Bất chấp ảnh hưởng dịch Covid-19, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 8 tháng năm 2020 đạt 2,2 tỉ USD, chỉ giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
8 tháng, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt 2,2 tỉ USD
ẢNH GIA KHIÊM
Ngày 5.9, thông tin từ Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 8 ước đạt 500.000 tấn với giá trị đạt 251 triệu USD.
Theo đó, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 8 tháng năm 2020 đạt 4,5 triệu tấn với trị giá 2,2 tỉ USD. Nếu so sánh cùng kỳ năm 2019, xuất khẩu gạo giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị.
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, trong 7 tháng năm 2020, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 35,3% thị phần, giá trị xuất khẩu đạt 1,5 triệu tấn và 688,3 triệu USD, tăng 2,7% về khối lượng, tăng 17,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất gồm Senegal gấp 19,8 lần, đạt 41.400 tấn và 14,7 triệu USD; Indonesia gấp 3,1 lần, đạt 59.300 tấn và 33,3 triệu USD; Trung Quốc tăng 84%, đạt 493.100 tấn và 293,4 triệu USD.
Trong khi đó, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Iraq, giảm 61,2%, xuống 90.000 tấn và 47,6 triệu USD.
Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng năm nay đạt 487,2 USD/tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. Về chủng loại xuất khẩu, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 45,2% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 36,6%; gạo nếp chiếm 13,7%...
Gạo tấm Việt Nam có giá tăng cao nhất kể từ năm 2011
Giá gạo tại các quốc gia xuất khẩu gạo lớn tại châu Á đang có chiều hướng tăng tích cực. Trong đó, gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng cao do ảnh hưởng của lũ lụt và sự lan rộng của dịch Covid-19, khiến hoạt động logistics bị gián đoạn.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2011 do tác động từ yếu tố mùa vụ, hiện vụ thu hoạch hè thu đã gần kết thúc nên nguồn cung bị thu hẹp hơn. Gạo 5% tấm của Việt Nam tăng từ 470 USD/tấn lên 480 - 490 USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối năm 2011.
Ngoài ra, dịch Covid- 19 tái bùng phát khiến nhiều quốc gia tăng cường dự trữ.Dự báo giá gạo sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới cho đến khi vụ thu hoạch mới vào khoảng tháng 10.
Thông tin dự báo cập nhật mới nhất trong tháng 8 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo thế giới năm nay ước đạt 495,7 triệu tấn, giảm khoảng 0,2% so với năm 2019. Tiêu dùng gạo thế giới năm nay ước đạt 490,9 triệu tấn, tăng khoảng 1,4% so với năm 2019.