LĐO - Đây là một câu hỏi lớn đối với các hãng tin hay báo chí online. Đặc biệt, trong bối cảnh ngay sau khi chính quyền Australia dự kiến thông qua luật buộc các nền tảng công nghệ như Google và Facebook phải trả phí tin tức, Facebook đã tức thì dọa ngược lại: Cấm người dùng chia sẻ các đường link tin tức trên nền tảng này.
Qua sông lụy đò
Theo nhà báo chuyên về công nghệ Phạm Hồng Phước, ngày nay các hãng tin, báo chí online, những trang thông tin điện tử và thậm chí cả doanh nghiệp, các nền tảng bán hàng trực tuyến... phải lụy vào những nền tảng công nghệ xuyên biên giới như Google, Facebook khá nhiều. Mạng xã hội như thể đang định ra một con đường: Muốn được việc, hiệu quả trong việc kết nối kiếm views, bán hàng... thì các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải lập fanpage để đẩy thông tin trong đó có các đường link nhằm chia sẻ link thông tin và hình ảnh lên các trang mạng xã hội của nhóm, mở kênh YouTube, đẩy mạnh việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) để tăng lượng tiếp cận, thu hút thêm lượt đọc...
Nói là lụy Facebook hay Google cũng chỉ là đề cập đến cái tên. Về bản chất, những cái tên ấy dùng để định danh những nền tảng công nghệ. Với Google đó là nền tảng tìm kiếm số 1 thế giới mà hàng tỉ người dùng lên đó tìm kiếm thông tin, trong đó tìm đọc tin tức hay các thông tin chỉ dẫn vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất. Còn Facebook hiện đang là mạng xã hội toàn cầu số 1 vô đối, với sức mạnh kết nối và chia sẻ thông tin được lan tỏa nhanh chóng. Trên thực tế, các hãng tin, báo chí, doanh nghiệp... có thể còn lụy nhiều nền tảng khác nhưng hiện nay Google và Facebook vẫn là những thế lực chưa đối thủ nào cạnh tranh lại được. Thậm chí, mỗi lần Google thay đổi về thuật toán tìm kiếm hay Facebook thắt chặt một số chính sách về chia sẻ link, giới hạn lượng tiếp cận, thì cũng đã dễ dàng khiến cho nhiều tờ báo, trang tin online gặp khó khăn.
Hệ lụy... nếu không chịu lụy
Chuyên gia bảo mật Võ Đỗ Thắng cho rằng, trong vấn đề này Facebook đang nắm cuộc chơi. “Nếu ép Facebook quá họ không cho share link trên nền tảng của mình nữa để tránh rủi ro pháp lí thì báo chí, các hãng tin và thậm chí những đơn vị truyền thông chuyên làm dịch vụ cày views, chạy views cho khách hàng chịu thiệt đầu tiên và thiệt nặng hơn. Facebook cũng thiệt nhưng sẽ không đáng kể. Vì việc đọc tin tức qua Facebook cũng chỉ là một mảng dịch vụ nhỏ trên nền tảng này”, ông Thắng nói.
Trong khi đó, theo ông Vũ Thanh Long - một chuyên gia trong lĩnh vực ứng dụng di động và hiện là giám đốc ứng dụng chăm sóc sức khỏe eDoctor - Facebook đang nắm quyền lực lớn vì mang lại lượng trafic (lưu lượng truy cập) lớn mà không nền tảng mạng xã hội nào sánh bằng. Chính vì thế, Facebook dễ nắm đằng chuôi trong các thỏa thuận, đàm phán với nhiều bên, từ các đại lý quảng cáo, doanh nghiệp khách hàng, những nhà phát triển và sáng tạo nội dung cho đến người dùng mạng xã hội.
Việc lụy vào các nền tảng như Google, Facebook không phải chỉ thuần túy là sử dụng nền tảng của họ làm phương tiện phục vụ cho công việc của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mà cụ thể là giúp cho các hãng tin, cơ quan báo chí lan tỏa rộng sản phẩm tin tức, bài viết của mình. Hơn thế nữa, người dùng còn phải theo luật chơi của Facebook và Google đặt ra. Trên thực tế từng xảy ra rất nhiều trường hợp tài khoản của không ít Facebooker, YouTuber khá nổi tiếng với lượng theo dõi lớn và mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ khi bị Facebook và YouTube khóa kênh thì chỉ còn biết kêu trời với thiệt hại về nguồn thu lên đến hàng tỉ đồng, thậm chí còn bị đền hợp đồng do ngưng thực hiện giữa chừng.
