Cơ hội xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ Việt Nam vào thị trường EU rất lớn. Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
Gia tăng vị thế
Không ít doanh nghiệp từng kỳ vọng khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ giúp sản phẩm đồ gỗ và nội thất Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt ngay ở thị trường châu Âu (EU) do thuế nhập khẩu khu vực này với hàng hóa Việt Nam giảm đáng kể.
Theo lộ trình cam kết từ EVFTA thì 83% dòng thuế đối với các sản phẩm gỗ sẽ giảm từ 6% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; trong khi 17% dòng thuế còn lại sẽ được giảm trong 5 năm sau đó.
Tuy nhiên, ngay từ những năm trước, một số nước Tây Âu đã chấp thuận đưa thuế suất các mặt hàng gỗ của Việt Nam về 0% theo quy chế Tối huệ quốc với Việt Nam.
Ngành gỗ mấy năm nay xuất khẩu vào thị trường EU gần như được hưởng thuế 0%. Do đó, theo ông Trần Việt Tiến, thường vụ Ban chấp hành của Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), về ngắn hạn, với EVFTA có hiệu lực ngành chế biến gỗ trong nước chưa được hưởng lợi nhiều về cắt giảm thuế quan.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, cơ hội trong thời gian tới đối với ngành là nhập khẩu vì EVFTA mang lại cho Việt Nam cơ hội nhập khẩu một nguồn nguyên liệu, máy móc chế biến gỗ với mức thuế thấp từ EU, vốn được coi là có công nghệ hiện đại cao trên thế giới.
Thuế nhập khẩu các loại máy móc này sẽ về 0%, thay vì ở mức 20-30% như hiện nay. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ Việt Nam hiện nay có đầu tư hạ tầng thấp, trang thiết bị công nghệ chưa cao, chủ yếu trang bị máy móc từ Trung Quốc, Đài Loan... có thể tiếp cận được công nghệ châu Âu thuận lợi nhằm cạnh tranh hơn. Bởi lẽ việc đổi mới công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị, đáp ứng tiến độ đơn hàng.
Về nguyên liệu, HAWA ước tính mỗi năm Việt Nam nhập khoảng một triệu m3 gỗ (tương đương 270 triệu đô la Mỹ) nguyên liệu từ thị trường các nước EU, tập trung vào các loại gỗ tròn, gỗ xẻ, vernia và gỗ dán… Do đó, khi thuế nhập khẩu về 0% sẽ tạo thêm lợi thế để doanh nghiệp gỗ chuyển mạnh qua thị trường EU, đưa các sản phẩm gỗ có chất lượng, từ đó gia tăng giá trị và đáp ứng các yêu cầu trong quy tắc xuất xứ của EVFTA.
Điều quan trọng hơn, theo ông Tiến, với EVFTA vị thế ngành chế biến đồ gỗ của Việt Nam sẽ được nâng lên đáng kể trên trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp châu Âu đã và sẽ chú ý thị trường Việt Nam để đẩy mạnh giao thương và đầu tư. Từ đó, các doanh nghiệp ngành gỗ trong nước có thể tranh thủ được nguồn vốn, kỹ thuật, trình độ quản lý, thương mại từ EU.
Còn nhiều thách thức phải vượt qua
Khu vực EU được giới phân tích đánh giá là thị trường quan trọng với ngành bởi sản phẩm đồ gỗ Việt Nam chiếm chưa đầy 1% thị trường này, nên tiềm năng phát triển là còn rất lớn.
Tuy nhiên, người tiêu dùng ở châu Âu, cũng như tại nhiều thị trường lớn và quan trọng khác, quan tâm tới việc bảo vệ và phát triển rừng, có yêu cầu rất cao về sử dụng nguyên liệu gỗ có nguồn gốc hợp pháp trong ngành chế biến gỗ.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp là cần thực hiện nghiêm túc về kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp, tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, đáp ứng quy tắc xuất xứ,...
Về để đáp ứng được tiêu chuẩn tại cộng đồng chung này, ngoài yếu tố giá cả, mẫu mã, doanh nghiệp phải có năng lực sản xuất. Khách hàng phải biết nguồn gốc sản phẩm xuất phát từ đâu, nguyên liệu do ai làm ra, tiêu chuẩn lao động ra sao.
Sản xuất mặt hàng gỗ của một doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa: TL. |
Do đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, EVFTA sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường này, nhưng vẫn còn nhiều rào cản để có thể gia nhập nhất là đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.
Năm 2019, xuất khẩu nhóm các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ cả nước đạt 10,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 18% so với năm trước đó. Hiện tại tốc độ phát triển của thị trường thế giới mở ra cơ hội rất lớn cho ngành chế biến gỗ.
Tuy nhiên, để đạt 20 tỉ đô la xuất khẩu vào năm 2025 và giữ đà tăng trưởng 18-20%/năm thì theo các hiệp hội, hội chuyên ngành gỗ tại Việt Nam, ngành cần giải quyết những thách thức lớn trong thời gian tới.
Đó là thách thức nguồn nhân lực đang có xu hướng khan hiếm dần, dịch chuyển sang nhiều ngành khác do làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất từ các nước vào Việt Nam.
Giá thuê đất cho phát triển công nghiệp khá cao dẫn đến việc đầu tư mở rộng quỹ đất cho sản xuất của doanh nghiệp hoạt động trong ngành ngày càng khó khăn là thách thức lớn không dễ vượt qua.
Áp lực chuyển đổi số buộc các doanh nghiệp phải thích nghi nhanh từ thiết kế, công nghệ sản xuất và đặc biệt là thương mại số cũng được các doanh nghiệp và giới phân tích nêu ra như một thách thức lớn khác.
Mặt khác, theo giới phân tích hầu hết giá trị của ngành chế biến lâm sản Việt Nam vẫn nằm trong lĩnh vực sản xuất. Do đó, để đạt mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ đô la vào năm 2025, ngành không thể tiếp tục chỉ dựa vào giá trị sản xuất, khó mở rộng qui mô sản xuất và khi lao động giá rẻ không còn là lợi thế.
Theo giới phân tích, đáp ứng tốt những thách thức trên không những sẽ mở ra cho ngành chế biến gỗ, không chỉ thị trường EU mà cả các thị trường lớn khác như Mỹ và Nhật Bản.
Lê Hoàng