LĐO - Không chỉ cất công sưu tầm tư liệu về Bác, cựu binh Trần Văn Dụy còn dồn tâm huyết để tạc “tượng đài” về Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25.8.1911 - 4.10 2013) bằng hàng trăm nghìn trang tư liệu.
Thần tượng
Cho đến mãi bây giờ, ông Trần Văn Dụy (SN 1943) chưa lý giải tường tận vì sao từ thiếu nhi đã yêu thích và xem Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thần tượng, nhưng có điều ông chắc chắn biết: Chính sự lựa chọn này đã gắn ông vào đời binh nghiệp. Nhân kỷ niệm 109 năm Ngày sinh Đại tướng, chúng tôi tìm đến “Nhà Đồng đội” nằm trên đường Lý Thường Kiệt (TP.Rạch Giá, Kiên Giang) và người cựu binh đất Nghệ An bồi hồi nhớ chuyện xưa...
Năm 1962, chàng trai của vùng đất hiếu học Đô Lương quyết định gác lại giấc mơ đại học để gia nhập quân đội với khát vọng được đứng chung “hàng ngũ” với thần tượng... Và ông đã chạm tay vào giấc mơ ấy trong dịp không lâu tham gia bộ đội Radar Phòng không 18, Trung đoàn Ba Bể (Quân chủng Phòng không - Không quân).
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ông Duỵ vẫn nhớ nguyên “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. “Đó là ngày 1.10.1964, Đại đội Radar phòng không 18 của ông được chuyển lên Tam Đảo (Vĩnh Phúc)” - giọng ông Dụy bồi hồi: “Tại đây, đơn vị được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm hỏi và trò chuyện”. Theo lời ông Dụy, lần gặp này càng khắc sâu hình ảnh giản dị của người tướng vĩ đại trong trái tim ông: “Là vị tướng tài ba, chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, nên khi hay tin Đại tướng đến thăm, tôi cũng như nhiều anh em trẻ trong đơn vị rất hồi hộp, bồn chồn...”. Tuy nhiên, trái với mọi hình dung của những chiến sĩ về hình ảnh hùng dũng, oai phong, uy nghi của vị Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng xuất hiện gần gũi, chân thành như người “Anh Cả”.
“Bây giờ nhắc lại, có thể các bạn trẻ không cảm nhận hết sự thiêng liêng này, nhưng lúc đó được Đại tướng đến tận nơi bắt tay từng người rồi xưng hô “mầy - tao” với chiến sĩ, đã đủ sức mạnh phá vỡ “bức tường tâm lý” để chúng tôi cảm nhận Đại tướng như người “Anh Cả” đến thăm những đứa em ruột thịt”. Chính lần gặp gỡ này đã thắp lên trong lòng chiến sĩ Trần Văn Dụy ngọn lửa nhiệt tình cách mạng để rồi sau hơn 1 năm công tác, ông Dụy đã vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và được thăng hàm trung úy, giữ chức Đại đội trưởng...
Chiều 19.7.1965, do máy bay địch tấn công bất ngờ vào thời điểm Đại đội Radar tạm ngừng hoạt động để bảo quản nên nhiều chiến sĩ bị thương vong. Riêng ông Dụy bị thương ở gót chân. Dù rất bận việc, nhưng ngày 24.7, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn đích thân đến đơn vị thăm hỏi, động viên. “Đại tướng chỉ đạo rất dứt khoát và dễ hiểu, qua đó toát lên sự quyết đoán của tư duy sáng suốt, thận trọng và khoa học: Nhanh chóng khắc phục trận địa, nén đau thương, đoàn kết thành sức mạnh” - đã 55 trôi qua, nhưng ông Dụy vẫn nhớ như in lời dạy của Đại tướng. Từ đó, anh em chiến sĩ như được tiếp thêm niềm tin tưởng, tăng thêm tinh thần chiến đấu. “Qua hai lần gặp, được Đại tướng động viên, xây dựng khối đoàn kết chiến đấu đến ngày toàn thắng. Tự lòng tôi, Đại tướng là thần tượng của cả cuộc đời” - ông Dụy chân thành.
Tạc tượng đài
Kể từ đó, ông tranh thủ mọi lúc, mọi nơi có thể để thu thập, lưu giữ mọi thông tin, hình ảnh về “Đại tướng - thần tượng” với mong muốn sau này tạc thành tượng đài cho mọi người hiểu đúng, hiểu đủ về vị tướng vĩ đại. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, dù điều kiện đi lại rất khó khăn, vất vả, nhưng khi nhận lệnh được điều động về Kiên Giang, công tác bên bờ biển Tây của Tổ quốc, trong hành trang đòi hỏi gọn nhẹ của mình, ông vẫn dành chỗ cho bộ sưu tầm này vị trí ưu tiên.
Sau đó, có điều kiện tiếp cận được nhiều nguồn tư liệu, tài liệu trong và ngoài nước, được đọc nhiều bài viết, ý kiến đánh giá, nhìn nhận sâu sắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới nhiều góc độ chuyên môn... Đặc biệt là nguồn tài liệu phân tích, làm rõ hơn một cách khách quan, khoa học về phẩm chất toàn năng bên trong người Tổng Tư lệnh Quân đội Cách mạng Việt Nam đã chỉ huy “cuộc kháng chiến thần thánh” đánh thắng hai cường quốc thế giới bằng chiến công chấn động địa cầu càng khắc sâu hơn trong lòng người con xứ Nghệ sự dấn thân cho hành trình sưu tập.
