Tính đến thời điểm này, ngành BHXH đang cung cấp 19/27 dịch vụ công (DVC) trực tuyến, tiếp nhận và giải quyết 52,7 triệu hồ sơ giao dịch điện tử của hơn 500.000 đơn vị sử dụng lao động và hơn 7.000 cá nhân.
BHXH Việt Nam đang triển khai nhiều dịch vụ tiện ích trên Cổng dịch vụ công Quốc gia  /// Ảnh: H.Bình
BHXH Việt Nam đang triển khai nhiều dịch vụ tiện ích trên Cổng dịch vụ công Quốc gia
ẢNH: H.BÌNH
 

Mở rộng cung cấp dịch vụ công

Nhằm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ điện tử, trong thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hiện đại hóa nền hành chính, hướng tới Chính phủ điện tử trong lĩnh vực BHXH.
Trong đó, BHXH Việt Nam đã chủ động rà soát, đơn giản hóa các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành để tích hợp, mở rộng cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia và Cổng DVC của ngành nhằm nâng cao chất lượng công tác phục vụ, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Tính đến nay đã có 15 DVC của ngành BHXH, DVC liên thông với các Bộ, ngành được cung cấp trên Cổng DVC Quốc gia. Trong đó, có 3 DVC nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, gồm các dịch vụ: tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.
Với việc cung cấp các DVC trên Cổng DVC Quốc gia của các Bộ, ngành, địa phương nói chung và các DVC của BHXH Việt Nam nói riêng đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, người dân, doanh nghiệp chỉ cần có một tài khoản duy nhất trên Cổng DVC Quốc gia là có thể thực hiện tất cả các DVC của các Bộ, ngành, địa phương; tra cứu thông tin, DVC các ngành, lĩnh vực, các địa phương tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; gửi phản ánh kiến nghị liên quan đến việc giải quyết TTHC, DVC;
Các DVC cung cấp trên Cổng DVC Quốc gia đa phần là các DVC mức độ 4 (người dân và doanh nghiệp gửi hồ sơ trực tuyến, nhận kết quả trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích, không cần phải đi lại để gửi/nhận hồ sơ) nên giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người thực hiện DVC cũng như cơ quan cung ứng DVC.
Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng tài khoản của các ngân hàng, trung gian thanh toán để thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện TTHC, DVC; đồng thời theo dõi toàn bộ quá trình giải quyết TTHC và xử lý phản ánh kiến nghị của mình bằng cách cung cấp mã hồ sơ, kể cả mã hồ sơ TTHC không thực hiện qua Cổng DVC Quốc gia, Cổng DVC của Bộ, ngành, địa phương...
Tính đến ngày 31.8, thông qua Cổng DVC quốc gia, ngành BHXH đã tiếp nhận và giải quyết gần 3.500 hồ sơ của người dân và doanh nghiệp. Trong đó, một số DVC có tần suất thực hiện lớn như: cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất là 1.499 trường hợp; thanh toán trực tuyến (như gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; đóng tiếp BHXH tự nguyện) 925 trường hợp; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là 838 hồ sơ.

Nỗ lực cung cấp ngày càng nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp

Để tạo thuận lợi cho người dân, giúp giảm thời gian và chi phí khi thực hiện DVC về BHXH, BHYT, ngành BHXH đã và đang tiếp tục cung cấp các DVC trực tuyến trên Cổng DVC của ngành tại địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn
Tại đây, người dân có thể thực hiện các DVC cơ bản như: cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất; giải quyết hưởng BHXH một lần; giải quyết hưởng trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng ra nước ngoài để định cư; giải quyết hưởng chế độ tử tuất; giải quyết hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đối với người chấp hành xong hình phạt tù, người xuất cảnh trái phép trở về nước định cư hợp pháp, người được Tòa án hủy quyết định tuyên bố mất tích…
Hiện Cổng DVC của BHXH Việt Nam đang cung cấp 19/27 DVC trực tuyến mức độ 3, 4. Tính từ đầu năm 2020 đến ngày 31.8, toàn ngành đã tiếp nhận và giải quyết 52,7 triệu hồ sơ giao dịch điện tử của hơn 500.000 đơn vị sử dụng lao động và hơn 7.000 cá nhân.
Cùng với việc triển khai cung cấp các DVC trực tuyến, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giao dịch không dùng tiền mặt, ngành BHXH đã xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thu nộp, chi trả BHXH điện tử liên thông với các phần mềm nghiệp vụ để thực hiện hạch toán tự động.
Ước tính đến hết 6.2020, số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản ATM tại các vùng đô thị bình quân trên toàn quốc đạt 28% trên tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH (tăng 4% so với kết quả đạt được năm 2019). Số người hưởng các chế độ BHXH một lần qua tài khoản ATM tại các vùng đô thị bình quân trên toàn quốc đạt 44% trên tổng số người hưởng các chế độ BHXH một lần (tăng 7% so với kết quả đạt được năm 2019).Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ATM tại các vùng đô thị bình quân trên toàn quốc đạt 69% trên tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 16% so với kết quả đạt được năm 2019).
Theo báo cáo của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, trong kỳ chi trả tháng 8.2020, cơ quan Bưu điện đã thực hiện chi trả cho khoảng gần 3,2 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng với tổng số tiền khoảng 14.055 tỉ đồng, trong đó chi qua tài khoản cá nhân ATM cho khoảng 730.000 người với số tiền khoảng 4.125 tỉ đồng.
Với những nỗ lực không ngừng, liên tiếp trong 3 năm 2017, 2018, 2019, BHXH Việt Nam đã giữ vững vị trí đứng đầu trong Bảng xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT trong khối các cơ quan thuộc Chính phủ. Trong thời gian tới, ngành BHXH tiếp tục nỗ lực cung cấp ngày càng nhiều các tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH.