SGGPO - Trong nhiệm kỳ qua, kinh tế của quận Thủ Đức đạt mức tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Lĩnh vực công nghiệp - thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng theo hướng hiện đại.

Sáng 24-8, Quận ủy quận Thủ Đức tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ quận lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Quận Thủ Đức đạt mức tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng ảnh 1
Đồng chí Nguyễn Thành Phong thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM gửi hoa chúc mừng đại hội. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
 
Quận Thủ Đức đạt mức tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng ảnh 2
Đồng chí Nguyễn Thành Phong phát biểu tại đại hội. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
 
Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM đến dự và chỉ đạo đại hội. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Hoàn thành nhiều công trình trọng điểm

Báo cáo tại đại hội, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức thông tin, nhiệm kỳ qua, kinh tế của quận Thủ Đức đạt mức tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Lĩnh vực công nghiệp - thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng theo hướng hiện đại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,6% (vượt so với chỉ tiêu nghị quyết). Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu pháp lệnh, tốc độ tăng bình quân khoảng 7,3%/năm.

Quận Thủ Đức đạt mức tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng ảnh 3
Lãnh đạo TPHCM thăm hỏi đại biểu dự đại hội. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
 
Quận Thủ Đức đạt mức tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng ảnh 4
Các đại biểu tham gia đại hội Đảng bộ Quận Thủ Đức lần thứ VI. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
 
Quận đã vận động nhân dân tự nguyện hiến 3.013m2 đất, trị giá khoảng 21,35 tỷ đồng và đóng góp gần 22 tỷ đồng để thực hiện 23 dự án mở rộng, nâng cấp đường, hẻm; 75 công trình cải tạo hệ thống thoát nước trên tổng mức đầu tư gần 170 tỷ đồng, góp phần chỉnh trang đô thị, đảm bảo điều kiện sinh sống, đi lại của người dân.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, nhất là cải cách hành chính được đẩy mạnh, nhân rộng, với nhiều ứng dụng sáng tạo, hiện đại và đồng bộ như phần mềm “Thông tin quy hoạch Thủ Đức”, “Đô thị Thủ Đức”, “Thủ Đức trực tuyến” trên nền tảng thiết bị di động thông minh mang lại hiệu quả cao.

Nhiều công trình trọng điểm được hoàn thành đưa vào sử dụng như đại lộ Phạm Văn Đồng, đường song hành Xa lộ Hà Nội, Đường số 2 phường Trường Thọ cùng với các dự án đang tiếp tục triển khai như tuyến Metro Bến Thành - Suối tiên, đường Vành đai 2, Đại học Quốc gia, kè chống sạt lở bờ tả sông Sài Gòn,… phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo mới và nâng cao khả năng kết nối giao thông với các địa phương lân cận.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn quận có tiến bộ vượt bậc, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân; số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn quận được kéo giảm, từ 9,53 vụ/10.000 dân (năm 2015) giảm xuống còn  5,4 vụ/10.000 dân (năm 2019)…

 Về bảo vệ môi trường, nhiều mô hình ra đời và đang phát huy hiệu quả như thành lập 5.064 nhóm theo “Mô hình 5+1” trên địa bàn 12 phường; cải tạo, chỉnh trang 30 khu đất trống, bãi rác tự phát với tổng diện tích 15.978m2 thành vườn hoa, sân vui chơi, thể dục thể thao phục vụ người dân với tổng giá trị gần 4,9 tỷ đồng

Nhiệm kỳ qua, quận Thủ Đức đã hoàn thành 31 công trình trường học, trong đó xây dựng mới 11 trường với 271 phòng học; tạo điều kiện thành lập mới 35 trường ngoài công lập, nâng số cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến trung học phổ thông lên 270 cơ sở, đáp ứng nhu cầu học tập cho hơn 110.000 học sinh, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 75%.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội được chú trọng, có nhiều đóng góp quan trọng trong cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, đảm bảo giữ vững ổn định; hoạt động tư pháp có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế được mở rộng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển quận.

Chất lượng, hiệu quả hoạt động của cấp ủy các cấp, tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên có nâng lên; công tác cán bộ có nhiều chuyển biến, chặt chẽ. Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ quận Thủ Đức đã kết nạp được 1.545 đảng viên (đạt 193,12% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ); công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Chủ động đón đầu các phần việc tham gia vào thành lập TP Thủ Đức

Phát biểu chỉ đạo đại hội, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong  nhận xét, 5 năm qua, Đảng bộ quận Thủ Đức đã lãnh đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, tỷ trọng thương mại-dịch vụ chiếm 53,9%, tăng 7,6% trong khi công nghiệp và xây dựng giảm 7,3% và tỷ trọng chỉ còn 45,9%. Quận cũng đã tận dụng được những tiềm năng, thế mạnh của mình để thúc đẩy phát triển các ngành chủ lực như: dịch vụ vận tải, cảng, kho bãi, công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, dệt, sản xuất hóa chất,…qua đó góp phần ổn định nguồn thu ngân sách hằng năm đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết. Riêng  năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thu ngân sách của quận vẫn vượt 81% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra (năm 2020 thu nhân sách quận ước đạt 2.380 tỷ đồng). Về y tế, quận Thủ Đức là địa phương đầu tiên của cả nước có bệnh viện quận hạng 1 và là bệnh viện quận đầu tiên cả nước phẫu thuật thành công chấn thương sọ não. Số vụ phạm pháp hình sự được kéo giảm chỉ còn 5,4 vụ/1 vạn dân; số vụ tai nạn giao thông giảm ở cả 3 tiêu chí từ năm 2018.

