(NLĐO)- Chúc mừng Quốc khánh Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ Michael R. Pompeo nhấn mạnh: Chúng tôi chúc mừng thành công của Việt Nam khi giữ cương vị Chủ tịch ASEAN và trân trọng sự phối hợp chặt chẽ của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19.

 
 

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 1-9 vừa phát đi thông điệp của Ngoại trưởng Mỹ Michael R. Pompeo về Ngày Quốc khánh Việt Nam 2-9.

Thông điệp của Ngoại trưởng Mỹ về Ngày Quốc khánh Việt Nam - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Michael R. Pompeo và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ

Thông điệp viết: Thay mặt Chính phủ Mỹ, tôi xin gửi lời chúc mừng tới nhân dân Việt Nam nhân ngày Quốc khánh.

Năm 2020, chúng ta kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt Nam. Sự chuyển biến đáng kể trong mối quan hệ của chúng ta trên khắp các lĩnh vực thương mại và đầu tư, hợp tác an ninh, và giao lưu nhân dân là minh chứng đối với những người nỗ lực vượt qua quá khứ và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước. Chúng tôi vui mừng trước việc mới đây hai bên ký kết thỏa thuận để lần đầu tiên đưa tình nguyện viên của Tổ chức Hòa bình tới Việt Nam, một dấu mốc quan trọng và mang tính biểu tượng trong năm lịch sử này đối với hai quốc gia.

Chúng tôi chúc mừng thành công của Việt Nam khi giữ cương vị Chủ tịch ASEAN trong một năm đầy thách thức như năm nay, và trân trọng sự phối hợp chặt chẽ của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19. Trong bối cảnh chúng ta hợp tác để xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới nhân dân Việt Nam.

Tổng thống Đức gửi điện mừng tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier vừa gửi điện mừng nhân dịp Ngày Quốc khánh Việt Nam tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và toàn thể người dân Việt Nam.

Thông điệp của Ngoại trưởng Mỹ về Ngày Quốc khánh Việt Nam - Ảnh 2.

Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier

Điện mừng viết: "Nhân dịp Ngày Quốc khánh Việt Nam tôi xin gửi đến Ngài và người dân đất nước Ngài những lời chúc mừng nồng nhiệt.

Việt Nam và Đức gắn kết với nhau thông qua những mối quan hệ đa dạng và cũng đã biến quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước thành hiện thực mới.

 

Với việc hai nước chúng ta đồng thời là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, với việc Việt Nam là chủ tịch ASEAN và Đức là chủ tịch luân phiên EU, Việt Nam và Đức trong năm nay có thể cùng nhau nỗ lực đặc biệt tốt cho các giải pháp khu vực và đa phương đối với những vấn đề thúc bách trên toàn cầu. Điều đó được thể hiện rõ, đặc biệt là trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, mà thành công cho đến nay trong việc hạn chế đại dịch của Việt Nam xứng đáng được ca ngợi.

Thêm vào đó Việt Nam còn hỗ trợ các nước, trong đó có Đức, bằng cách gửi tặng khẩu trang và qua đó đưa ra một tín hiệu xứng đáng được ghi nhận của tình đoàn kết giữa cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Tôi đặc biệt cám ơn Ngài về điều đó.

Tôi chúc Ngài và nhân dân Việt Nam phồn vinh và một tương lai hòa bình".

Việt Nam và CHLB Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23-9-1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện.

Hai nước đã ký một số Hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, các hiệp định Hàng hải, Hàng không.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Châu Âu, chiếm 19% xuất khẩu của ta sang EU; và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.

Việt Nam được Đức xếp hạng đối tác thương mại thứ 40/144 nước xuất khẩu hàng hoá vào Đức, hạng 55/144 nước nhập khẩu hàng hoá từ Đức và hạng 47/144 nước đối tác thương mại chính trên kim ngạch hai chiều. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Đức theo thứ tự tổng trị giá là giày dép, hàng dệt may, cà phê hạt, đồ gỗ, thủy sản, đồ da..., và nhập từ Đức chủ yếu là máy móc, thiết bị kỹ thuật, ô tô, máy dệt, dược phẩm, hoá chất.

Là nền kinh tế hướng tới xuất khẩu, Đức coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở Châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). Nhiều tập đoàn hàng đầu của Đức (Siemens, Metro, Mercedes-Benz, Deutsche Bank, Allianz...) đã mở các cơ sở và cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam.

Đức là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp trên 1 tỉ Euro cho các dự án ODA tại Việt Nam.