Triển lãm Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam (khai mạc ngày 1.9 tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 3) trưng bày những dòng lưu bút của nhạc sĩ Văn Cao kể về nỗi xúc động của ông khi viết về bài Tiến quân ca.
 
Nhạc sĩ Văn Cao                               /// Ảnh: Tư liệu triển lãm
Nhạc sĩ Văn Cao
ẢNH: TƯ LIỆU TRIỂN LÃM
 
“Tháng 11.1944, tôi tự tay viết bài Tiến quân ca lên đá in trang Văn nghệ đầu tiên của tờ báo Độc lập còn giữ lại nét chữ viết của một anh thợ mới vào nghề. Một tháng sau khi báo phát hành, tôi từ cơ quan ấn loát trở về. Qua một đường phố nhỏ (bây giờ là đường Mai Hắc Đế) tôi chợt nghe thấy tiếng đàn măng-đô-lin từ một căn gác vọng xuống. Có người đang tập hát Tiến quân ca. Tôi dừng lại và tự nhiên thấy xúc động. Một xúc động đến với tôi hơn tất cả những tác phẩm của tôi đã được trình diễn ở các rạp hát trước đây. Tôi nhận ra được vài chỗ nhịp điệu còn chưa được hoàn chỉnh. Nhưng bài hát đã in ra rồi. Bài hát đã được phổ biến và không còn là của riêng tôi”.
Ngày 1.9, Bộ TT-TT ra mắt triển lãm sách trực tuyến nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Triển lãm giới thiệu hơn 1.000 tư liệu với các chủ đề: Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thành tựu của đất nước trong quá trình đổi mới và phát triển; Thành tựu của ngành xuất bản Việt Nam. Triển lãm cũng trưng bày nhiều bộ tem và video, tư liệu liên quan đến Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9. 
Cùng ngày, tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 3 cũng ra mắt cuốn sách Cách mạng tháng Tám - xây dựng và củng cố chính quyền 1945 - 1946 (văn kiện Đảng và nhà nước) do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật phối hợp với Cục Lưu trữ văn phòng T.Ư Đảng, Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước phối hợp thực hiện.
Bên cạnh những dòng lưu bút của vị nhạc sĩ tài hoa, triển lãm còn có bản viết tay tác phẩm Tiến quân ca, những quyết định liên quan đến việc công nhận tác phẩm là Quốc ca, chân dung Văn Cao năm 1944, con tem bưu chính in hình bản Tiến quân ca... Đặc biệt, có cả những dòng tiếc thương mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết khi nhạc sĩ Văn Cao qua đời: “Chúng ta vô cùng nhớ tiếc người nghệ sĩ tài ba xuất chúng. Những tác phẩm của anh, đặc biệt là bài Quốc ca, những bài ca hùng tráng, những bản nhạc trữ tình, sẽ sống mãi với thời gian, với dân tộc, như một điểm sáng trong nền nghệ thuật Việt Nam”.
Nỗi xúc động của người viết Tiến quân ca

Bản viết tay tác phẩm Tiến quân ca

 
Với 200 hiện vật, tài liệu, triển lãm bao gồm 4 nội dung: phần 1: Quốc kỳ - Cờ đỏ sao vàng: Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc Việt Nam; phần 2: Quốc ca: Giai điệu thiêng liêng tự hào; phần 3: Quốc huy: Biểu tượng Nhà nước Việt Nam và phần 4: Tự hào Việt Nam. Ở đó, công chúng có thể hình dung dần về quá trình hình thành các biểu tượng dân tộc. Bản viết tay dài 3 trang của họa sĩ Bùi Trang Chước nói về quá trình ông vẽ Quốc huy, từ đó có thể hình dung về người họa sĩ có nhiều công lao nhưng sống giản dị và mãi đến khi mất vẫn chưa được bất cứ giải thưởng nào. Công chúng cũng được xem lại những khoảnh khắc lịch sử như thời điểm lá Quốc kỳ Việt Nam bay trên lễ đài độc lập ngày 2.9.1945, hay lễ thượng cờ ngày 20.9.1977 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, đánh dấu việc Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức này, cũng như khi Quốc kỳ Việt Nam được đưa lên vũ trụ vào năm 1980...