TTO - Mặc dù các sàn thương mại điện tử khẳng định đã áp dụng nhiều giải pháp sàng lọc hàng gian, hàng giả với mục tiêu chỉ "bán hàng chính hãng đến người dùng", nhưng kênh bán hàng này đang tồn tại nhiều lỗ hổng, tạo điều kiện cho kẻ gian hoạt động.

Chặn hàng giả trên chợ mạng, được không? - Ảnh 1.

Một lô hàng mỹ phẩm giả bị cơ quan chức năng bắt giữ. Toàn bộ sản phẩm này được chào bán trên sàn thương mại điện tử - Ảnh: M.T.

Dù doanh số giao dịch trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tăng nhanh thời gian qua, nhất là trong mùa dịch Covid-19, nhưng người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin với hoạt động mua bán online do tình trạng kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng có xu hướng ngày càng tăng.

Hàng giả tràn lan trên chợ mạng

Chỉ cần lướt trên nhiều sàn TMĐT, người dùng dễ dàng tìm thấy những chai nước hoa hiệu C. giá 300.000 đồng, son môi D. giá 200.000 đồng, giày N. giá 150.000 đồng trong khi vào cửa hàng chính hãng, giá các mặt hàng này lên đến vài triệu đồng. 

Trên các sàn TMĐT phổ biến hiện nay như Sendo, Lazada, Shopee... người dùng không khó tìm thấy hàng giả, hàng nhái hoặc những lời rao một đằng bán một nẻo của các shop.

Có nhu cầu trang bị thêm camera an ninh cho gia đình, anh Văn Trung (Q.Gò Vấp, TP.HCM) tìm kiếm trên các sàn TMĐT và được chào mời mua mẫu camera Yoosee chỉ có giá vài chục ngàn đồng, được tặng thêm thẻ nhớ đến 32GB. 

Do từng mua và sử dụng 4 chiếc camera cùng mẫu của hãng này với giá từ 250.000-500.000 đồng, anh Trung cảm thấy "ngờ ngợ".

Tuy nhiên, do nghĩ rằng có thể đang có chương trình siêu khuyến mãi nhân ngày 9-9, nhà cung cấp đưa ra mức giá đặc biệt nên anh Trung quyết định đặt mua và sau đó mới hối hận. 

"Sau khi đặt mua, khi nhận hàng tôi chỉ được mỗi chiếc thẻ nhớ, còn camera không thấy đâu. Tôi phản ảnh lại với sàn TMĐT lẫn người bán nhưng không thấy "tăm hơi" họ đâu" - anh Trung thuật lại vụ việc.

Trên thực tế, nhiều sàn TMĐT cho biết đều thiết lập không gian thương mại riêng, nơi chỉ dành cho hàng chính hãng, hàng có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng. 

Tuy nhiên, các không gian đó vẫn "quá nhỏ" so với nhu cầu của thị trường, dẫn đến tình trạng hàng kém chất lượng vẫn được rao bán tràn lan trên sàn.

Chỉ trong quý 1-2020, khi TMĐT bắt đầu bùng nổ vì ảnh hưởng dịch COVID-19, qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng đã yêu cầu các sàn TMĐT như: Sendo.vn, Shopee.vn, Chotot.com, Lazada.vn, Tiki.vn... xử lý khoảng 16.200 gian hàng và 32.880 sản phẩm vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng.

Theo Sách trắng của Cục TMĐT, trở ngại lớn nhất của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến chính là sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo. Có đến 71% người tham gia khảo sát cùng có lo lắng này, chủ yếu là lo ngại "tiền mất tật mang" do mua phải hàng gian, hàng giả.

Sợ mua phải hàng giả

Ông Nguyễn Ngọc Đạt, giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng Di động Việt, cho rằng với sự phát triển mạnh mẽ của các sàn TMĐT, người tiêu dùng mua sắm dễ dàng và thuận tiện hơn, nhất là những sản phẩm có giá trị thấp. 

Nhưng cũng chính việc này đã tạo nên một làn sóng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường online. Trong khi đó, việc đổi trả hàng hay phản ảnh của nạn nhân chỉ được thông qua sàn, người bán không cần quan tâm đến khách, không ai bảo vệ người tiêu dùng rõ ràng giữa sàn TMĐT và người bán.

"Hàng hóa trên các sàn không được các sàn kiểm định chất lượng, người bán mặc sức đăng một đằng bán một ngã. Chính vì những kẽ hở này, thiệt thòi cuối cùng thường khách hàng là người phải gánh chịu. Bản thân tôi cũng từng gặp oái oăm khi mua hàng online, lúc nhận hàng xong mới biết mình mua trúng hàng giả" - ông Đạt nói.

Theo ghi nhận thực tế số liệu trên các sàn, doanh thu của các sản phẩm có giá trị cao, nhất là các mặt hàng điện tử, đều có xu hướng giảm mạnh thời gian gần đây. Còn các mặt hàng giá trị thấp vẫn có giao dịch. Chính điều này dẫn đến tâm lý người mua hàng trên mạng chỉ chọn mua những món có giá trị thấp.

