Nhiều vấn đề môi trường chỉ có thể giải quyết toàn diện và lâu dài nếu có sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến cộng đồng. Thực tiễn ở TP.HCM đã có nhiều mô hình bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng có sức lan tỏa và được duy trì. Những mô hình này đã ngày càng cho thấy có hiệu quả thực sự đối với việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích cộng đồng to lớn.
Chung tay vì thành phố môi trường sạch
Gần đây, tại TP.HCM những chương trình, hoạt động vệ bảo vệ môi trường được thực hiện có hiệu quả hơn, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều cá nhân, tổ chức, cơ quan, địa phương. Thành phố cũng đã ban hành các kế hoạch triển khai phong trào khác nhằm mục đích bảo vệ môi trường như: tuần lễ nạo vét, khơi thông cống rãnh, mương thoát nước… Đơn cử như mùa hè vừa qua, TP.HCM đã tổ chức đợt ra quân hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn. Chương trình đã huy động đông đảo cộng đồng, người dân tham gia vào công tác bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng diện mạo đô thị, giải quyết các điểm nóng môi trường.
Đông đảo các bạn trẻ tham gia làm sạch môi trường ở TP.HCM
Mục đích của các chương trình này là tuyên truyền các chủ trương, kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường, vận động hội viên, nhân dân tham gia bảo vệ môi trường nơi cư trú; góp phần phòng ngừa và thay đổi các hành vi, phong tục, tập quán lạc hậu gây ô nhiễm môi trường và giải quyết nhiều vấn đề môi trường trong tuyến phố, khu dân cư… Tiêu biểu phải kể đến các chương trình Trường học xanh, “Công trình xanh”, “Văn phòng xanh”, “Nhà xanh”, “Khu dân cư xanh”, “Chương trình 3T trong trường học”, Chi hội “Hiệp sĩ môi trường”, Cuộc thi “Sức sống mới từ phế thải”…
Nhiều mô hình như: “Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”... đã góp phần thành công vào chiến lược xây dựng thành phố môi trường.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đang triển khai, nhân rộng mô hình doanh nghiệp thân thiện môi trường. Xây dựng chuỗi mô hình doanh nghiệp sản xuất thân thiện với môi trường sẽ có ý nghĩa rất lớn bởi việc giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm điện, tăng trưởng xanh đang là xu thế chung, cần thiết để xây dựng một xã hội văn minh và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Khi người trẻ gánh vác sứ mệnh tiên phong
Để huy động được sức mạnh của lớp trẻ, đoàn viên thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường với các hoạt động ra quân làm sạch môi trường, tổ chức ngày hội tái chế… TP.HCM cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên về bảo vệ môi trường, thường xuyên duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sự sáng tạo và trách nhiệm của tuổi trẻ, cùng thành phố hoàn thành các mục tiêu về môi trường.
Mỗi việc làm tích cực của người dân sẽ góp phần đưa TP.HCM sớm đạt được mục tiêu “Thành phố xanh - thân thiện môi trường”.
Ngoài ra, bảo vệ môi trường trong trường học luôn được thành phố chú trọng thông qua việc tổ chức lồng ghép giáo dục môi trường vào các môn chính khóa ở các cấp học, chỉ đạo việc tổ chức ngoại khóa chuyên đề môi trường, huy động học sinh, cán bộ, giáo viên tham gia bảo vệ môi trường ở các khu vực do địa phương, trường học, ngành giáo dục phát động.
Theo các chuyên gia, một thành phố có môi trường tốt là nơi đô thị không bị ô nhiễm, suy thoái môi trường và là nơi con người sống hài hòa với tự nhiên. Từ khái niệm đó và trên cơ sở khả năng điều kiện của mình, TP.HCM chắc chắn sẽ trở “Thành phố xanh - thân thiện môi trường” trong tương lai nếu đảm bảo các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí, quản lý tốt chất thải rắn, chú trọng không gian xanh đô thị và hướng đến phát thải carbon thấp. Theo đó, những việc làm nhỏ của người dân đang giúp thành phố TP.HCM sạch đẹp hơn mỗi ngày.