LĐO - “Để thực hiện tốt công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, trong thời gian tới, các cơ quan thi hành án cần tập trung xử lý dứt điểm các tài sản đã được Tòa án kê biên nhằm đảm bảo thi hành án để thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước; thực hiện quyết liệt công tác xác minh, truy tìm tài sản của người phải thi hành án trong giai đoạn thi hành án, nâng cao tỉ lệ thi hành về tiền trong các vụ án tham nhũng, kinh tế…” - Đại biểu Phạm Văn Hoà - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp - nhấn mạnh điều này để việc truy thu tài sản do tham nhũng được hiệu quả hơn.

Xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo trên 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên đến nay việc thu hồi số tiền thiệt hại quá ít. Ảnh: P.Bắc
Xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo trên 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên đến nay việc thu hồi số tiền thiệt hại quá ít. Ảnh: P.Bắc

Tài sản kê biên ít, số tiền phải thi hành lớn

Những năm qua, tình hình tham nhũng, tiêu cực ở nước ta diễn ra rất phức tạp, tham nhũng có dấu hiệu gia tăng về số lượng; quy mô lớn, tính chất phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi, diễn ra khá phổ biến ở các cấp, các lĩnh vực. Từ đây một câu hỏi đặt ra trong các vụ án tham nhũng là việc thu hồi tài sản trong các vụ án này như thế nào?

Liên quan tới công tác thi hành án dân sự (THADS), Bộ Tư pháp cho biết, kết quả THADS từ ngày 1.10.2019 đến hết tháng 6.2020, tổng số việc phải thi hành là 742.753 việc, trong đó số có điều kiện thi hành là 597.233 việc.

Các cơ quan có liên quan đã thi hành xong là 374.914 việc, giảm 16.604 việc so với cùng kỳ năm 2019; đạt tỉ lệ 62,78% (giảm 1,79% so với cùng kỳ năm 2019). Về tiền, tổng số phải thi hành là hơn 261.188 tỉ đồng, trong đó, số có điều kiện thi hành là hơn 162.809 tỉ đồng. Hiện tại các cơ quan đã thi hành xong trên 39.310 tỉ đồng, tăng hơn 6.722 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019; đạt tỉ lệ 24,15% (tăng 3,24% so với cùng kỳ năm 2019). Một số địa phương đạt kết quả tỉ lệ cao về tiền (như: Phú Thọ, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu, Tiền Giang).

Đáng chú ý, riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tổng số phải thi hành 4.980 việc, với số tiền trên 68.029 tỉ đồng. Số có điều kiện là 3.410 việc, với số tiền trên 42.205 tỉ đồng. Đã thi hành xong 1.679 việc, với số tiền là trên 7.746 tỉ đồng. 

Theo Bộ Tư pháp, số tiền thi hành án xong tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2020. Ngoài ra, Ban cán sự Đảng bộ Tư pháp đang tập trung chỉ đạo Tổng cục THADS và các cơ quan THADS tổ chức thi hành các vụ án có số tiền phải thi hành rất lớn, đã thụ lý trước đó: Phạm Công Danh giai đoạn 2, Hứa Thị Phấn, vụ Phan Văn Anh Vũ… Đến nay, một số vụ việc đã thi hành xong được một lượng tiền lớn: Ngân hàng xây dựng và Công ty Phương Trang tại TPHCM.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Một số vụ việc, tài sản đã được tòa án kê biên để đảm bảo thi hành án nhưng chấp hành viên chưa kịp thời xử lý; số tài sản được cơ quan THADS xác minh, truy tìm được ít… Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trên là do pháp luật về tố tụng hình sự, phòng, chống tham nhũng, phá sản và thẩm định giá, bán đấu giá còn khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng. Một số quy định còn có mâu thuẫn, chồng chéo với Luật THADS và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Văn Hoà - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp - cho hay, công tác thi hành án dân sự, thu hồi tài sản thời gian vừa qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, so với những con số mong muốn, con số kỳ vọng thì công tác này vẫn còn khiêm tốn.

Chỉ ra một số nguyên nhân, theo ông Hoà, trong một số vụ việc phải thi hành án, tài sản kê biên để đảm bảo thi hành án ít nhưng số tiền phải thi hành rất lớn. Điển hình là vụ việc thi hành án đối với Huỳnh Thị Huyền Như. Theo bản án của tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại TPHCM, tổng số tiền bị cáo phải thi hành là gần 14.000 tỉ đồng, tuy nhiên, tổng tài sản đã kê biên, phong tỏa để đảm bảo thi hành án chỉ có giá trị khoảng hơn 500 tỉ đồng, số còn lại khoảng 13.500 tỉ đồng đến nay chưa có điều kiện thi hành án. Thực tế có nhiều vụ việc khác tương tự như vậy đã xảy ra.

Ông Hoà cho rằng, để việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng được tốt các cơ quan chức năng cần phải sớm  có biện pháp ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản do tham nhũng mà có, của các đối tượng liên quan.

Đối tượng tham nhũng “Tẩu tán tài sản nhanh”

Theo bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp - để nâng cao hơn nữa kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nói chung, cần tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được giao; Cần chỉ đạo, xử lý dứt điểm các tài sản không có vướng mắc; Định kỳ hàng quý tổng hợp báo cáo kết quả, tiến độ, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đối với công tác bán đấu giá tài sản, quán triệt chỉ đạo các chấp hành viên thực hiện nghiêm việc đăng thông tin về việc bán đấu giá tài sản, giám sát chặt chẽ các tổ chức bán đấu giá. Lãnh đạo các Cục cần kiểm tra chặt chẽ quá trình THA, tránh sai phạm…

Một lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an cho Lao Động hay: Đối tượng tham nhũng “tẩu tán tài sản quá nhanh”. Trong khi đó, quá trình phát hiện, điều tra, xử lý một vụ án tham nhũng thường diễn ra tương đối dài, trải qua nhiều cơ quan xử lý khác nhau. 

Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản. Thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt được, nhờ người khác đứng tên, chuyển tiền, tẩu tán ra nước ngoài, tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả, không còn tài sản đề thu hồi.

Tại  Hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế điển hình, hôm 29.7, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Những năm qua, tình hình tham nhũng, tiêu cực ở nước ta diễn ra rất phức tạp, tham nhũng có dấu hiệu gia tăng về số lượng; quy mô lớn, tính chất phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi, diễn ra khá phổ biến ở các cấp, các lĩnh vực. 

Tham nhũng thường xảy ra trong công tác quản lý tài nguyên, đất đai, ngân hàng, tài chính, phát triển dự án xây dựng đô thị, giao thông, công nghiệp, mua sắm tài sản công…, có tổ chức chặt chẽ và hình thành đường dây, kéo dài trong nhiều năm.

Đặc biệt, có sự tham gia của doanh nghiệp vào các hoạt động hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội, chủ trương đầu tư, bố trí nhân sự, phân bổ nguồn lực tài chính, phê duyệt dự án và chủ trương mua sắm công.

VƯƠNG TRẦN - VIỆT DŨNG