TTO - 21 năm qua, y bác sĩ tại Trung tâm y tế quận Sơn Trà đã quen với hình ảnh phát cháo miễn phí của bà Trương Thị Lộc (68 tuổi) và ông Đỗ Cứ (72 tuổi, trú tại phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
Cháo từ thiện của ông Cứ (bìa trái) không chỉ thơm ngon mà còn đảm bảo sức khỏe cho nhiều bệnh nhân - Ảnh: DIỆU CHÂU
Đến Trung tâm y tế quận Sơn Trà, nhắc đến người phát cháo miễn phí, từ anh bảo vệ, cô hộ lý, chị điều dưỡng… ai cũng biết.
Tấm lòng vàng
Bắt đầu phát từ tháng 2 năm 1999, tính đến nay là hơn 21 năm, chưa bao giờ ông Cứ và bà Lộc thôi miệt mài với công việc không tên này. Những năm đầu mới đi phát cháo tại Trung tâm y tế Sơn Trà, ông phát đều đặn mỗi ngày. Các năm trở lại đây, nhận thấy cuối tuần bệnh nhân ở lại không nhiều, ông chuyển sang phát từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần. Đến gần đây, do tuổi đã cao nên mỗi tuần, ông Cứ và bà Lộc chỉ phát vào các buổi sáng thứ 2, thứ 4 và thứ 6.
Đúng lịch phát cháo, cứ vào 6 giờ sáng, chiếc honda cũ của ông Đỗ Cứ xuất hiện trước Trung tâm y tế quận Sơn Trà. Trên xe chở theo thùng cháo nóng hổi cao ngang ngửa người ông. Dù nay tuổi đã cao, nhưng từng hành động, cử chỉ của ông Cứ rất nhanh nhẹn. Vừa gạt chân chống xe máy, chưa kịp cởi mũ bảo hiểm, ông đã thoăn thoắt xách thùng cháo đặt tại khu vực quen thuộc.
Không chờ đợi một phút giây nào, người cán bộ về hưu nhanh chóng đến các phòng bệnh gọi mọi người nhận cháo. Có người ở bệnh viện lâu, sáng nào cũng ăn cháo ông phát. Có người chưa biết, cũng theo tiếng ông gọi mà đi. Cứ thế, người cầm chén, người cầm tô, theo chân ông Cứ đến khu vực phát cháo.
Ông Cứ vừa mở nắp thùng cháo, khói bốc lên tỏa hương thơm lừng. Để có được hương vị cháo ngon, ông Cứ cho biết, nguyên liệu nấu cháo phải được chọn lọc kỹ càng từ gạo, thịt bò, bí đỏ, cà rốt, đến các loại gia vị. Đặc biệt hơn, gạo và thịt bò ông dùng để nấu cháo phải là loại tươi ngon.
Từ 3h30 sáng, khi nhiều bệnh nhân còn say giấc ngủ, đó chính là lúc ông Cứ và bà Lộc thức dậy để nấu nồi cháo nghĩa tình. Vị ngon không chỉ đến từ cách nấu, nguyên liệu nấu mà còn đến từ tâm huyết của ông bà dành cho công việc này. Tùy vào ngày đông hay thưa bệnh nhân, mà ông bà nấu ít hay nhiều. Ai cầm chén, ông múc cho đầy chén. Ai cầm tô, ông múc đầy tô. Có người muốn xin ít cháo, giọng ông trìu mến: "Cố gắng ăn nhiều xíu cho nhanh lành bệnh bác ơi", rồi múc tô cháo đầy hơn xíu. Cứ thế, chỉ 15 phút sau, thùng cháo đã vơi bớt một nửa.
Vừa nhận một tô cháo đầy ắp, cô Lê Thị Côi (72 tuổi) cho hay: "Cô hay đau ốm, mỗi lần đến đây cô đều ăn cháo của ông Cứ. Khi nghe ông Cứ gọi nhận cháo là cô xuống nhận. Cháo của ông rất ngon, chất lượng mà lại an toàn cho bệnh nhân".
