LĐO - Các công nhân phải chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty TNHH PouYuen Việt Nam vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 đều mong muốn không phải đóng thuế thu nhập cá nhân với khoản tiền được công ty trợ cấp thôi việc cho họ.
Sẽ bớt khó khăn nếu không phải đóng thuế
Hơn hai tháng qua, kể từ ngày bị Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Cty PouYuen) chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) vì lý do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chị Nguyễn Thị Thu Vân (38 tuổi) - nguyên là công nhân (CN) Bộ phận in logo lên giày của Cty PouYuen - vẫn chỉ loanh quanh ở quê nhà (xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) vì chưa xin được việc ở đâu.
Là mẹ đơn thân đang nuôi một con nhỏ 8 tuổi, nên tất cả chi phí ăn ở của hai mẹ con, tiền học của con đều trông vào khoản tiền trợ cấp thôi việc mà Cty PouYuen đã chi trả cho chị được 85 triệu đồng sau khi đã tạm trừ 10% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho khoản trợ cấp này. “Giai đoạn này, đi xin việc ở đâu cũng khó khăn vì hầu hết doanh nghiệp ngành Da giày, dệt may đều khó khăn, trong khi việc khác thì tôi không biết làm. May mà có khoản tiền trợ cấp của Cty nên còn có tiền mua sắm, đóng học cho con đầu năm. Giá như Nhà nước đừng thu 10% tiền thuế TNCN thì mẹ con tôi còn có thêm một khoản tiền để sinh sống trong khi chờ tìm việc khác” - chị Vân mong muốn.
Cũng ở xã An Ninh Đông, nhưng chị Phạm Thị Lùng - nguyên là nhân viên tạp vụ khu C của Cty PouYuen - bị chấm dứt HĐLĐ vào ngày 20.6 vừa qua còn khó khăn hơn. Khi còn đi làm, tiền lương của chị khoảng 8 triệu đồng/tháng. Đến khi nghỉ việc, chị được Cty PouYuen trợ cấp 89 triệu đồng cho gần 11 năm làm việc ở đây. Trừ đi gần 9 triệu đồng tiền thuế TNCN, chị còn nhận hơn 80 triệu đồng. Hơn 2 tháng qua, chị chỉ ở nhà sống bằng tiền lương Cty trả cho thời gian báo trước 45 ngày và tĩnh dưỡng vì bệnh lao phổi nặng luôn hành hạ.
“Tôi đã 54 tuổi, cũng chẳng còn xin làm được chỗ nào nữa nên chắc chắn sẽ không có tiền lương hằng tháng. Với khoản tiền trợ cấp thôi việc của Cty, tôi dự định đóng thêm bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện một vài năm nữa cho đủ điều kiện để được hưởng lương hưu hằng tháng. Nếu không, tôi cũng coi như của để dành đến lúc cần thì sẽ nhận BHXH một lần. Giờ chỉ mong Nhà nước không thu thuế TNCN với khoản tiền Cty trợ cấp thôi việc để gia đình tôi bớt được khó khăn” - chị Lùng chia sẻ.
Cần chia sẻ với NLĐ
Lý giải về việc trả trợ cấp thôi việc cho gần 2.800 CN phải chấm dứt HĐLĐ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Tsai Yu Ching - đại diện Cty PouYuen - cho biết, ngoài việc tuân thủ quy định của pháp luật, để ghi nhận và bày tỏ sự biết ơn của Cty với sự cống hiến của NLĐ, Cty áp dụng chính sách chi trả cao hơn luật. Được biết, tổng số tiền trợ cấp thôi việc Cty PouYuen đã trả cho gần 2.800 lao động là 260 tỉ đồng, trong đó người nhận cao nhất hơn 300 triệu đồng, người thấp nhấp được gần 3 triệu đồng do mới vào Cty làm việc.
Có một điểm chung mà tất cả CN phải chấm dứt HĐLĐ với Công ty PouYuen vừa qua mà chúng tôi đã tiếp xúc đều có mong muốn Nhà nước không thu tiền thuế TNCN với khoản tiền Cty đã trợ cấp thôi việc cho họ. Thấu hiểu nguyện vọng chính đáng trên của NLĐ, ngay từ khi Cty PouYuen thông báo chấm dứt HĐLĐ với gần 2.800 CN, LĐLĐ và UBND quận Bình Tân, TPHCM đều kiến nghị với UBND TPHCM có ý kiến với Cục Thuế thành phố xem xét không thu thuế với khoản trợ cấp thôi việc của Cty trả cho NLĐ.
Tại Hội nghị Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 6 tổ chức mới đây, ông Kiều Ngọc Vũ - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - cũng thay mặt Ban Thường vụ LĐLĐ TPHCM đề nghị Tổng LĐLĐVN tiếp tục kiến nghị Chính phủ không thu thuế TNCN 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ NLĐ phải nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, phân tích: “Trong lúc Nhà nước đã chi hàng chục nghìn tỉ đồng hỗ trợ NLĐ bị mất việc, tạm ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để bảo đảm an sinh xã hội, mà lại thu thuế thu nhập đối với khoản trợ cấp thôi việc (nếu có) của doanh nghiệp cho NLĐ lúc này thì không hợp lý. Nên miễn khoản thu thuế này cho CN để thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước đối với NLĐ trong lúc khó khăn vì dịch COVID-19”.