Từ những kết quả đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá cao những thành quả Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân quận Thủ Đức đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí cũng chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót như kinh tế tăng trưởng vẫn còn thấp so với các địa phương lân cận; tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ thấp hơn so với bình quân của thành phố; chưa xây dựng được các sản phẩm chủ lực   của quận. Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước chưa thật sự ổn định và bền vững; công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị chưa đáp ứng kịp với tốc độ đô thị hóa, nhất là tình trạng  xây dựng sai phép, không phép vẫn còn phổ biến… Từ đó, đồng chí yêu cầu các đại biểu tảo luận, phân tích sâu hơn để có giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế.

Nhắc đến chủ trương thành lập Thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận (2, 9 và Thủ Đức) TP đang đề xuất Trung ương chấp thuận, đồng chí đề nghị ngay từ bây giờ Đảng bộ quận Thủ Đức cần chủ động đón đầu để thực hiện ngay các công việc nếu TP được Trung ương thông qua. Đồng chí cũng cho rằng đây chính là cơ hội lớn cần nắm bắt, đòi hỏi sự nhạy bén của Đảng bộ quận trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Qua đó, đồng chí gợi mở một số giải pháp trọng tâm để đại hội nghiên cứu, thảo luận.

Theo đồng chí, nền tảng của TP Thủ Đức vẫn là dịch vụ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, xuất phát điểm của quận còn thấp, tỷ trọng thương mại - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế hiện nay chỉ 53,9% (thấp hơn bình quân của thành phố là 62%), đây là một trở ngại lớn khi quận sáp nhập vào thành phố Thủ Đức. Do đó, trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ quận phải lãnh đạo, chỉ đạo để tạo sự đột phá trong lĩnh vực thương mại -dịch vụ, phấn đấu tỷ trọng thương mại - dịch vụ của quận phải đạt từ 62% trở lên trong cơ cấu kinh tế. “Để đạt được yêu cầu này, quận phải đột phá vào dịch vụ, trước hết là xây dựng danh mục các sản phẩm chủ lực ngành dịch vụ; danh mục các thương hiệu đặc trưng của quận”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Phân tích định hướng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin, phát triển hạ tầng là một trong bốn chương trình phát triển TP giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Là một thành phần của TP Thủ Đức, nằm ở cửa ngõ phía Đông, có đường Phạm Văn Đồng,  Xa lộ Hà Nội xuyên suốt qua địa bàn quận kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành, cao tốc TPHCM - Trung Lương… Với vị thế thuận lợi như trên, đồng chí Nguyễn Thành Phong đề nghị quận cần đặc biệt quan tâm đến phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng dịch vụ, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng viễn thông. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến hạ tầng giao thông, trước mắt hoàn thành dứt điểm các công trình của nhiệm kỳ 2015 - 2020 chưa hoàn thành.

Về quy hoạch, quận tiếp tục rà soát điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất phù hợp với định hướng phát triển của quận, nhất là lộ trình chuyển hơn 350 ha đất trồng cây lâu năm, hàng năm và hơn 80 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai. Cùng với đó, hạn chế đến mức thấp nhất việc điều chỉnh quy hoạch cây xanh sang đất ở, đất thương mại dịch vụ, đồng thời tăng cường mảng xanh tại các công viên, các tuyến đường để quận có thể trở thành một hình mẫu về phát triển mảng xanh ở cửa ngõ phía Đông.

Quan tâm đến công tác quản lý trật tự xây dựng, đồng chí yêu cầu Đảng bộ quận Thủ Đức, trong 5 năm tới khắc phục toàn diện việc xây dựng sai phép, không phép trên địa bàn .

Đánh giá cao nội dung chương trình Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ Đức được quận đưa vào một trong 6 đề án trình Đại hội. Song, đồng chí cho rằng để đáp ứng đầy đủ nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay cũng như trong tương lai, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực của quận cần gắn kết với các trường đại học trên địa bàn. Trong đó, hướng công tác đào tạo đến 7 lĩnh vực như: công nghệ thông tin truyền thông; cơ khí - tự động hóa - trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong bày tỏ hy vọng quận Thủ Đức sẽ là địa phương đầu tiên của TP thực hiện chuyển đổi số thành công nhằm tận dụng công nghệ số để phát triển kinh tế, cũng như đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

THU HƯỜNG