LĐO - Căn nhà nhỏ nằm trong con ngõ 319 phố An Dương Vương (quận Tây Hồ, TP.Hà Nội) là nơi đầu tiên tại Thủ đô đón Bác Hồ trở về từ chiến khu Việt Bắc, chuẩn bị cho Ngày Quốc Khánh 2.9.1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đã 75 năm trôi qua, nhưng những dấu ấn, câu chuyện xúc động về Người vẫn được các thế hệ nơi đây trân trọng, gìn giữ.
Niềm vinh dự lớn của gia đình
Những ngày cuối tháng 8, khi cả nước đang hướng về lễ kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, chúng tôi tìm về nhà cụ Nguyễn Thị An để lắng nghe những câu chuyện về Bác Hồ trong thời gian Người dừng chân tại đây. Trong căn phòng chứa đựng nhiều kỷ vật, bức ảnh kỷ niệm, tài liệu quý giá năm xưa, ông Công Ngọc Dũng (chắt nội của cụ Nguyễn Thị An) nhiệt thành kể về những câu chuyện năm xưa.
Theo chia sẻ, căn nhà nhỏ nằm ven sông Hồng của cụ Nguyễn Thị An là nơi thường xuyên tiếp nhiều đoàn khách, cán bộ cách mạng năm xưa. Do vị trí kín đáo, lại nằm trong vùng an toàn khu ở ngoại thành Hà Nội nên đồng chí Hoàng Tùng - cán bộ cách mạng hoạt động ở xã Phú Thượng lúc bấy giờ - đã chọn làm địa điểm dừng chân của Bác Hồ trong 3 ngày Người từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội. Từ năm 1941 đến năm 1945, căn nhà do cụ Nguyễn Thị An đã trở thành “địa chỉ đỏ” hoạt động bí mật, an toàn, nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho cán bộ cách mạng.
Nhớ lại những câu chuyện được bà nội và cha kể về Bác Hồ, ông Công Ngọc Dũng chia sẻ: “Hôm ấy, chiều 23.8.1945, khi đò cập bến cây gạo Phú Xá, có một đoàn khoảng 10 người đi tới. Trong đoàn có một ông cụ để râu, mắt sáng đi thẳng về nhà cụ Nguyễn Thị An. Ông cụ cùng với đoàn người đã nghỉ ngơi và làm việc tại đây từ chiều 23.8 đến chiều 25.8.1945. Theo như lời bố tôi (tức ông Công Ngọc Kha) kể lại, đêm đầu tiên ở nhà, ông cụ đã làm việc rất khuya. Cho đến khi bố tôi đi gác đêm về vẫn thấy ông cụ ngồi trên chiếc tràng kỷ để làm việc. Sớm hôm sau, cả nhà đã thấy ông cụ dậy sớm ra bờ ao tập thể dục. Mặc dù công việc có vẻ rất bận rộn nhưng trong ba ngày đó, ông cụ vẫn dành thời gian để dạy chị gái tôi hát, tập đếm và rèn luyện sức khỏe”.
Cũng theo ông Dũng, chiều 25.8, trước khi trở về Thủ đô, ông cụ đã gặp tất cả những người trong gia đình bà Nguyễn Thị An. Khi gặp mặt, ông cụ đã nói lời cảm ơn vì suốt những ngày qua đã nhận được sự chăm lo, chu đáo, gia đình đã giúp đỡ các anh em trong đoàn. Sau cùng, ông cụ hẹn gia đình khi nào có dịp cụ sẽ quay trở lại. Mãi đến chiều 2.9.1945, gia đình tôi và nhân dân Phú Thượng cùng đi bộ ra Quảng trường Ba Đình dự lễ míttinh. Khi nghe giọng đọc cất lên qua loa phóng thanh, những người trong gia đình mới ngờ ngợ “ông cụ mắt sáng” hình như là người đã ở trong nhà mình trước đó. Sau này, khi trở về, ông Hoàng Tùng mới thông báo cho gia đình biết, ông cụ đã ở trong nhà của gia đình chính là Bác Hồ.
Học tập theo Bác
Trong những ngày Bác Hồ nghỉ ngơi và làm việc tại gia đình, ông Công Ngọc Dũng vẫn hoài nhớ một kỷ niệm sâu sắc giữa Bác Hồ với cụ bà Nguyễn Thị An. Để đảm bảo bí mật và an toàn cho Bác nên các thành viên trong gia đình chỉ có mình cụ An (tức vợ của cụ Chánh Công Văn Trường) là người duy nhất được phục vụ cơm cho Bác và các đồng chí trong đoàn đi cùng. Bữa cơm ngày 25.8.1945, cụ Nguyễn Thị An chỉ biết “ông cụ mắt sáng” đang ở trong nhà mình là người hoạt động Cách mạng quan trọng nên có nhã ý chuẩn bị 3 mâm cơm dưới và một mâm ở trên giường nhằm tỏ ý kính trọng.
Nhưng khi vừa đặt mâm cơm xuống chiếu, Bác Hồ đã thẳng thắn nói với cụ hãy mang mâm cơm đặt xuống chiếu để Bác cùng ăn với mọi người. Khi đó, cụ An đã để mâm xuống chiếu và đứng lại phía nồi cơm chờ xới cơm cho khách nhưng Bác vẫn lắc đầu và bảo cụ An để nồi cơm ra giữa, ai ăn hết sẽ tự xới. Cách ứng xử của Bác Hồ với những người trong gia đình luôn thể hiện một sự bình đẳng, không phân biệt cao thấp. Đó là bài học mà gia đình ông Công Ngọc Dũng nhiều năm nay đã học tập, chia sẻ và giáo dục cho con cháu.
Theo bà Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1956, vợ ông Công Ngọc Dũng), tại ngôi nhà này, gia đình bà may mắn được đón rất nhiều lãnh đạo Trung ương và Hà Nội về thăm như: Đồng chí Trần Đăng Ninh, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Võ Chí Công, đồng chí Võ Nguyên Giáp... Do đó trách nhiệm trông coi ngôi nhà đến bây giờ, không chỉ có thế hệ trước mà cả các con, cháu trong gia đình hiện tại. Hiện gia đình bà vẫn duy trì nếp sinh hoạt thường niên, chọn ngày 23.8 hằng năm là ngày đoàn tụ. Bố mẹ kể cho con, ông bà kể cho cháu về những kỷ niệm trong ngôi nhà vinh dự có 3 ngày được Bác Hồ ghé thăm năm 1945.