LĐO - Gần 200 khu đất công đã bị sử dụng sai mục đích, có 110 khu đất bỏ trống. Đó là những con số đáng suy nghĩ về công tác quản lý lỏng lẻo tài sản nhà nước tại TPHCM.

Khu nhà ở số 86 Trần Đình Xu, quận 1 (TPHCM) thuộc diện thu hồi nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện và vẫn bị các hộ cá nhân chiếm giữ. Ảnh: Gia Miêu
Khu nhà ở số 86 Trần Đình Xu, quận 1 (TPHCM) thuộc diện thu hồi nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện và vẫn bị các hộ cá nhân chiếm giữ. Ảnh: Gia Miêu

Gần 300 địa điểm đất công sử dụng sai mục đích, bỏ trống

Tại buổi giám sát mới đây của HĐND TPHCM với Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), ông Võ Công Lực - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM, báo cáo từ năm 2015 đến tháng 6.2020, trong 202 khu đất được giao thu hồi, cơ quan này đã tiếp nhận 159 khu đất.

Sau đó, cơ quan này đã đấu giá thành công 8 khu đất, thu về cho ngân sách 1.743 tỉ đồng. Tuy nhiên đáng quan tâm nhất là Trung tâm Phát triển quỹ đất cũng đã khảo sát, ghi nhận hiện trạng 1.104 khu đất do 28 đơn vị là tổng công ty và công ty vốn nhà nước quản lý. Trong số này có đến 188 khu đất bị sử dụng sai mục đích như hợp tác kinh doanh, cho thuê, bố trí nhà ở và 110 khu đất bỏ trống.

Đơn cử, 8 năm qua, Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM đòi lại 1.000m2 đất ở quận 10 vì “hết thời hạn cho thuê” nhưng mãi vẫn không xong. Cụ thể, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM (thuộc Học viện Hành chính Quốc gia) tại số 10 đường 3/2, quận 10, vào năm 2001 đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng, khai thác và chuyển giao (BOT) với Công ty cổ phần Duy Tân để khai thác bổ sung nguồn thu phục vụ hoạt động sự nghiệp.

Hai bên liên kết xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ Duy Tân trên khu đất rộng 950m2, mặt tiền đường 3/2 của phân viện. Hợp đồng có thời hạn 10 năm, tuy nhiên, Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng, việc cho thuê 950m2 thuộc khuôn viên Học viện không đúng quy định của Chính phủ về quản lý tài sản Nhà nước. Khi thực hiện Quyết định 09/2007 của Thủ tướng về Sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, năm 2012 Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo 09 TPHCM yêu cầu Học viện thu hồi diện tích đất cho thuê, đảm bảo sử dụng đất trụ sở đúng quy định. Học viện sau đó nhiều lần đề nghị Công ty Duy Tân trả lại khu đất nhưng doanh nghiệp không đồng ý và đưa ra một bản hợp đồng khác có thời hạn cho thuê đất 20 năm, tức tới năm 2022.

Thậm chí, như theo báo cáo của Trung tâm phát triển quỹ đất thì có nhiều cơ sở nhà, đất đã được giao cho Trung tâm thu hồi nhưng theo quan sát thực tế thì tới nay mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Đơn cử như tại địa chỉ số 387 Trần Hưng Đạo, phường cầu Kho, quận 1 căn nhà phố này đáng lẽ bị thu hồi nhưng cho đến nay vẫn do một cơ sở kinh doanh trang sức chiếm dụng để hoạt động. Hay như khu nhà số 86 Trần Đình Xu, phường Cô Giang, quận 1 vẫn do một số hộ gia đình chiếm dụng kinh doanh bán hàng ăn uống và không chịu di dời.

Kết quả thanh tra tại hai huyện Bình Chánh và Củ Chi mới đây cho thấy, tình trạng quản lý lỏng lẻo đến không ngờ. Chẳng hạn như tại địa bàn huyện Củ Chi, qua thanh tra có 81 địa chỉ cho thuê (chủ yếu là đất nông nghiệp công ích) không thông qua đấu giá theo quy định. Trong khi đó, tại huyện Bình Chánh, có gần 400 công sản bị “bỏ quên”, nhiều mặt bằng bị cho thuê sai quy định.

Không thể quản lý kiểu “cha chung không ai khóc”

Trong thực trạng doanh nghiệp thuê đất của Nhà nước nhưng không sử dụng đúng mục đích, có không ít doanh nghiệp còn đem cho thuê lại, hưởng chênh lệch nhưng không đóng thuế, gây thất thu ngân sách. Thậm chí, nhiều khu đất chưa được quản lý bài bản, không có kế hoạch cụ thể nên cả 10 năm vẫn chưa tổ chức bán đấu giá. Đó là một sự lãng phí lớn.

Để tránh thất thoát, lãng phí, ở góc độ cơ quan quản lý, Sở TNMT TPHCM đã đưa ra giải pháp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau khi giao, cho thuê đất, đảm bảo người được giao, cho thuê đất sử dụng đúng mục đích.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Nhã Văn phòng luật DBS - đã đến lúc, việc xử nghiêm sai phạm, thu hồi tài sản công không thể chỉ là những ngôn từ “uyển chuyển” trong văn bản hành chính. Trong khi việc sử dụng nguồn đất công đang rất lãng phí thì theo thống kê từ các cơ quan chức năng, cứ 5 năm dân số TPHCM tăng cơ học thêm 1 triệu người, cộng với nhu cầu về “đất sạch” để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư nên việc sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đang trở nên cấp thiết đối với thành phố hơn bao giờ hết. Do đó, chính quyền thành phố cần cương quyết hơn nữa trong việc thu hồi các địa chỉ đất công khai thác lãng phí và để bán đấu giá. Nếu giải quyết được nguồn đất công sử dụng sai mục đích, bỏ trống gây lãng phí hiện nay thì không những TPHCM sẽ thu về nguồn ngân sách, mà quỹ nhà hợp pháp còn tăng lên...