8 nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM trong 6 tháng cuối năm 2020
(PLO)- TP.HCM đã huy động cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng lòng, chung sức của các tầng lớp nhân dân quyết tâm thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép”.

Sáng 2-7, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng đại dịch COVID-19 đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều quốc gia và thành phố trên thế giới đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm.

Nỗ lực cao nhất để thực hiện "nhiệm vụ kép"

Trong bối cảnh đó, TP.HCM đã huy động cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng lòng, chung sức của các tầng lớp nhân dân quyết tâm thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép”: Vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh.

8 nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM trong 6 tháng cuối năm 2020 - ảnh 1
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: Trung tâm báo chí

Ông Phong cho biết TP đã hỗ trợ hơn 510 nghìn đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch (đạt hơn 94% kế hoạch), với tổng số tiền hơn 500 tỉ đồng. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động để vực dậy nền kinh tế. Với những quyết tâm, nỗ lực của TP, tình hình kinh tế- xã hội quý II có sự chuyển biến tốt hơn so với quý I. Về quy mô, TP vẫn đóng góp vào GDP của cả nước trên 25% và 27% tổng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm…

Ông Phong cho hay nhiều khu vực, ngành kinh tế của TP có mức tăng trưởng thấp hoặc sụt giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, ngành lưu trú, ăn uống giảm gần 50%; du lịch, lữ hành giảm hơn 70%. Doanh nghiệp (DN) trong nước gặp nhiều khó khăn, trong đó hơn 2.500 DN giải thể, hơn 8.000 DN ngừng hoạt động…

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch TP.HCM đánh giá vẫn có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Đáng chú ý, khối lượng giải ngân các dự án trên thực tế đạt hơn 18 nghìn tỉ đồng (đạt 43% kế hoạch vốn, gấp 4 lần về mặt giá trị tuyệt đối, gấp hơn 3 lần về tỷ lệ so với cùng kỳ). Nhiều ngành dịch vụ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao như dịch vụ y tế, tài chính ngân hàng; có gần 18.500 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 250 nghìn tỉ đồng; FDI thu hút hơn 2 tỉ USD…

“Những kết quả trên là tiền đề quan trọng cho sự phục hồi kinh tế trong giai đoạn bình thường mới”, ông Phong nói.

Chủ tịch TP.HCM cũng nhắc hôm nay tròn 44 năm, TP Sài Gòn- Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Với vai trò là một đô thị đặc biệt, một trung tâm nhiều mặt của cả nước, TP xác định phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm nhiều hơn, bởi sự chậm lại của TP sẽ tác động trực tiếp đến kết quả tăng trưởng chung của cả nước”, ông Phong nói.

 

Trên tinh thần đó, ông Phong cho biết cả hệ thống chính trị và nhân dân TP sẽ vào cuộc với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, phấn đấu đi đầu thực hiện “nhiệm vụ kép” với nỗ lực cao nhất, quyết tâm cao nhất, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn, đánh giá đúng hạn chế, yếu kém để thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để làm tốt hơn trong thời gian tới.

8 nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020

Chủ tịch TP.HCM sau đó nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, kiên trì theo đuổi, thực hiện “nhiệm vụ kép”, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh COVID-19 được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp. Cả hệ thống chính trị và nhân dân TP vào cuộc không chỉ để khống chế, đẩy lùi dịch bệnh mà mục tiêu quan trọng là giữ vững phát triển kinh tế, hạn chế thấp nhất tác động của dịch bệnh đến các hoạt động của xã hội.

Thứ hai, tập trung tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 11, hoàn thành nội dung phục vụ Đại hội. Trong đó trọng tâm là Đề án điều chỉnh tỷ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; Đề án không tổ chức HĐND quận, phường; Đề án thành lập thành phố phía Đông; Sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP… 

Thứ ba, triển khai thực hiện có hiệu quả kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Chính phủ nhằm khắc phục tác động của đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế…

 

Thứ tư, tiếp tục triển khai chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hoá và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”; xây dựng, đầu tư, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hoá TP; xây dựng các công trình văn hoá như nhà hát giao hưởng vũ kịch, rạp xiếc…

Thứ năm, triển khai chương trình chuyển đổi số của TP giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030. Tận dụng cơ hội Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu để tăng cường lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ phần mềm và nội dung số, cũng như các lĩnh vực TP có thể mạnh… Đồng thời, triển khai giải pháp khôi phục phát triển ngành du lịch, trước mắt là tập trung phát triển thị trường nội địa, lâu dài là thị trường quốc tế khi tiến hành mở lại đường bay với các nước.

Thứ sáu, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xem việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020. TP tổ chức họp 2 tuần/lần để rà soát công tác giải ngân đầu tư công, phấn đấu đến hết tháng 10-2020, tỷ lệ giải ngân phải đạt trên 80% kế hoạch. Cạnh đó, tập trung thực hiện các dự án, khởi công mới các dự án hoàn thành để chào mừng ĐH Đảng bộ TP theo đúng tiến độ đề ra.

Triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất.

Thứ bảy, đẩy nhanh tiến độ triển khai các bước lập quy hoạch kinh tế- xã hội TP thời kỳ 2021-2030, quy hoạch chung xây dựng TP; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành- Suối Tiên; bàn giao mặt bằng chuẩn bị khởi công tuyến đường sắt số 2 Bến Thành- Tham Lương

Thứ tám, tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai các nội dung theo kế hoạch của UBND TP về thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu công nghệ cao. Đồng thời, tham mưu cho Thành uỷ sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề về tiếp tục đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm.

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng 2 vấn đề

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo hai nội dung.

Cụ thể, điều 89 Luật Đầu tư công quy định tổng số vốn đầu tư còn lại của các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp qua giai đoạn 2021-2025 không vượt quá 20%. Quy định này gây rất nhiều khó khăn cho các địa phương.

Ông Phong kiến nghị Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. Theo đó, quy định theo điều 89 sẽ bắt đầu áp dụng đối với kỳ trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Cạnh đó, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&ĐT sớm có thông báo tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để TP cùng các địa phương có thể triển khai thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của Luật Đầu tư công.