“Càng đọc, càng tìm hiểu các tài liệu trong và ngoài nước, tôi càng khám phá ra được bên trong sự vĩ đại của Đại tướng còn ẩn chứa nhiều chiến công vĩ đại cả về tư duy quân sự lẫn nhân cách sống. Và càng cảm nhận được sự hiểu biết, nguồn tài liệu của mình về con người vĩ đại này là quá nhỏ bé nên càng nung nấu trong tôi khát vọng tích lũy” - ông Dụy chia sẻ. Vì thế, dù sau đó phải chuyển đổi nhiều đơn vị cũng như vị trí công tác, và dù ở đâu, làm việc gì, ông Dụy vẫn dành thời gian đều đặn sưu tầm hình ảnh, bài báo về Đại tướng và cất giữ cẩn thận. Ngoài việc cất giữ nguồn báo, tạp chí đã qua sử dụng tại cơ quan, đơn vị đang công tác, mỗi tháng, ông còn trích ra 80.000 - 100.000 đồng (trước đây) và 300.000 - 400.000 đồng (hiện nay) từ tiền lương để mua sách báo, tạp chí có ảnh, bài viết về Tướng Giáp. Đặc biệt từ ngày nghỉ hưu, ông càng có điều kiện sắp xếp và “nghệ thuật hoá” tư liệu về Đại tướng theo cách riêng mình.
Ông Dụy tự mày mò ra cách lưu giữ tư liệu riêng với mong muốn xứng đáng với sự ngưỡng mộ của mình dành cho vị Đại tướng. Ông mua bìa cứng, keo, bọc nylon về nhà rồi đóng lại thành nhiều cuốn album theo từng kích cỡ bài báo, từng chủ đề và giai đoạn hoạt động cách mạng của Đại tướng một cách khoa học, logic và tiện lợi nhất. Đặc biệt là ông dành nhiều thời gian, sự tỉ mỉ để trang trí, thiết kế bìa mỗi quyển thật đẹp, bắt mắt, dễ tìm khi cần. Riêng nội dung bên trong được ông Dụy chú thích thật rõ ràng, cụ thể và chính xác đến từng địa điểm, thời gian, không gian...
Lan tỏa cho nghìn sau
Rồi ông dành hẳn một không gian trong căn phòng 16m2 trưng bày tư liệu về Bác Hồ để cất giữ lưu trữ tài liệu về Đại tướng. Đến nay, bộ sưu tập này đã có trên 300 tập đủ kích cỡ, được ông đóng gói bảo quản, ngăn nắp với trên 6.000 trang báo, với hàng triệu tài liệu về Đại tướng. Trong đó, có những tư liệu quý, hiếm, như: Hình ảnh Đại tướng lau nước mắt khi tới thăm nghĩa trang liệt sĩ dưới đồi A1; thắp nén hương tưởng niệm đồng đội tại Điện Biên Phủ; ảnh Đại tướng thăm hỏi, xin ý kiến chỉ đạo của Bác Hồ trong những năm kháng chiến gian khổ chiến dịch biên giới năm 1950... Ông Dụy còn sưu tầm được tư liệu rất lý thú về biệt danh trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng. Bên cạnh biệt danh Văn do Bác Hồ đặt, ông Dụy còn có nhiều tài liệu chứng minh Đại tướng còn nhiều biệt danh khác gắn với nhiệm vụ cách mang từng thời kỳ. Đó là Vân Đình, Hải Thanh khi viết báo vào những năm 1929-1930; hoặc Hồng Nam khi viết báo sau Cách mạng tháng Tám và Chính Nghĩa khi viết những bài báo quan trọng mang ý nghĩa chỉ đạo toàn quân trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau này, Đại tướng còn lấy biệt danh Tuấn trong chiến dịch Tây Nguyên...
Sau khi Đại tướng đi xa, ông Dụy càng ra sức sưu tầm tài liệu về người như một cách chạy nước rút với thời gian để thực hiện khát vọng tạc tượng đài thần tượng đời mình. Mỗi tài liệu, ông không chỉ cắt dán mà còn chắt lọc, thậm chí là hiệu đính trước khi xử lý vào tập. “Giờ nguồn tài liệu rất phong phú, đa dạng, dễ sưu tầm hơn trước, nhưng khác với tư liệu về Bác Hồ luôn nhất quán, do nhiều nguyên nhân, nhất là sự “biến thiên của lịch sử”, mà nguồn tài liệu về Đại tướng còn nhiều vấn đề về câu chữ, sự kiện... nên cũng phát sinh khó khăn mới” - ông Dụy tâm tình - “Phải vận dụng sự hiểu biết cơ bản để thẩm định tài liệu, rồi chắt lọc vì tôi sợ một chút sơ suất hôm nay sẽ gây hậu quả sau này”.
Chính thái độ làm việc thận trọng và tầm nhìn chiều sâu của mình, ông Dụy được nhiều người đánh giá cao. Nhưng không chỉ nghiêm túc trong hành trình thu thập, xử lý, ông Dụy còn chủ động đánh tiếng đến nhiều cơ quan, đơn vị để tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhất là các trường học: “Chẳng phải ham danh, tranh tiếng gì, mong muốn lớn nhất của tôi ở đây chính là được chuyển tải những thông tin, tư liệu để mọi người có thêm điều kiện hiểu đúng, hiểu toàn diện và khoa học về Đại tướng”. Và đúng như tâm huyết của mình, bất cứ lời mời nào ông cũng nhận và dành hết hiểu biết để nói, để trình bày. Và cũng như những lần đi nói chuyện về Bác, trong các lần đi nói chuyện này, ông đều mang theo vài tập sách trong bộ sưu tầm để mọi người được ngắm nhìn, được tận tay sờ, mắt thấy, như một cách khéo léo gieo mầm văn hóa đọc cho hôm nay và mai sau.