đa dạng về chủng loại với số lượng lớn, trong đó có nhiều vật phẩm để phòng chống dịch Covid-19.
Tổng giá trị nguồn lực các đơn vị trên cả nước huy động được trong chương trình là hơn 24 tỉ đồng. Chương trình cũng huy động hơn 100.000 suất ăn, hơn 200.000 cẩm nang cung cấp miễn phí cho TS và người nhà...

Gần 250.000 thí sinh được hỗ trợ ôn thi

Theo báo cáo của ban tổ chức, năm nay mô hình mới của chương trình là "Một sinh viên hỗ trợ một TS" bằng hình thức trực tuyến, nên công tác tuyên truyền được ban tổ chức chương trình chú trọng triển khai thường xuyên, liên tục, đa dạng về phương thức trước kỳ thi.
Các cấp bộ Đoàn, Hội trên cả nước đã triển khai các kênh thông tin đa dạng nhằm tiếp nhận nhu cầu cần hỗ trợ từ các TS trước kỳ thi, đa dạng hình thức.
Chương trình Tiếp sức mùa thi 2020 giúp hơn 34.000 thí sinh khó khăn  - ảnh 2

Chương trình Tiếp sức mùa thi phát khẩu trang cho thí sinh để phòng dịch

ẢNH NHẬT NAM

Các kênh thông tin đã phát huy được tính hiệu quả và giải quyết được kịp thời nhiều vấn đề mà TS vướng mắc trước kỳ thi. Kết quả, đã có 90.692 TS đăng ký và được hỗ trợ qua các kênh thông tin của các đơn vị.
Trên cả nước có 272 kênh ôn tập, luyện thi THPT trực tuyến, có 3.149 tình nguyện viên được chọn cử triển khai mô hình gia sư cho thí sinh trước kỳ thi. Tổng số TS được hỗ trợ ôn luyện kiến thức trước kỳ thi là 246.019 em.
 
Đặc biệt, công tác tổ chức các chương trình tư vấn trực tuyến với nhiều giải pháp phong phú được nhiều đơn vị áp dụng. Các chương trình tư vấn trực tuyến hướng đến các nội dung trọng tâm nhằm hỗ trợ tối đa cho TS trước kỳ thi. Kết quả, có 1.045 chương trình được tổ chức, có 280.626 TS được tư vấn trên cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, nhiều đại biểu đánh giá cao mô hình "Mỗi sinh viên hỗ trợ 1 TS". Đại diện tỉnh Nghệ An cho biết, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực cho TS, nhất là những TS vùng sâu, vùng xa được sinh viên nghỉ hè về quê vào tận nhà hỗ trợ ôn thi và tư vấn tâm lý. Vì vậy, mô hình này cần được tỉnh nhân rộng trong các năm tiếp theo.

Nhiều mô hình sáng tạo

Kỳ thi năm nay diễn ra khi đại dịch Covid-19 tái bùng phát, nên các đơn vị trên cả nước đã chủ động phối hợp với chính quyền, các cơ sở y tế, các trường đại học, học viên, cao đẳng nắm thông tin về tình hình sức khỏe của các TS tại địa phương, tình hình chung về dịch bệnh trên địa bàn, từ đó xây dựng các phương án để chủ động xử lý khi có sự cố bất thường về thời tiết, tai nạn hay sức khoẻ của thí sinh.
Chương trình Tiếp sức mùa thi 2020 giúp hơn 34.000 thí sinh khó khăn  - ảnh 3

Tình nguyện viên Hà Nội giúp người nhà thí sinh cài đặt ứng dụng Bluzone phòng chống dịch Covid-19

ẢNH NHẬT NAM

Trên cả nước, các đơn vị đồng loạt triển khai các hình thức đa dạng nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh như: phối hợp với các đơn vị chức năng tại địa phương tiến hành đặt điểm nước rửa tay sát khuẩn trước cổng trường, trước các phòng thi, phát khẩu trang miễn phí cho TS và người nhà TS khi đến khu vực dự thi, tư vấn hướng dẫn cài đặt phần mềm Bluezone cho người nhà TS…
Tại hội nghị, nhiều đơn vị cũng chia sẻ những mô hình mới như: taxi miễn phí ở Hà Tĩnh, một ngày trải nghiệm tình nguyện viên ở Hà Nội… đã mang lại hiệu quả thiết thực cho TS.
Chia sẻ tại chương trình, ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc marketing Tập đoàn Thiên Long, đơn vị đồng tổ chức chương trình trong suốt 19 năm qua, cho biết: “Chương trình Tiếp sức mùa thi 2020 đã làm được nhiều việc rất thiết thực để hỗ trợ tốt nhất cho các TS thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện đặc biệt nhất từ trước đến nay.
Với thông điệp truyền thông mạnh mẽ “Fighting! Tự tin thi tốt!” để khích lệ tinh thần và nhiều hoạt động hỗ trợ mùa thi như tư vấn tâm lý, hướng dẫn ôn tập, hỗ trợ TS nghèo… Thiên Long cùng ban tổ chức đã đưa ra nhiều hoạt động nhanh chóng, thiết thực và triển khai hiệu quả, góp phần cho kỳ thi diễn ra an toàn giữa đại dịch Covid-19”.
Kết luận hội nghị, anh Bùi Quang Huy cho biết, chương trình năm nay đã được các đơn vị triển khai khá hiệu quả, có nhiều mô hình sáng tạo, thích ứng nhanh với tình hình mới, được đánh giá cao trong xã hội.
Bên cạnh đó, các đơn vị đã chú trọng đầu tư xây dựng mô hình phù hợp với thực tế địa phương, nguồn lực hỗ trợ tăng 71% so với năm trước…
Anh Huy cũng đề cập đến những vấn đề cần tiếp tục phát huy, đẩy mạnh như: cần tuyên truyền với nhiều phương thức mới, hiệu quả, thu hút sự quan tâm của TS; ứng dụng công nghệ thông tin mạnh hơn để triển khai hiệu quả một số mô hình trong chương trình; công tác tuyên truyền về các TS có hoàn cảnh khó khăn cần tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh, để kêu gọi sự ủng hộ, quan tâm của toàn xã hội.