(NB&CL) “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”... 75 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, âm thanh khai sinh nước Việt Nam được vang mãi trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, qua bao thế hệ sau này.
Nhưng ít ai biết được rằng đằng sau âm thanh lịch sử đó là những con người thầm lặng và sáng tạo không ngừng.
Vượt qua mọi điều kiện khó khăn thiếu thốn
Mỗi độ Thu về, người dân Việt Nam lại xốn xang cảm xúc yêu thương và rất đỗi tự hào khi nhớ về ngày tháng lịch sử (2/9/1945). Mùa thu năm ấy, cả dân tộc Việt Nam đoàn kết giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Nhà báo Trần Đức Nuôi - nguyên Trưởng ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, người có gần 40 năm công tác tại đây, ông là một trong những phóng viên có vinh dự được gặp gỡ phỏng vấn những nhà báo lão thành, những người đặt viên gạch đầu tiên cho nền báo nói Việt Nam. Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ nhà báo Trần Đức Nuôi để hiểu hơn về công tác phát thanh, đưa bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với đồng bào cả nước và thế giới.
Nhớ lại những lần gặp gỡ, phỏng vấn những người xây nền đắp móng cho Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Trần Đức Nuôi cho biết: “Thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, đồng chí Xuân Thủy về Hà Nội tập hợp đội ngũ trí thức yêu nước khẩn trương thành lập một Đài phát thanh Quốc gia để kịp thời phục vụ cách mạng. Tổ chức phân công mỗi người mỗi việc. Trong đó ông Trần Lâm có nhiệm vụ xây dựng đài phát thanh.
Các chỉ đạo này đều không có Sắc lệnh, không có Chỉ thị, không có văn bản giao, chỉ là truyền đạt bằng lời nói. Trong không khí hồ hởi của ngày chiến thắng, ngày toàn dân thoát khỏi ách nô lệ, ai cũng muốn đóng góp một phần nhỏ bé cho Tổ quốc.
Tất cả đều bắt đầu bằng con số 0, dù chưa biết nhiều về kỹ thuật phát thanh nhưng với tinh thần không ngại khó, khổ, làm việc quên ngày đêm, mỗi người mỗi việc. Ông Trần Kim Xuyến được giao lo máy phát sóng, ông Chu Văn Tích do quen nhiều kỹ sư nên được giao xây dựng studio, sửa chữa máy tăng âm. Ông Trần Lâm - vốn có kinh nghiệm là Đội viên đội tuyên truyền xung phong lại từng tham gia Hội truyền bá chữ Quốc ngữ nên lo phần tổ chức tòa soạn và biên tập nội dung. Khi mới thành lập, bộ phận đông nhất là “Ban biên tập” tập hợp đội ngũ nhân sĩ, trí thức. Ngoài ra, việc lựa chọn phát thanh viên cũng quan trọng không kém, đó một người có tiếng trong, rõ ràng, giọng nói truyền được cảm xúc. Bà Dương Thị Ngân, con gái nhà giáo nổi tiếng Dương Quảng Hàm đang là điện thoại viên của Sở Bưu điện Hà Nội được lựa chọn. Bà là phát thanh viên chuyên nghiệp đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam, bên cạnh đó còn có ông Nguyễn Văn Nhất vừa là biên tập viên vừa là phát thanh viên giọng nam...
Thời điểm đó Việt Nam không có máy phát sóng phát thanh, chỉ có Trạm vô tuyến điện ở địa chỉ 128C phố Đại La (sau 1945 được gọi tên là Đài phát sóng Bạch Mai), được xây dựng từ năm 1912. Ông Nguyễn Cung cùng kỹ thuật viên cải tiến máy vô tuyến điện (VTĐ) thành máy phát sóng phát thanh, công suất còn rất nhỏ, từ 100 đến 300w.
Đến ngày mồng 2/9, bộ phận biên tập xong, bộ phận phát sóng hoàn thiện, nhưng bộ phận studio để thu thanh lại chưa hoàn thành, nên ý định ban đầu của nhà báo Trần Lâm và các thành viên là phát sóng vào đúng ngày 2/9 để truyền đi bản Tuyên ngôn Độc lập không thể thực hiện đúng ngày.