Nhà báo công nghệ Phạm Hồng Phước cho rằng, đó là mới chỉ có Facebook đưa ra lời dọa cấm chia sẻ link. Nếu cả Google cũng chặn việc thu thập dữ liệu đối với các URL (đường dẫn) tin tức thì các trang tin và báo online sẽ mất thêm một nguồn views quan trọng nữa, và tổn thất về lượng views từ công cụ tìm kiếm sẽ rất lớn. Tuy nhiên, khác với trường hợp Facebook nếu cấm chia sẻ link thì nền tảng mạng xã hội này bị thiệt không quá nhiều, còn Google Search nếu không thu thập dữ liệu đối với các URL tin tức thì cũng mất đi một lượng lượt tìm kiếm thông tin khổng lồ từ người dùng Internet.
Thoát các “ông lớn” Google, Facebook được không?
Thế giới Internet tới năm 2020 này, 3 nền tảng công nghệ Google Search, YouTube và Facebook vẫn đang thịnh hành và chưa thấy ló dạng bất cứ một nền tảng nào khác đủ sức thay thế. Một TikTok vừa mới tạo được trào lưu trong giới trẻ toàn cầu đã nhanh chóng gặp đá tảng là lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Trump khiến cho YouTube, Facebook được hưởng lợi khi củng cố thêm được vị thế. Trong những năm qua, Facebook cũng liên tục làm các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) để thôn tính các đối thủ như Instagram và WhatsApp, qua đó triệt tiêu mầm mống cạnh tranh trên thị trường. Facebook và Google càng củng cố vị thế độc quyền trên thị trường thì người dùng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, đối tác, khách hàng... muốn thoát khỏi nền tảng của hai “ông lớn” này càng không dễ.
Trong cuộc đấu giữa giới báo chí, truyền thông với Facebook và Google hiện nay về phí tin tức mà thực chất là một loại phí bản quyền, liệu các hãng tin và báo chí online có thể thoát được hai “ông lớn” công nghệ này mà vẫn kiếm được views hay không vẫn là câu hỏi không dễ trả lời. Theo ông Vũ Thanh Long, những nền tảng thay thế không phải là không có, như các mạng xã hội khác trong đó gồm mạng xã hội nội địa, các ứng dụng đọc tin tức hoặc thậm chí có thể xây dựng một ứng dụng đọc tin tức phổ biến nhất. Song vấn đề là liệu có bao nhiêu người dùng và có bù đắp được cho lượng trafic bị mất từ nguồn Facebook và Google hay không. Mặt khác, để hình thành các kênh phân phối hay thậm chí là cả một hệ sinh thái phân phối tin tức tránh phụ thuộc Google và Facebook, cần có sự đồng lòng và hợp tác tích cực, cần có một tổ chức hạt nhân kết nối và cũng để dàn xếp các thỏa thuận trong mối quan hệ khá phức tạp vì có nhiều lợi ích riêng lẻ, cục bộ, trong đó có vấn đề bản quyền của mỗi bên.
Dưới góc nhìn của ông Võ Đỗ Thắng, mạng xã hội nội địa hiện chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút lượng người dùng lớn như Facebook. Còn phương án xây dựng ứng dụng đọc báo chung có tính quốc gia, thì vấn đề là ai đứng ra để quy tụ nguồn lực và xây dựng, và vấn đề khó hơn là chi phí thu hút người dùng ứng dụng và thực sự đọc tin tức trên ứng dụng cũng không phải là ít. Theo ông Thắng, thị trường Trung Quốc thoát Facebook và Google được và hình thành được hệ sinh thái phân phối tin tức riêng là vì Facebook, Google bị cấm tại đại lục, từ đó họ thuận lợi xây dựng hệ thống phân phối tin tức online và thu hút người đọc.