LĐO - Ngày 5.9, gần 23 triệu học sinh trên cả nước đón lễ khai giảng vô cùng đặc biệt, chính thức bước vào năm học mới 2020-2021. Đây là năm học đặt nền móng cho đổi mới giáo dục, bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Ngành Giáo dục đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính đột phá để thực hiện mục tiêu vừa đảm bảo chất lượng giáo dục, vừa phải an toàn cho sức khỏe học sinh.

Nhiều trường sẽ tổ chức cho học sinh khai giảng trong lớp, hạn chế tập trung đông người tại sân trường. 
Ảnh: Hải Nguyễn
Nhiều trường sẽ tổ chức cho học sinh khai giảng trong lớp, hạn chế tập trung đông người tại sân trường. Ảnh: Hải Nguyễn

Thêm một khai giảng đặc biệt

Mùa khai giảng năm nay thực sự rất đặc biệt. Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức khai giảng ý nghĩa nhưng vẫn an toàn cho học sinh là sự mong đợi của toàn xã hội. Các địa phương chủ trì tổ chức khai giảng ngắn gọn trong khoảng thời gian từ 45-60 phút. Một số nơi như TP.Đà Nẵng, TP.Hải Dương... do ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ tổ chức lễ khai giảng online cho học sinh.

Chiều 4.9, bên cạnh việc hoàn thành nốt những khâu cuối cùng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2, ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Quảng Nam cũng lo chu tất cho lễ khai giảng của các trường. Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh - cho biết, một số địa bàn vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19, vì thế lễ khai giảng sáng 5.9 sẽ được tổ chức với quy mô hẹp, gọn nhẹ. Học sinh các lớp đầu cấp (lớp 1, 6, 10) tham dự lễ khai giảng tại trường, các khối lớp còn lại cử đại diện.

Trường mầm non tổ chức “Ngày hội đến trường của bé” phân chia thời gian tổ chức đón trẻ theo khối lớp và thông báo đến phụ huynh. Buổi lễ được tổ chức tại mỗi lớp, hiệu trưởng phát biểu trên loa phát thanh của nhà trường.

Ông Quốc cho hay, các kịch bản phòng chống dịch bệnh đã được Sở GDĐT hướng dẫn rất cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.

Tại Hà Nội, lễ khai giảng năm học mới được tổ chức theo hình thức trực tiếp, không quá 45 phút và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Các trường học đã lên kịch bản để phân luồng, giãn cách học sinh khi tổ chức khai giảng. Trong đó, các trường lưu ý đến hoạt động đón học sinh đầu cấp, không tổ chức diễu hành, tổng duyệt, văn nghệ và không thả bóng bay. Sau lễ khai giảng, học sinh lên lớp học tiết đầu tiên về giáo dục nếp sống văn minh, nội quy và công tác phòng chống dịch.

Chuẩn bị cho con vào năm học mới, nhiều công nhân lao động tại TPHCM có con vào lớp 1 cũng đón cảm xúc lâng lâng. Chị Lương Quỳnh Hoa (28 tuổi, quê Nghệ An) đang làm công nhân tại quận 12 (TPHCM) kể lại, đến cuối tháng 8, chị còn chưa biết con gái đầu lòng của mình có được vào lớp 1 hay không vì thời gian tạm trú có thời hạn (KT3) không đủ 1 năm để vào học trường công. May thay, sau khi báo chí phản ánh và sự quan tâm của chính quyền, con chị Hoa được xem xét cho vào học lớp 1 tại trường tiểu học công lập gần nhà.

“Thông báo được nhập học cách ngày khai giảng chỉ hơn 1 tuần. Tôi vội vàng lên trường đăng ký mua sách giáo khoa, đồng phục rồi ra hiệu sách mua thêm dụng cụ học tập cho con để kịp ngày nhập học. Ngày 4.9, được lên trường làm quen bạn bè mới, gặp cô giáo chủ nhiệm mới, con tôi vui lắm. Sự khởi đầu tuy có muộn màng hơn các bạn nhưng mong con đến trường luôn vui vẻ, háo hức” - chị Hoa nói.