Nhiều phương án kỹ thuật đưa ra bàn bạc để đưa tín hiệu từ Ba Đình về. Cuối cùng ông Nguyễn Cung - kỹ thuật phát thanh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam lựa chọn tổ chức đưa máy phát sóng phát thanh 300w vừa được cải tiến từ máy phát tín lên nóc nhà số 4 Đinh Lễ, trụ sở của Nha Thông tin để truyền thử tín hiệu từ cuộc mít tinh lớn ở quảng trường Ba Đình về bằng đường dây trần.
Ngoài ra, các kỹ thuật viên của Đài còn cải tiến thêm một máy VTĐ 100w, đặt tại tòa nhà ngoại giao ngay cạnh quảng trường Ba Đình, bằng dây trần với mic tại lễ đài và có angten để phát sóng âm thanh trực tiếp”.
Thời khắc bản Tuyên ngôn Độc lập truyền đi trên làn sóng phát thanh
Đến 14h chiều ngày 2/9, lễ mít tinh tại Quảng trường Ba Đình bắt đầu. Trước quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tiếng Bác được truyền qua làn sóng, phát lên không trung, lan tỏa trên bầu trời Hà Nội. Chính phủ lâm thời long trọng tuyên thệ trước quốc dân, đồng bào.
Ngày 2/9/1945 đi vào lịch sử, đánh dấu mốc son chói lọi nhất trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn phát đi là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam trước toàn thế giới.
Nhà báo Trần Đức Nuôi cho biết: “Lời Bác được đưa lên không trung từ máy phát công suất nhỏ nên người ở gần nghe được, ở xa thì nghe chập chờn, tiếng rè… nhưng cũng có nhiều người đã nhảy lên hoan hô vì đã nghe được lời Bác, đây là sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc cũng như lịch sử khai sinh ra Đài Tiếng nói Việt Nam”.
Được đánh giá là người chuyên “chép sử” Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Trần Đức Nuôi nhớ lại: “Trong những lần phỏng vấn nhà báo Trần Lâm và Nguyễn Văn Nhất, hai ông đều cho rằng khoảng 8h ngày 5/9/1945, tại tòa soạn số 4 Đinh Lễ đã diễn ra cuộc họp của Đài, tại đây mọi người đều thống nhất lấy ngày 7/9/1945 tới sẽ phát thanh chương trình đầu tiên, lúc này máy phát sóng, studio đã cơ bản hoàn thành, máy phát sóng được thử nghiệm nhiều lần, bảo đảm chất lượng… Việc đặt tên đài và đặt lời xướng cho đài cũng nhanh chóng được thống nhất”.
Đúng 11h30 ngày 7/9/1945, trong không gian của trời thu Hà Nội, của nước Việt Nam mới, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi tín hiệu, vang lên bài hát “Tiến quân ca”. Trên nền bài hát “Diệt phát xít” của nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi là lời xướng: “Đây là Tiếng nói của Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Và nội dung chính của buổi phát thanh đầu tiên đó là Bản Tuyên ngôn độc lập của chiều ngày 2/9/1945 Bác đã đọc trước đó.
Hai phát thanh viên Thanh Ngân và Nguyễn Văn Nhất đã thay nhau đọc đi đọc lại toàn văn Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày đó cũng đánh dấu và khẳng định sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thế giới, đồng thời cũng là thời điểm Đài Tiếng nói Việt Nam bắt đầu hòa làn sóng vào dòng chảy thời gian.
Đài phát sóng Bạch Mai là nơi đầu tiên phát đi Tuyên ngôn Độc lập cho cả nước và thế giới, đây cũng là lần đầu tiên có đài phát thanh bằng tiếng Việt đi thế giới, chứng minh cho thế giới là Việt Nam đã trở thành một nước tự do, độc lập. Khát vọng hòa bình và tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi con người Việt Nam. Lịch sử của Đài TNVN gắn với lịch sử hình thành và phát triển của đất nước. Khí thế dân tộc trong bản Tuyên ngôn Độc lập như là một bản hùng ca để lớp lớp cán bộ, phóng viên, phát thanh viên, nghệ sỹ và kỹ thuật viên của Đài sau này gìn giữ và phát huy tinh thần đó.