Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ và đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị.
Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác chuẩn bị cho buổi đóng góp ý kiến vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ TPHCM, đồng thời nhấn mạnh tới tầm quan trọng trong việc đóng góp ý kiến vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP, bởi TPHCM từ giao thông, vị trí, vị thế của TP có vai trò rất quan trọng đối với cả nước và cả nước đối với TP. Do vậy, các ý kiến đóng góp phải trách nhiệm, để cùng TPHCM phát triển.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong vòng 3 năm, đây là lần thứ 6 Thủ tướng cùng các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng làm việc với TPHCM, điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với TPHCM.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt giúp TPHCM khắc phục khó khăn, điển hình như vụ Thủ Thiêm, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của Thanh tra Chính phủ, Chính phủ, thì tình hình sẽ không được như hiện nay. Bên cạnh đó là xung quanh các dự án lớn của TPHCM, Chính phủ cũng quan tâm tháo gỡ.
Nhờ có sự chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội, trong hơn 2 năm vừa qua, TPHCM có nhiều sự chủ động, tự quyết định các dự án nhóm A và triển khai nhiều giải pháp, biện pháp để TPHCM có được vị thế như ngày hôm nay.
Đáp lại yêu cầu của Đảng, Chính phủ và nhân dân, trong thời gian qua TPHCM rất nỗ lực, phát huy khả năng, điều kiện của mình. Tổng thể sẽ vẫn giữ vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, giữ vững được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Một trong những yêu cầu của TP, bên cạnh giữ an ninh chính trị là mô hình phát triển mới để tạo động lực.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân mong muốn các đại biểu góp ý sâu vào vấn đề trên, TPHCM muốn tăng tốc thời gian tới thì phải tiếp tục đổi mới mô hình.
Tại buổi góp ý kiến, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nêu 4 chuyên đề để tạo động lực cho TPHCM phát triển thời gian tới gồm: Hình thành Khu đô thị sáng tạo công nghệ cao phía Đông, kiến nghị thành lập Thành phố Thủ Đức – đây là hạt nhân phát triển kinh tế của thành phố; Thực hiện chính quyền đô thị; Đề xuất chủ trương phát triển TPHCM thành Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế; Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2026-2030 để tăng thu ngân sách chuyển Trung ương và tạo tiền đề để TPHCM phát triển nhanh, bền vững.
Xứng đáng là đầu tàu cả nước
Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, báo cáo tóm tắt Dự thảo Văn kiện Đại hội XI Đảng bộ TPHCM với chủ đề: Nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xứng đáng với niềm tin của nhân dân; Phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, huy động hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Giữ vững ổn định chính trị - xã hội; Xây dựng Thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Báo cáo đã nêu bật vai trò và vị thế của TPHCM.
Theo đó, kết quả trong vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh, thời gian qua cho thấy, kinh tế thành phố tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, cơ bản dựa trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, khoa học - công nghệ, tiếp tục giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước về tốc độ và quy mô, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân 7,72%. Năng suất lao động bình quân của thành phố cao hơn 2,6 lần so với bình quân cả nước. GRDP bình quân đầu người tăng liên tục qua các năm, năm 2019 đạt 6.395 USD, gấp 2,4 lần cả nước. Thu ngân sách thành phố giai đoạn 2016 - 2019 đạt 101,96% dự toán; chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước (khoảng 27%). Các ngành dịch vụ là ngành mũi nhọn, tăng trưởng bình quân 8,3%/ năm, chiếm tỷ trọng 33% toàn ngành và lớn nhất của nước. Ngành công nghiệp tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân 7,7%/năm.
Báo cáo cũng nhìn nhận, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 giảm mạnh. Do vậy, mục tiêu nâng cao chỉ số cạnh tranh địa phương thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố tốt nhất cả nước của TPHCM chưa đạt. Cụ thể: Chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn; Việc liên kết doanh nghiệp, khoa học, đào tạo và nhà nước hiệu quả chưa cao; Chưa chú trọng đúng mức việc phát triển hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ và hạ tầng giao thông; Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, không đạt yêu cầu.
Ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển về quy mô, nâng cao chất lượng, thực hiện các giải pháp đột phá có bước tiến rõ nét trong hội nhập quốc tế. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề đạt 79,9% trong tổng số lao động đang làm việc. Tỷ lệ thất nghiệp đô thị giảm lần lượt qua các năm, năm 2019 là 3,7%. Lĩnh vực y tế có tiến bộ vượt bậc, đảm bảo những điều kiện tốt nhất để chăm lo sức khỏe nhân dân. Mô hình thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM bước đầu đã phát huy hiệu quả. Hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo giữ vững vai trò trung tâm khoa học - công nghệ của cả nước.
Công tác quy hoạch hạ tầng đô thị có tiến bộ, chỉnh trang và phát triển đô thị có bước chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, TPHCM luôn giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh không ngừng được củng cố, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ngày càng được nâng cao về chất lượng và hiệu quả; chủ động đấu tranh, phòng ngừa các âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ; công tác tôn giáo có nhiều chuyển biến mới, huy động cả hệ thống chính trị thành phố cùng phối hợp tham gia giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, hoạt động tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự, góp phần giữ vững an ninh chính trị.
Đồng chí Trần Lưu Quang khẳng định, có được kết quả trên do được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, cùng với sự năng động, sáng tạo, đoàn kết, quyết tâm vượt qua thử thách của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. TP chủ động nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất, quyết liệt đeo bám, tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan Trung ương để xây dựng, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Đối với mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM, xây dựng hệ thống chính trị thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, trước bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều diễn biến mới, mục tiêu phát triển tổng quát là: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân; là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ có sức lan tỏa cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á”.
TPHCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.
Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự cường và truyền thống của TPHCM, phát huy vai trò nền tảng của văn hóa, xây dựng gia đình hạnh phúc để thành phố và đất nước phát triển bền vững. Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng các hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng số với hệ thống thông tin di động 5G.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác quốc tế, đặc biệt thông qua thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa các bên trên các lĩnh vực ưu tiên của thành phố. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đấu tranh quyết liệt, ngăn chặn hiệu quả suy thoái lý tưởng, đạo đức, tự diễn biến và tham nhũng.
Chủ động xây dựng và phát triển đội ngũ lãnh đạo của thành phố ở các cấp, các ngành, lĩnh vực có đức, có tài, ngang tầm với nhiệm vụ phát triển thành phố và đất nước thời kỳ 2025 - 2045.
ĐỖ TRUNG