LĐO - Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, để tránh tình trạng chọn cán bộ “đúng quy trình” nhưng không chọn đúng người cần phải lắng nghe, mở rộng dân chủ trong Đảng. Đồng thời, phải đặt lợi ích chung lên trên hết, không lồng ghép ý đồ, lợi ích cá nhân mới có thể lựa chọn đúng cán bộ, đúng người, đúng việc.
Người đứng đầu cấp uỷ phải rất “sạch” mới có thể chống tiêu cực
Bên cạnh những đổi mới, tiến bộ trong thời gian qua, công tác cán bộ vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, thậm chí tiêu cực, tham nhũng. Trong đó có tình trạng cán bộ được bổ nhiệm đúng quy định, quy trình nhưng lại không đúng người, đúng việc. Nhiều vụ việc liên quan tới công tác cán bộ khiến dư luận băn khoăn, bức xúc về việc này như các trường hợp: Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài Bảo...
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng vừa qua, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của Đảng về công tác cán bộ; tránh tình trạng “làm đúng quy trình, quy định nhưng không chọn đúng người, đúng việc”.
Trao đổi với PV Lao Động về việc này, PGS.TS Nguyễn Văn Giang - nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận: Có thể khẳng định cán bộ và công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, là khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt. Song thực tế thời gian qua, tại một số địa phương vẫn để xảy ra hiện tượng trong công tác cán bộ về mặt hình thức đều đúng quy trình, nhưng kết quả lại chọn không đúng người, không đúng việc.
“Vì sao lại có những hiện tượng như vậy?” - đáp lại câu hỏi, ông Giang cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó khâu đánh giá cán bộ không đúng. Phương pháp đánh giá cán bộ hiện nay cũng chưa lượng hóa được, đánh giá theo kiểu định tính nên dẫn đến chủ quan. Tuy nhiên, cái sai chủ yếu trong đánh giá cán bộ chủ yếu ở góc độ chủ quan. Một là người làm công tác cán bộ không có đủ năng lực để đánh giá, nhìn nhận con người. Thứ hai là mặc dù biết cán bộ không tốt, thậm chí có sai phạm nhưng người làm công tác đánh giá cán bộ lại nể nang, không dám nói. Một nguyên nhân chủ quan nữa là do lợi ích cá nhân của người tham gia vào công tác nhân sự, nhất là người đứng đầu. Dù đúng quy trình nhưng một khi người đứng đầu không trong sáng thì người ta sẽ bóp méo quy trình đó.
Để ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực như trên, theo ông Giang, muốn chống những tiêu cực đó thì trước hết người đứng đầu phải rất “sạch”, vì nếu anh không sạch thì sẽ không làm quyết liệt được. Để chọn nhân sự thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, hiện nay chúng ta đã có Quy định 214, nên phải dựa vào những tiêu chuẩn đã được cụ thể hóa để lựa chọn.
Bên cạnh đó, cấp ủy cấp trên phải có trách nhiệm trong vấn đề chuẩn bị nhân sự. Trung ương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuẩn bị nhân sự cấp tỉnh; cấp tỉnh kiểm tra, giám sát việc chuẩn bị nhân sự của cấp huyện;... phải đánh giá, lựa chọn đúng người đứng đầu, kiên quyết không đưa những người có biểu hiện tham nhũng, tài sản bất minh vào bộ máy. Đi kèm với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, trường hợp nào không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì phải kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm.
Càng những vấn đề khó càng phải mở rộng dân chủ trong Đảng
Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho hay, chúng ta đã có quy trình 3 bước về đánh giá cán bộ, quy trình 5 bước trong việc bổ nhiệm cán bộ. Nhân sự được lựa chọn phải có trong quy hoạch, qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng, thử thách… mới được cấp uỷ tin tưởng lựa chọn, đề bạt, cất nhắc. Những quy chế, quy trình đều đã có và được quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên thực tế vẫn có những trường hợp này, trường hợp kia khiến dư luận băn khoăn. Vấn đề đặt ra ở đây là người chọn quy trình, thực hiện quy trình đó như thế nào?
Ông Hà cho rằng, trước đây ít quy trình, ít quy chế, ít quy định nhưng vì những con người thực hiện nó trong sáng, vì cái chung nên chúng ta vẫn chọn được đúng người. Hoặc dù nếu không có quy định, quy chế nhưng nếu người cán bộ tốt, người ta cũng tìm mọi cách để thực hiện cho tốt. Ngược lại dù có quy chế, quy trình rất chặt chẽ nhưng nếu cán bộ không trong sáng thì người ta vẫn cố tìm ra được chỗ này, chỗ kia, tìm ra những khe kẽ, chỗ hở để người ta lợi dụng được vào đó để “đặt” người này, người kia đúng quy trình nhưng không đúng người, đúng việc.
“Tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là cán bộ và đặc biệt là người đứng đầu. Do vậy, thời gian qua, Bộ Chính trị cũng đã có nhiều quy định để khắc phục tình trạng trên, thực hiện tốt hơn việc đó, tránh tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển” - ông Hà nhấn mạnh.
“Như người đứng đầu Đảng, Nhà nước là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nhắc nhở tất cả phải vì lợi ích chung. Phải đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Đừng lồng ghép những ý đồ cá nhân vào thì tôi cho rằng tập trung sẽ cao, dân chủ mở rộng và sẽ tạo được đoàn kết, thống nhất cao” - ông Nguyễn Đức Hà nói và cho rằng, nếu không vì lợi ích chung, rất dễ có chuyện này, chuyện khác xảy ra như việc đúng quy trình nhưng lại không đúng người, đúng việc. |
VƯƠNG TRẦN