LĐO - Tự nhận là dự án giáo dục trực tuyến kết hợp với mô hình tiếp thị liên kết, song thực chất, Edunetwork đang có dấu hiệu hoạt động đa cấp trái phép tại Việt Nam.
"Mới hôm trước tài khoản của mình còn vài triệu, 2 ngày nay Edu "quăng" cho hơn 800 triệu, thích mê. Anh em Edunetwork hãy nhớ rằng, tôi làm được thì bạn cũng thừa sức làm được", Facebook (FB) Nguyễn Văn Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) viết.
Trên trang cá nhân, Xuân xây dựng hình ảnh là một người thành đạt, giàu có nhờ Edunetwork.
Trong bài đăng ở một nhóm kín gồm hơn 20.000 thành viên tham gia Edunetwork tại Việt Nam, Xuân được giám đốc Edunetwork thị trường Việt Nam là Uyên Hồ (tên thật Hồ Thị Kim Uyên) thông báo đã lên chức "thủ lĩnh" với hoa hồng cá nhân đạt 31.250 USD (750 triệu đồng) và hoa hồng toàn nhóm 152.800 USD (hơn 3,6 tỉ đồng) chỉ trong một tháng. Ngoài Xuân, hệ thống Edunetwork tại Việt Nam có hơn 20 "thủ lĩnh" khác.
Phóng viên Lao Động đã liên hệ với Nguyễn Văn Xuân để được giới thiệu và bảo trợ tham gia vào Edunetwork.
Mô hình trả thưởng hậu hĩnh
Theo Xuân, Edunetwork có sản phẩm chính là 5 khóa học với nội dung đào tạo chủ yếu về kỹ năng bán hàng, marketing, lãnh đạo "đỉnh cao", với mức giá lần lượt là: 50 USD, 200 USD, 500 USD, 1.000 USD và 2.000 USD.
"Để kiếm được tiền từ Edunetwork bạn phải bỏ tiền đăng ký mua 1 trong 5 khóa học nói trên. Sau đó bạn sẽ được quyền bán các khóa có giá trị bằng và thấp hơn với khóa học đã mua. Ví dụ bạn mua khóa 1.000 USD thì sẽ được bán các khóa 1.000 USD, 500 USD, 200 USD và 50 USD. Nếu bạn bán được khóa học có giá trị cao hơn với khóa bạn đã mua, hoa hồng sẽ chảy vào thu nhập của người tuyến trên của bạn đủ điều kiện. Đây là affilate marketing (tiếp thị liên kết) chứ không phải đa cấp", Xuân nói và cho biết, "hoa hồng mỗi lần bán được khóa học là 80% giá trị khóa học đó. Đây là hoa hồng trực tiếp".
Chưa hết, theo Xuân, kinh doanh với Edunetwork còn có 3 loại thu nhập thụ động khác là: hoa hồng trả ơn, hoa hồng khách hàng nâng cấp khóa học và hoa hồng lãnh đạo.
Theo "thủ lĩnh" này, hoa hồng trả ơn tức là nếu khách hàng lần thứ 2 bán được khóa học có giá trị bằng khóa của mình thì sẽ phải trả ơn hoa hồng của giao dịch đó cho người bảo trợ.
"Ví dụ bạn bán cho khách hàng một khóa học 500 USD. Người này sau đó bán được khóa học cho nhiều người khác thì trong lần thứ 2 họ bán được khóa học 500 USD (gọi là người G - PV) thì hoa hồng 80% là 400 USD sẽ chảy vào thu nhập của bạn", Xuân giải thích.
Chu Hải Quang, một thủ lĩnh khác của Edunetwork Việt Nam giải thích rõ hơn về loại hoa hồng trả ơn này: "Nếu người G đó tiếp tục phát triển bán được nhiều khóa học thì lần thứ 2 họ bán được khóa 500 USD thì bạn lại tiếp tục được hoa hồng 80% đó, cứ như thế. Nếu bạn là người đồng hành, hỗ trợ đội nhóm tốt thì sẽ có thu nhập không giới hạn từ Edunetwork".
Hoa hồng khách hàng nâng cấp khóa học tức là nếu một khách hàng muốn mua thêm khóa học mới có mức giá cao hơn thì bạn vẫn được nhận 80% hoa hồng từ giao dịch đó.
