Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vớinăm bộ sách giáo khoa (SGK) khác nhau cùng rất nhiều sách tham khảo, sách bài tập như một ma trận khiến phụ huynh lúng túng.
Trong khi đó, một số trường lại nhập nhèm giữa sách bắt buộc, sách mang tính bổ trợ. Vì thế, nhiều gia đình đã tốn rất nhiều tiền đề mua sách vở đầu năm cho con nhưng lại không thể sử dụng hết.
Không sử dụng vở bài tập
Phản ánh đến báo chí, nhiều phụ huynh cho biết khi đi làm hồ sơ nhập học cho con, họ đều được giáo viên giới thiệu mua trọn bộ sách tại trường. Cứ nghĩ mua tại trường cho tiện nhưng khi biết được giá tiền, phụ huynh đều choáng vì mỗi bộ như thế gồm SGK, sách bài tập, bộ học cụ, tiếng Anh lên đến 700.000 đồng. Dù tốn nhiều tiền để mua nhưng một số phụ huynh cho rằng có những cuốn sách không biết để làm gì.
“Chẳng hạn cuốn Giáo dục thể chất và Hoạt động trải nghiệm. Đây là môn thực hành, nếu có cần sách vở gì đó thì chỉ có thể là sách hướng dẫn cho giáo viên chứ không phải cho trò” - chị QT, phụ huynh có con học lớp 1 băn khoăn.
Cô NH, giáo viên một trường tiểu học, cho biết hầu như trong lớp cô không sử dụng vở bài tập. Trong các vở bài tập, cuốn vở bài tập về hoạt động trải nghiệm cô thấy không có tác dụng với học sinh. “Giáo viên có thể dựa vào cuốn vở bài tập để thiết kế những hoạt động cho học sinh sao cho phù hợp. Còn học sinh thì không cần thiết, mua về bản thân các em cũng khó thực hành. Mất tiền lại không sử dụng gây nên lãng phí”.
Thực tế, một số trường tiểu học cũng không sử dụng vở bài tập trong quá trình dạy.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10 cho biết trong năm học này nhà trường lựa chọn các môn thuộc bộ sách Cánh diều và Chân trời sáng tạo.
Riêng bộ sách Cánh diều có sách giáo khoa điện tử nên thuận lợi cho phụ huynh có kỹ năng định hướng công nghệ thông tin cho các con. Hiện nay, trong các tiết dạy trường sử dụng SGK theo quy định. Về vở viết chỉ sử dụng hai quyển vở toán và tiếng Việt theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP.HCM.
Phụ huynh tìm mua sách lớp 1 cho con tại nhà sách Phan Huy Ích, quận Gò Vấp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
“Trong tiết dạy không sử dụng vở bài tập vì trong SGK cũng đã có nội dung tương tự. Những cuốn sách tham khảo và vở bài tập nếu phụ huynh có điều kiện có thể mua để con luyện tập thêm ở nhà. Những vấn đề này đều đã được giáo viên chủ nhiệm lớp 1 trao đổi kỹ với phụ huynh trong ngày tựu trường” - vị này nói thêm.
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giàu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Đức, quận 8, cho biết nhà trường cũng giới thiệu sách để phụ huynh mua sao cho giống với bộ SGK trường chọn. Tuy nhiên, khi trao đổi với phụ huynh, trường đều nói rõ phụ huynh chỉ cần mua SGK, còn sách bài tập và những tài liệu khác chỉ mang tính bổ trợ.
“Những em nào đã mua vở bài tập sẽ không phải sử dụng vở ô ly. Còn những em nào sử dụng vở ô ly sẽ không cần phải làm vở bài tập vì nó không cần thiết. Học sinh chỉ cần học kỹ trong SGK là đã có thể nắm đủ kiến thức vì khi nghiên cứu lựa chọn SGK là nghiên cứu trên sách chứ không có vở bài tập” - ông Giàu nói thêm.
Chỉ có sách giáo khoa là bắt buộc
Trưa 9-9, Sở GD&ĐT TP.HCM đã ban hành văn bản về trang bị SGK và tài liệu tham khảo trong trường tiểu học. Theo đó, SGK là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học được bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định.
Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục.
Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.
Về vấn đề này ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, cho biết theo quy định bộ SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục 2018 có tám cuốn bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách Tiếng Anh tự chọn và một môn tự chọn.
Ngoài những SGK chính thức này, những tài liệu khác đều là bổ trợ tham khảo cho học sinh, phụ huynh có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.
Đây là năm đầu tiên triển khai chương trình lớp 1 mới ở các trường nên Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn và thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu các nhà trường cần thực hiện nghiêm, đúng theo quy định.