LĐO - Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không còn giữ vai trò độc quyền trong trong khâu mua bán điện. Thay vào đó có thêm 5 Tổng Công ty điện lực tham gia mua điện trên thị trường điện.
Lộ trình phát triển thị trường bán buôn điện ra sao?
Sáng nay (7.9), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì phiên giải trình về "thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội".
Tại phiên giải trình, nhiều Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi lộ trình phát triển thị trường bán buôn điện "liệu có đảm bảo đúng kế hoạch, yêu cầu đặt ra; có xóa bỏ được vai trò độc quyền của EVN?".
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thị trường điện lực cạnh tranh phát triển qua 3 cấp độ: Phát điện cạnh tranh; bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh.
Trên cơ sở quy định tại Luật Điện lực, Bộ Công Thương đã đưa thị trường phát điện cạnh tranh vào vận hành trong giai đoạn từ năm 2012 đến hết năm 2018, vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ ngày 1.1.2019.
Kết quả là hiện nay, khâu phát điện và khâu mua buôn điện đã vận hành theo cơ chế thị trường, tạo môi trường minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện.
Về cạnh tranh trong khâu phát điện, theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, số lượng các nhà máy điện tham gia thị trường điện đã tăng; nếu như năm 2012 mới chỉ có 32 nhà máy điện với tổng công suất là 9.200MW tham gia thị trường điện, đến nay đã tăng lên thành 100 nhà máy điện.
Về cạnh tranh khâu mua buôn điện, ông Trần Tuấn Anh khẳng định: "EVN không còn giữ vai trò độc quyền trong khâu mua buôn điện, thay vào đó có thêm 5 Tổng Công ty điện lực tham gia mua điện trên thị trường điện, cũng như trực tiếp ký hợp đồng song phương với các nhà máy điện.
"Về cơ bản, thị trường điện đã đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, thực tế thị trường cũng đã bộc lộ một số tồn tại, như tỉ lệ các nhà máy điện chưa tham gia thị trường điện còn lớn, hạ tầng chưa đáp ứng các yêu cầu, thị trường chưa đưa ra được tín hiệu để thu hút đầu tư vào ngành điện, chưa có cơ chế hấp dẫn để thu hút các khách hàng lớn tham gia thị trường bán buôn cạnh tranh", ông Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Công Thương cho biết, để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư vào ngành điện, nâng cao tính cạnh tranh, hiệu quả của các đơn vị điện lực đòi hỏi phải có sự đổi mới đồng bộ mạnh mẽ về thể chế, các cơ chế đi kèm về tổ chức, tài chính, cơ chế thu hút vốn đầu tư tư nhân trong nước và ngoài nước.
Riêng trong lĩnh vực thị trường điện, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm củng cố hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh công khai, minh bạch có sự tham gia rộng rãi của các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế tư nhân và Nhà nước, đồng thời triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Tại sao giá điện sản xuất thấp hơn giá điện bình quân?
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đặt câu hỏi: "Tại sao việc bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, bù giá cho ngành sản xuất hiện vẫn đang được áp dụng, việc này có phù hợp với thực tế sử dụng điện cũng như quy định không?
Người đứng đầu Bộ Công Thương lý giải, lý do giá điện cho nhóm ngành sản xuất thấp hơn so với giá bán lẻ điện bình quân, vì có nhiều khách hàng trong ngành sản xuất mua điện ở cấp trung áp hoặc cao áp có giá điện thấp hơn giá điện ở cấp hạ áp, do khách hàng phải đầu tư đường dây và trạm biến áp riêng.
Trong khi các khách hàng sinh hoạt và phần lớn khách hàng kinh doanh và hành chính sự nghiệp mua điện ở cấp hạ áp 0,4kV, ngành điện đầu tư đường dây và trạm biến áp đến tận cấp điện áp 0,4kV.
"Giá điện là đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất, do vậy việc duy trì giá điện cho các ngành sản xuất theo cơ chế hiện hành phù hợp với quy định về chính sách giá điện tại Luật Điện lực, là sự hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp phát triển", ông Trần Tuấn Anh khẳng định.