9 nhiệm vụ, 5 giải pháp của năm học mới

Năm 2020, Chính phủ xác định là năm bứt phá để phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2016-2020, với phương châm hành động là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Để thực hiện được điều này, tất cả ngành phải chuyển động, trong đó giáo dục phải đi đầu, tạo ra những đột phá.

Bước qua năm học 2019-2020 với những khó khăn và không ít thách thức, nhưng ngành Giáo dục đã tạo ra những đột phá trong việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học. Lực cản mang tên COVID-19 đã được hàng triệu giáo viên, học sinh biến thành động lực để nhìn lại mình, tận dụng thời cơ để thay đổi và phát triển.

Bước sang năm học mới, ngành Giáo dục xác định khó khăn vẫn còn nhiều khi dịch COVID-19 vẫm diễn biến phức tạp. Để tiếp tục tạo đà cho công cuộc đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký ban hành Chỉ thị về 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục. Trong đó xác định, các giải pháp phải gắn liền với việc bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mục tiêu xuyên suốt trong 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020-2021 là tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng lưu ý, riêng đối với những địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 sẽ tổ chức việc dạy và học trực tuyến qua Internet và trên truyền hình với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo kế hoạch năm học.

Là năm học đầu tiên triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu tiếp tục rà soát, bổ sung, đảm bảo đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, lựa chọn và bố trí đủ giáo viên có kinh nghiệm triển khai chương trình, sách giáo khoa để dạy lớp 1.

Cũng trong năm học này, tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình; tiếp tục triển khai xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn với lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Siết chặt các khoản thu chi

Bước vào năm học mới, các địa phương cũng có động thái “siết chặt các khoản thu chi để phòng chống lạm thu. Nhằm đảm bảo các khoản thu được công khai, minh bạch, Sở GDĐT TPHCM yêu cầu tất cả khoản thu phải công khai bằng văn bản và phải thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến từng phụ huynh học sinh về các khoản thu. Trong đó, cần nêu rõ nội dung về các khoản thu theo quy định, khoản thu theo thỏa thuận và khoản thu hộ - chi hộ. Khi thu phải cấp hoá đơn thu tiền thông qua bộ phận tài chính, tuyệt đối không được giao giáo viên trực tiếp thu - chi tiền.

Ngoài ra, Sở GDĐT TPHCM cũng đề nghị UBND các quận, huyện xây dựng và ban hành kế hoạch thanh toán không sử dụng tiền mặt trong trường học.

Theo Bộ GDĐT, qua công tác thanh tra kiểm tra thực tế, phản ánh của phương tiện thông tin đại chúng, vẫn còn tình trạng một số địa phương, cơ sở giáo dục chưa quyết liệt thực hiện theo đúng quy định về các khoản thu đầu năm học. Để ngăn chặn việc này, Bộ GDĐT đề nghị xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu. Đồng thời, nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định.

Nhiều trường tổ chức khai giảng sớm

Lãnh đạo Sở GDĐT TPHCM cho biết, theo lịch chung, các trường ở thành phố sẽ tổ chức lễ khai giảng năm học 2020-2021 đồng loạt vào sáng 5.9. Tuy nhiên, một số trường xây dựng mới nên Sở GDĐT TP cho phép cùng tổ chức lễ khánh thành và khai giảng trong một ngày. Ví dụ, Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (ở huyện Hóc Môn) đã tổ chức lễ khánh thành và khai giảng năm học 2020-2021 vào ngày 4.9.

Cùng ngày, nhiều trường học trên cả nước như Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Ninh Thuận, Trường PTDT Bán trú THCS Hướng Phùng, Quảng Trị, Trường THCS Võ Văn Kiệt, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng đã long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2020-2021.

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa náo nức tham dự lễ khai giảng năm học 2020-2021 vào ngày 3.9. Tại lễ khai giảng, chính quyền và các đơn vị đang làm nhiệm vụ trên đảo đã tặng các em học sinh nhiều phần quà ý nghĩa, nhằm động viên các em cố gắng chăm ngoan, học giỏi, đạt thành tích cao. Huyên Chung Nhàn