Chẳng hạn, doanh thu những sản phẩm điện tử đều giảm mạnh trên các sàn TMĐT trong 2 năm trở lại đây, do người dùng không còn yên tâm khi mua sắm hàng giá trị cao trên các sàn. Nếu muốn mua hàng điện tử giá trị cao, người tiêu dùng vẫn chọn địa chỉ uy tín nhằm bảo đảm chất lượng và được hưởng chính sách hậu mãi.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), để ngăn chặn nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, cần khuyến khích thanh toán online khi mua hàng qua sàn TMĐT do các giao dịch này sẽ được chủ sàn quản lý. Ngoài ra, phải tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch TMĐT, thay vì buông lỏng như thời gian qua.

Chặn hàng giả trên chợ mạng, được không? - Ảnh 2.

Rủi ro về chất lượng hàng hóa luôn rình rập những người mua hàng qua mạng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều giải pháp ngăn chặn, vẫn còn lỗ hổng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều sàn TMĐT khẳng định chỉ chấp nhận cho lên sàn những sản phẩm được cung cấp bởi người bán hoặc nhà phân phối được ủy quyền, hoặc phải có giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm. Thậm chí có sàn TMĐT như Tiki cam kết đền bù 111% giá trị nếu khách hàng mua phải hàng vi phạm, sao chép bản quyền.

Để sàng lọc hàng giả, hàng gian bán trên sàn, đại diện Tiki cho biết ngoài yêu cầu sản phẩm được cung cấp bởi người bán được ủy quyền hoặc có giấy tờ chứng nhận hợp lệ, đơn vị này còn tổ chức kiểm tra hàng hóa tại kho. 

Sàn này cũng kiểm tra chặt chẽ khi nhận sản phẩm từ nhà cung cấp, đồng thời áp dụng các chế tài nghiêm khắc đối với những nhà bán hàng có dấu hiệu gian lận.

"Trong cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả, các phản hồi từ khách hàng cực kỳ hữu ích trong việc giúp sàn kịp thời nhận biết và giảm thiểu các sản phẩm không đạt chất lượng. Căn cứ trên phản hồi, nếu sản phẩm có tỉ lệ đổi trả hàng cao sẽ không được tiếp tục bán tại sàn TMĐT này" - vị này cho biết.

Để sàng lọc hàng gian, sàn Shopee cho biết đã lập danh sách từ khóa, được bộ phận kiểm duyệt của sàn cập nhật thường xuyên thông qua công tác kiểm tra, giám sát hoặc xử lý ngay khi phát sinh các vụ việc có liên quan. 

Theo đó, khi đăng bán sản phẩm nằm trong danh sách từ khóa này, người bán sẽ bị nhắc nhở nếu vi phạm lần đầu và khóa ngay tài khoản nếu tái phạm. Các trường hợp cố tình vi phạm, nhân sự kiểm duyệt của công ty sẽ cương quyết gỡ bỏ các nội dung và sản phẩm vi phạm.

"Chúng tôi cũng có áp dụng hệ thống Sao Quả Tạ (hệ thống điểm phạt để đánh giá hiệu quả hoạt động của từng shop). 

Shop càng có nhiều điểm phạt càng ít được hưởng hỗ trợ. Mức phạt cao nhất của hệ thống Sao Quả Tạ là tạm khóa tài khoản bán hàng trong 28 ngày. Việc đăng bán các sản phẩm cấm, đăng bán hàng giả/nhái... sẽ bị phạt 1 điểm cho mỗi hành vi vi phạm" - vị này cho biết.

Theo các sàn TMĐT, tùy từng trường hợp, sàn sẽ có các mức độ xử lý khác nhau đối với những vi phạm của nhà bán hàng, từ cảnh cáo cho đến khóa tài khoản vĩnh viễn. 

Tuy nhiên, nhiều sàn TMĐT thừa nhận vẫn chưa ngăn chặn hết tình trạng rao bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trên các sàn do những lỗ hổng nhất định, trong khi chính sách chế tài thời gian qua chưa đủ mạnh.

Vi phạm nhiều lần sẽ đình chỉ hoạt động

Theo nghị định 98 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Chính phủ ban hành, những trường hợp cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường Internet sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng với cá nhân vi phạm.

Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện, mức phạt tiền sẽ cao hơn.

Ngoài ra, tùy nội dung từng hành vi có thể áp dụng tình tiết tăng nặng hoặc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thu hồi tên miền ".vn" hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Theo Cục TMĐT (Bộ Công thương), các quy định mới với mức chế tài cao hơn nhằm buộc các sàn TMĐT có giải pháp đảm bảo chỉ "bán hàng chính hãng đến người dùng".

 
NHƯ BÌNH - ĐỨC THIỆN