"Nếu hoa hồng 1 tháng bạn đạt được hơn 10.000 USD và đội nhóm của bạn đạt hoa hồng hơn 100.000 USD, bạn được lên cấp quản lý, công ty trả thêm 12 triệu đồng/tháng. Khi hoa hồng 1 tháng bạn đạt trên 20.000 USD và đội nhóm đạt trên 200.000 USD bạn được thăng cấp giám đốc, công ty thưởng 48 triệu đồng. Đây là hoa hồng lãnh đạo", Xuân tiếp tục chia sẻ.
Từ cách trả thưởng trên, Xuân khuyên phóng viên nên chọn khóa học giá 2.000 USD thì sẽ nhanh kiếm được tiền nhất.
"Nếu bạn đầu tư mua khóa học trước 23h59p ngày hôm nay thì sẽ được tặng tệp 500.000 khách hàng tiềm năng, 100 nội dung mẫu quảng cáo Edunetwok và 365 mẫu nội dung để xây dựng thương hiệu trên trang cá nhân", Xuân "chốt hạ".
Dấu hiệu đa cấp "đội lốt" dự án giáo dục
Trong các bài đăng trên mạng xã hội và một số phương tiện truyền thông đại chúng khác, Edunetwork tự nhận là mô hình giáo dục trực tuyến kết hợp với tiếp thị liên kết (affilate marketing) giống các "ông lớn" như Amazon, Lazada hay Tiki. Tuy vậy, theo tìm hiểu của phóng viên, khi tham gia tiếp thị liên kết cùng Amazon, Lazada hay Tiki, người tiếp thị (Publisher) không cần phải bỏ tiền mua sản phẩm mới được quyền kinh doanh như tại Edunetwork. Mức hoa hồng khi làm tiếp thị liên kết với Lazada hay Tiki thường cũng không quá 10% và cũng chỉ có một loại hoa hồng duy nhất.
Sau khi nghiên cứu mô hình trả thưởng của Edunetwork do phóng viên báo Lao Động cung cấp, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định:
"Đây đích thị là kinh doanh theo phương thức đa cấp. Với cách làm đó, bản chất là lấy của người sau trả cho người trước. Họ tranh thủ sự lan tỏa của mạng xã hội để lôi kéo nhiều người tham gia".
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TPHCM, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, phân tích:
"Nghị định 40/2018 về kinh doanh đa cấp định nghĩa: Hoạt động kinh doanh đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. Đối chiếu mô hình hoạt động và trả thưởng của đơn vị trên thì 100% đó là đa cấp".
Luật sư La Văn Thái (Công ty Luật Tầm nhìn và Thịnh vượng) nhận định, mô hình kinh doanh và trả thưởng của Edunetwork thỏa mãn 2 đặc điểm của hoạt động bán hàng đa cấp. Đó là: Sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh và người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.
Tuy nhiên, phóng viên báo Lao Động đã rà soát danh sách 21 công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp được Cục quản lý cạnh tranh và bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công thương) cập nhật đến ngày 5.8.2020, trong đó, không có công ty nào có tên là Edunetwork.
"Như vậy công ty này có dấu hiệu hoạt động đa cấp trái phép tại Việt Nam", cả 3 vị chuyên gia cùng nhận định.
Theo luật sư La Văn Thái, kể cả trong trường hợp công ty trên được cấp phép bán hàng đa cấp thì cũng đang có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Nghị định 40/2018, theo đó, bán hàng đa cấp không được chi hoa hồng quá 40% nhưng Edunetwork chi tới 80% hoa hồng.
"Edunetwork yêu cầu người tham gia phải bỏ tiền mua sản phẩm mới được tham gia (với lý do là để hiểu sản phẩm mới tư vấn được) cũng trái Điều 5, kinh doanh mặt hàng nội dung số (khóa học trực tuyến) cũng trái Điều 4 Nghị định 40/2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp", luật sư Thái khẳng định.
Hai vị luật sư cho biết, các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỉ đồng hoặc 5 năm tù giam, theo Điều 217a Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017.
Hơn 20.000 người Việt Nam tham gia Theo thông tin được các thủ lĩnh ở Việt Nam đăng tải, Edunetwork tên đầy đủ là Edunetwork Global Pte Ltd., thành lập cuối năm 2019, trụ sở đặt tại Singapore, "tập đoàn" được điều hành bởi "một nhóm doanh nhân thành công hợp tác với nhau". Đầu tháng 11.2019, Uyên Hồ (Hồ Thị Kim Uyên), người được giới thiệu là giám đốc Edunetwork thị trường Việt Nam bắt đầu phát triển thị trường tại Việt Nam. Đến nay, sau 9 tháng, tại Việt Nam đã có hơn 20.000 người tham gia. |
NHÓM PHÓNG VIÊN