Dù khách hàng không đăng ký các dịch vụ gia tăng nhưng vẫn có nhiều tính năng được nhà mạng tự động cung cấp và trừ tiền hằng tháng.
Nhiều cảnh báo về cuộc gọi lừa đảo được cơ quan nhà nước gửi đến người dân /// Đ.N.THẠCH
Nhiều cảnh báo về cuộc gọi lừa đảo được cơ quan nhà nước gửi đến người dân
Đ.N.THẠCH
 
 

Để lại tin nhắn, dịch vụ nhạc chờ...

Gần đây, nhiều người sử dụng điện thoại di động bỗng nghe câu thông báo “để lại lời nhắn sau tiếng bíp” khi gọi cho người khác. Dịch vụ này cho phép người gọi để lại lời nhắn bằng âm thanh, và sau đó lời nhắn sẽ được chuyển thành dạng văn bản và gửi đến máy người nghe dưới dạng tin nhắn SMS. Người nhận cũng có thể gọi lên tổng đài để nghe lại lời nhắn thoại. Sau khi để lại lời nhắn thì người gọi sẽ bị tính cước thông thường. Số tiền bị trừ sẽ tương ứng với gói cước mà khách hàng đang sử dụng. Dù vậy rất nhiều người dùng di động không hay biết việc này. Chị Ngọc Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM) cuối tuần qua tình cờ đọc được thông tin của nhiều người chia sẻ về dịch vụ này mới giật mình vì thường xuyên để lại lời nhắn trên mà cứ ngỡ là được miễn phí. Nhưng giờ mới biết là nhà mạng vẫn trừ phí cho lời nhắn đó. “Sau khi tìm hiểu, tôi đã yêu cầu hủy tính năng này. Trước đây có dịch vụ thông báo cuộc gọi nhỡ - MCA - dù mình không đăng ký cũng tự động có nên dù không quá nhiều tiền cho mỗi tháng nhưng mình cũng không thích. Nếu dịch vụ nào cần thiết thì mình sẽ tự tìm hiểu để đăng ký dùng, không cần nhà mạng tự động cài sẵn”, chị Thanh chia sẻ.
Không chỉ riêng tính năng trên được cài sẵn, cô Yến (Q.1, TP.HCM) đã lớn tuổi, được con mua cho sim của Vietnamobile để sử dụng 3G với giá thấp. Dù sim này quảng bá không mất tiền thì cứ mỗi tháng cô vẫn phải nạp 50.000 đồng để duy trì. Lạ là cứ khi nạp xong kiểm tra lại thì có khi bị trừ ngay 30.000 đồng, có khi bị trừ 20.000 đồng. Gọi điện đến tổng đài hỏi nhiều lần mới biết có dịch vụ Uchat (nhắn tin nội mạng không giới hạn) và FunVoice (phát nhạc nền khi điện thoại) dù cô không đăng ký. Thử hủy theo cú pháp dịch vụ nhưng tháng sau vẫn bị trừ tiền, cô Yến phải ra cửa hàng đến lần thứ 3 mới hủy được. Với chuyện dịch vụ cài sẵn, trước đó điện thoại cô sử dụng cũng bị cài dịch vụ 2Funny (giải trí) và bị trừ tiền hằng tuần mà không hay…
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty luật Kinh Luân, cho biết bản thân ông cũng bị cài sẵn một số dịch vụ như thông báo cuộc gọi nhỡ, nhạc chờ và để lại lời nhắn sau tiếng “bip”. Tuy nhiên vì sử dụng dịch vụ trả sau nên nhà mạng không đưa chi tiết cước phí mà chỉ báo tổng cộng số tiền nên hiện tại ông cũng không biết có bị trừ tiền các dịch vụ này hay không. "Nếu là tính năng cài đặt sẵn mặc định cho khách hàng thì nhà mạng không nên tính phí. Còn với những dịch vụ giá trị gia tăng thì phải thông báo rõ kèm theo phí cụ thể. Khách hàng nào có nhu cầu sẽ đăng ký dịch vụ", ông Đức nói.

Nghe cuộc gọi mất hơn 200.000 đồng

Bên cạnh những dịch vụ, tính năng được nhà mạng âm thầm cài đặt mà người dùng bị mất tiền oan, các cuộc gọi mang tính lừa đảo âm thầm trừ cước vẫn tiếp diễn. Ngay trước lễ 2.9, anh Bích (Q.3, TP.HCM) đã bị trừ hết số tiền hơn 200.000 đồng đang có trong tài khoản điện thoại chỉ sau khi nghe một cuộc gọi từ số lạ. Vì không để ý nên thấy có điện thoại, anh Bích vẫn nghe máy, đầu dây bên kia là giọng một người nữ giả vờ hỏi thông tin về số điện thoại, người dùng... anh Bích trả lời không phải nên tắt máy. Sau khi kể lại cho người bạn nghe, người này nói anh thử kiểm tra lại số tiền trong máy thì anh Bích mới tá hỏa khi tài khoản điện thoại chỉ còn vỏn vẹn chưa tới 10.000 đồng. Sau khi xem kỹ thì đầu số thể hiện từ Uzbekistan. Lúc này anh mới nhớ chưa đầy 1 tháng trước đó, anh cũng bị một cuộc gọi có đầu số + 216 (Tunisia) nhưng không nhớ đã bị trừ hết bao nhiêu tiền.
Trên thực tế, những cuộc gọi lừa đảo phát sinh cước quốc tế có khi chỉ nhá máy hoặc có kết nối nhưng thời lượng rất ngắn. Nội dung thường yêu cầu người nghe gọi lại. Khi đó người gọi sẽ bị trừ hết tiền trong tài khoản vì cước phí rất cao. Các nhà mạng đã thống kê, người dùng có thể nhận được các cuộc gọi nhỡ từ các đầu số nước ngoài như: Modova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226)… Thực chất đây là các cuộc gọi nháy máy từ thuê bao nước ngoài, bao gồm cả cuộc gọi nháy máy từ các ứng dụng OTT nhằm mục đích lôi kéo lừa đảo khách hàng gọi lại để phát sinh cước viễn thông ngoài ý muốn. Đặc biệt các cuộc gọi này thường vào thời điểm buổi tối hoặc trong thời gian nửa đêm về sáng khi khách hàng còn ngái ngủ hoặc tưởng người thân gọi về Việt Nam có chuyện cần gấp. Ngoài ra, trên thực tế, từ những đầu số thông thường như 090xxx, 04xxx, 08xxx, kẻ xấu cũng tạo ra hàng loạt cuộc gọi nhỡ đến các thuê bao di động.
Hầu như không đề phòng trước những đầu số điện thoại trong nước đã quen thuộc nên nhiều người đã gọi lại. Khi đó, hệ thống trả lời tự động sẽ dẫn dụ họ tiếp tục kết nối đến đầu số dịch vụ 1900 với nhiều nội dung khác nhau như muốn làm quen với các bạn nữ xinh đẹp, hay chia sẻ các vấn đề tình yêu... Dù có thể hơi nghi ngờ, nhưng vì tò mò, nhiều người vẫn cố làm theo và kết quả là tiền trong tài khoản không cánh mà bay.