Chiều 11-9, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đã chủ trì phiên họp của Tiểu ban, cho ý kiến về việc tiếp thu, hoàn chỉnh các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Cùng tham dự phiên họp có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tại phiên họp, các thành viên Tiểu ban Văn kiện đã cho ý kiến về kết cấu, nội dung cốt lõi của các dự thảo, về chủ đề của Đại hội XIII; đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII; dự báo tình hình, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn năm 2045; các đột phá chiến lược và định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển các lĩnh vực...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng - phát biểu kết luận cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN
Kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện hoan nghênh những nỗ lực, cố gắng của Tổ Biên tập, trong thời gian ngắn hoàn thành khối lượng lớn công việc, bổ sung hoàn thiện dự thảo văn kiện trên cơ sở nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu nhiều ý kiến phong phú trên các lĩnh vực, trên phạm vi cả nước. Đồng thời mong các thành viên Tiểu ban Văn kiện tiếp tục có nhiều ý kiến đóng góp hoàn thiện các dự thảo văn kiện, trình Hội nghị Trung ương sắp tới, tiếp đến công bố để toàn dân đóng góp ý kiến, Quốc hội cho ý kiến, sau đó Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Đại hội XIII của Đảng.
Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh Văn kiện Đại hội là văn kiện rất quan trọng, không phải là nghị quyết bình thường mà là văn kiện 5 năm mới có một lần, vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn, tính chính trị, rất cơ bản, còn lưu mãi trong lịch sử. Ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nhà lý luận, các tầng lớp nhân dân... sẽ còn nhiều nên phải chắt lọc, tìm tiếng nói chung để ra đại hội biểu quyết thông qua, lúc này mới thành văn kiện chính thức.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Tổ Biên tập nâng cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn kiện, từng câu, từng chữ chuẩn xác kỹ lưỡng. Văn kiện phải mang tầm chiến lược, tính lý luận, tính chính trị rất cao, đồng thời phải có tính quần chúng, ai đọc cũng hiểu; học cách của Bác Hồ, càng viết giản dị càng tốt, tránh đưa quá nhiều thuật ngữ; cần chú thích rõ nội hàm, viết dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm tra.