Một lúc lâu, thấy không còn ai nhận cháo, ông Cứ một lần nữa lên các phòng bệnh gọi người chưa đến nhận. Có lúc ông tự đem cháo trao tận tay bệnh nhân. Đến lúc nồi cháo đã cạn, ông mới yên tâm ra về. 21 năm qua, chưa ai nghe ông kêu ca hay thấy ông khó chịu với người bệnh.
Cái tình của người cán bộ già không chỉ gắn với công việc phát cháo, mà ở ông còn là sự quan tâm, tận tình với tất cả mọi người, không phân biệt già trẻ, gái trai. Thấy người nhận cháo không có vật để đựng, ông tự đến căngtin mua giúp, thấy người già đau chân, ông nhiệt tình hỏi han, thấy người bệnh hút thuốc lá, ông tận tình khuyên nhủ bỏ thuốc. Nhiều năm qua, ông như một người thân, gia đình của bệnh nhân tại đây.
Cháo từ thiện của ông Cứ (trái) không chỉ thơm ngon mà còn đảm bảo sức khỏe cho nhiều bệnh nhân - Ảnh: DIỆU CHÂU.
Còn sức còn làm
Nhớ lại những ngày đầu đến công việc phát cháo, ông Cứ kể: "Năm đó về hưu, được Hội Từ thiện quận Sơn Trà kêu gọi, chú và cô mới tự nguyện tham gia nấu cháo từ thiện, tính đến nay là được 21 năm. Buổi sáng cô chú phát cháo, buổi chiều về làm công tác địa phương. Hằng tháng, bên cạnh nguồn kinh phí từ hội từ thiện, cô chú trích một phần tiền lương của mình để nồi cháo được tươm tất hơn, bổ dưỡng hơn, thơm ngon hơn. Hoặc có những tháng, chưa nhận được nguồn kinh phí từ hội, cô chú tự lấy tiền riêng để kịp phát cháo cho người dân".
Làm công việc này, ông Cứ luôn tâm niệm đem hết lòng nhiệt huyết, tình thương dành cho bệnh nhân. Chính vì lẽ đó mà 21 năm qua, dù nắng mưa, dù lũ lụt thiên tai, ông Cứ vẫn cần mẫn trên chiếc honda chở thùng cháo đến bệnh viện. Nhắc đến ông Cứ, bà Tôn Nữ Tiểu Nguyệt (59 tuổi) - phó chủ tịch Hội Từ thiện quận Sơn Trà - hồ hởi kể: "Hơn 21 năm, gia đình chú Cứ không quản khó khăn, vất vả để gắn bó và duy trì công việc này. Ở cô chú có một lòng nhiệt huyết và tình yêu thương cho người nghèo".
Tuổi đã cao, ông Cứ luôn tâm niệm "khi nào còn sức khỏe thì còn làm". Vì bệnh nhân, hơn 21 năm qua, chưa bao giờ ông thấy mệt với việc phát cháo từ thiện. Không ai thấy ông than thở, hay kêu ca. Khi ông đến, khi ông đi, gặp ông, tất cả y bác sĩ đều nở nụ cười. Không chỉ là người làm công tác từ thiện, ông Cứ đã trở thành một phần không thể thiếu của Trung tâm y tế quận Sơn Trà.
"Cháo chú Cứ nấu rất ngon" Để được phát cháo tại Trung tâm y tế Sơn Trà, nồi cháo của ông Cứ và bà Lộc phải trải qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân. Theo bà Tôn Nữ Tiểu Nguyệt - phó chủ tịch Hội Từ thiện quận Sơn Trà, bệnh viện lấy mẫu cháo của ông Cứ đem đi kiểm tra rồi mới cho phép phát cháo tại đây. Không chỉ các bệnh nhân, y bác sĩ và điều dưỡng cũng ăn cháo do ông Cứ nấu. Cô Trần Thị Bích Lan (47 tuổi) - hộ lý tại Trung tâm y tế Sơn Trà - cho biết: "Cháo chú Cứ nấu rất ngon. Bệnh nhân ở đây ăn cháo của chú chưa từng xảy ra vấn đề gì cả. Nhiều người ở xa, người nghèo nhập viện không có điều kiện, nhờ có cháo của chú mà đỡ một phần chi phí". |
DIỆU CHÂU