Bằng cấp giả ngày càng tràn lan, đến ngay cả bằng bác sĩ, dược sĩ, vốn liên quan đến tính mạng con người cũng dễ dàng mua được.
Có thể hạn chế bằng cấp giả bằng việc số hóa bằng cấp để công khai thông tin
ĐÀO NGỌC THẠCH
Việc áp dụng công nghệ để cấp và quản lý bằng tốt nghiệp là cách hữu hiệu để ngăn bằng giả.
Tra cứu thông tin bằng tốt nghiệp trực tuyến
Loạt bài của Báo Thanh Niên vừa qua đã chứng minh thực trạng công khai làm giả bằng bác sĩ, dược sĩ, “loạn” cho thuê chứng chỉ hành nghề y dược. Trước đó, những đường dây làm bằng giả tất cả bằng cấp đại học ngành nghề khác cũng liên tục bị cơ quan công an “bóc gỡ”.
Trước nay, cách thức phổ biến nhất để xác thực văn bằng, chứng chỉ của các đơn vị tuyển dụng là gửi văn bản xác minh tới cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, việc cho phép tra cứu dữ liệu trực tuyến từ chính website các trường đang ngày càng phổ biến. Nhà tuyển dụng chỉ cần truy cập vào website chính thức của trường, nhập từ khóa theo yêu cầu mục tra cứu sẽ dễ dàng tìm được thông tin người học.
Trên website của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, người tra cứu chỉ cần chọn loại văn bằng, số hiệu văn bằng hoặc họ tên đầy đủ của SV sẽ cho ra thông tin chi tiết gồm cả nơi sinh, quyết định công nhận tốt nghiệp, số vào sổ cấp bằng, tình trạng và thời gian đã nhận bằng và cả ghi chú thông tin người thực hiện nhập dữ liệu. Hiện tại, hệ thống dữ liệu của trường này đang có sẵn thông tin người học từ năm 2001 đến nay - thời điểm trường ĐH này chính thức thành lập.
Tại website Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, để tra cứu văn bằng, SV cần nhập đầy đủ các thông tin gồm: mã số SV, họ tên, ngày sinh và số hiệu văn bằng.
Văn bằng tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược TP.HCM thường xuyên bị làm giả, đặc biệt là bằng bác sĩ đa khoa. PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo trường này, cho biết trên website trường có mục tra cứu văn bằng, với dữ liệu người học khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, ông Khôi cho biết các đơn vị tuyển dụng vẫn chủ yếu gửi văn bản xác minh trực tiếp tới trường.
Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, đồng sáng lập Isobar Việt Nam, cho rằng một số nước, website trường ĐH đều có công khai thông tin của cựu sinh viên ở mức độ cho phép, trừ thông tin cá nhân như ngày sinh, nơi sinh...
Về vấn đề này, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết thông tin của cựu sinh viên nhà trường gần như đã được số hóa nhưng liên quan đến thông tin cá nhân nên vẫn chưa cho tìm kiếm công khai trên website. Tuy nhiên, trường luôn phối hợp rất nhanh chóng khi có yêu cầu xác minh từ các đơn vị sử dụng lao động.
Theo PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tại trường trong năm qua, sau khi rà soát và gửi công văn xin xác nhận bảng điểm gốc từ các cơ sở đào tạo cũng đã phát hiện vài chứng chỉ ngoại ngữ làm giả của ứng viên để nộp vào trường. Từ nhiều năm nay, trường chủ trương cho hậu kiểm tất cả bằng cấp của những thí sinh đủ điểm đậu vào của cả bậc ĐH và sau ĐH nên đã hạn chế được vấn đề này.
Ứng dụng công nghệ blockchain trên văn bằng
Một số trường ĐH đang triển khai cấp bằng tốt nghiệp ứng dụng công nghệ blockchain, người dùng có thể quét mã QR cho ra đường dẫn xác thực văn bằng. Blockchain (hay còn gọi chuỗi khối) là một công nghệ mới phát triển mạnh mẽ trong khoảng 10 năm gần đây, vận hành theo nguyên tắc phân cấp lưu trữ thông tin theo khối. Các khối thông tin trong mạng lưới được mã hóa, gán nhãn thời gian và xâu chuỗi chặt chẽ với nhau, khiến dữ liệu một khi đã được chấp nhận sẽ không thể thay đổi. Ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục, văn bằng tốt nghiệp cấp phát theo công nghệ chuỗi khối sẽ đảm bảo tính xác thực, duy nhất và an toàn. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, đối chiếu và xác nhận văn bằng một cách nhanh chóng qua mạng internet.
Theo một chuyên gia blockchain, khi ứng dụng công nghệ này, bằng cấp không thể làm giả. Nếu trên văn bằng giả chứa thông tin sai, hệ thống sẽ xác nhận không tồn tại, hoặc hiển thị thông tin của văn bằng có trùng mã trên hệ thống và do đó có thể lập tức xác thực thông tin về văn bằng.