TTO - 'Ngôi nhà 0 đồng' của vợ chồng ông Dương Ngọc Thạch và bà Phan Thị Bích Hợp (ấp Mỹ Thuận) đang là điểm sáng của tinh thần 'lá lành đùm lá rách' ở miền quê nghèo huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang giữa mùa dịch bệnh này.
Xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang - vùng đất cù lao nắng gió, đời sống càng thêm khó khăn sau khi dịch bệnh. Ở đó, 'ngôi nhà 0 đồng' của vợ chồng ông Dương Ngọc Thạch và bà Phan Thị Bích Hợp (ấp Mỹ Thuận) đang là điểm sáng của tinh thần 'lá lành đùm lá rách' ở miền quê nghèo này.
Bà Trần Thị Hẹ, 72 tuổi, người dân trong ấp, nói lâu nay ai có khó khăn gì, ốm đau bất ngờ không tiền thang thuốc, trẻ con không đủ tiền mua sách vở, người nghèo không có gạo nấu cơm, kể cả người nhà dột cột xiêu đến đây đều được giúp đỡ tận tình. 'Người đâu mà tốt quá chừng!' - bà Hẹ nói.
'Ngôi nhà 0 đồng' được dựng lên với 200 triệu đồng từ số tiền gia đình ông Thạch dành dụm, hoạt động từ tháng 5-2020 với nhiều quần áo mới, gạo, dầu ăn, đường, bột ngọt, mì gói, khẩu trang mùa dịch, áo khoác mới, quần áo, dụng cụ trong gia đình...
Ai đến đây cũng có thể chọn cho mình ba món đồ thiết yếu mà không phải trả tiền, lại được vợ chồng ông Thạch thăm hỏi động viên rất chân tình. Với những người già yếu, tàn tật, ông Thạch còn mang quà đến tận nhà trao.
Điểm từ thiện này hoạt động mỗi tuần ba ngày. Những ngày hoạt động, đôi vợ chồng 'Hai Lúa' rạng rỡ nụ cười tất bật chuẩn bị các phần quà cấp phát miễn phí cho bà con.
Gió mát từ sông ùa về đất cù lao Ông Chưởng, chúng tôi nghe lòng mình dâng lên nỗi xúc động, trân trọng tấm lòng của những con người chơn chất giữa vùng sông nước Mỹ Hội Đông.
'Tuổi thơ của vợ chồng tôi cơ cực, gia đình chạy ăn từng bữa, chúng tôi quyết chí làm ăn, tiết kiệm lắm để có của ăn, của để và nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn.
Tôi hiểu nỗi buồn, những thiệt thòi của người nghèo nên muốn chia sẻ một phần khó khăn chung. Qua đó tôi dạy các con tằn tiện, biết tôn trọng, cảm thông với người khó khăn. Người ta hạnh phúc là mình hạnh phúc' - ông Thạch chia sẻ về 'ngôi nhà 0 đồng' của mình.
Ông Thạch nói vợ chồng ông sẽ tính toán kỹ để duy trì mô hình này. Cụ thể, gia đình trích tiền lãi kinh doanh từ cơ sở sản xuất gạch của mình cùng với sự hỗ trợ của các con đến khi nào không còn làm được nữa. Cũng theo ông Thạch, điều đáng mừng là ở đây không diễn ra nạn xin quà nhiều lần hay sử dụng không đúng mục đích. Tất cả người nhận quà đều ý thức đến nhận khi thật thiếu thốn và sẵn sàng nhường lại phần quà cho người khó khăn hơn. |