QĐND - Do những căng thẳng thương mại trên thế giới và Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới chất lượng cao nên hiện tượng hàng ngoại đội lốt hàng Việt Nam xuất hiện nhiều hơn, nhằm tăng lượng tiêu thụ ở nước ta và xuất khẩu được sang một số quốc gia, khu vực dành nhiều ưu đãi cho hàng Việt Nam. Nếu không quyết liệt ngăn chặn thì việc này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của hàng Việt Nam.

Nhiều thủ đoạn tinh vi 

Một doanh nghiệp được cấp C/O (giấy chứng nhận xuất xứ của hàng hóa) xuất xứ hàng Việt Nam với mặt hàng gỗ ván ép làm thủ tục hải quan để xuất khẩu. Trong hồ sơ có đầy đủ hóa đơn bán hàng của một lâm trường, có xác nhận kèm dấu đỏ của UBND một xã về việc người dân bán gỗ cho doanh nghiệp này. Tuy nhiên, nghi ngờ lô hàng mạo danh hàng xuất xứ Việt Nam, lực lượng hải quan tiến hành xác minh và phát hiện người dân bán gỗ cho doanh nghiệp này không hề sản xuất gỗ, lâm trường cũng không có gỗ. Qua đấu tranh, lãnh đạo lâm trường và lãnh đạo xã thừa nhận vì nể nang nên ký xác nhận cho doanh nghiệp. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã cho biết thông tin này tại cuộc tọa đàm “Vì mục tiêu bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia”.

Chống hàng nước ngoài đội lốt thương hiệu Việt Nam

Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn) phối hợp với các lực lượng bắt giữ 280 kiện hàng giả mạo xuất xứ nguồn gốc hàng hoá. Ảnh: HỒNG NỤ

Theo ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), do căng thẳng thương mại có diễn biến phức tạp, tại nước ta đã xuất hiện hiện tượng hàng hóa nước ngoài trà trộn vào Việt Nam, giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam để trốn tránh mức thuế suất cao ở các nước. Trước diễn biến mới, lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo lực lượng điều tra sau thông quan, lực lượng điều tra chống buôn lậu tiến hành thu thập thông tin, phân tích, đánh giá các nguy cơ gian lận xuất xứ và thực hiện công tác điều tra, xác minh.

Kết quả, tại giai đoạn thứ nhất, cơ quan hải quan đã kiểm tra, xác minh 76 vụ, phát hiện 29 vụ vi phạm; phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ; tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và 12.000 bộ linh kiện, phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm; thu nộp ngân sách 47 tỷ đồng.

Tại giai đoạn thứ hai, Cục Kiểm tra sau thông quan đã ban hành quyết định kiểm tra 20 doanh nghiệp, phát hiện 15 doanh nghiệp vi phạm, thu nộp ngân sách 30 tỷ đồng, kiến nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thu hồi 803 C/O.

Thủ đoạn của các doanh nghiệp là nhập khẩu toàn bộ bộ phận, linh kiện, chi tiết từ nước ngoài về, không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, sản xuất nào hoặc chỉ trải qua giai đoạn gia công đơn giản, không làm thay đổi bản chất hàng hóa, sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh rồi gắn mác xuất xứ Việt Nam.

Cần quyết liệt xử lý, răn đe

Việc hàng hóa nước ngoài phải giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam để tiêu thụ cho thấy sức hấp dẫn của các thương hiệu hàng hóa Việt Nam và những sản phẩm hàng hóa giả mạo xuất xứ như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín hàng Việt Nam. Sự vào cuộc nhanh chóng, phát hiện từ sớm và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân gian lận xuất xứ hàng hóa không chỉ giúp ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, mà còn góp phần rất lớn bảo vệ thương hiệu sản phẩm, hàng hóa “made in Vietnam”, “made by Vietnam”. Điều đó cũng giúp các nước đối tác hiểu quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ thương hiệu quốc gia; đấu tranh để loại trừ những hành vi sản xuất, kinh doanh thiếu trung thực, cạnh tranh không lành mạnh.

Không chỉ vậy, kết quả đấu tranh, xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm xuất xứ hàng hóa còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa, giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Ông Nguyễn Tiến Lộc cho biết, có doanh nghiệp sau khi bị phát hiện, xử lý sai phạm đã nhận thức được hậu quả của sai phạm, nên đã đầu tư đầy đủ hệ thống máy móc, trang thiết bị sản xuất để đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam cho sản phẩm, hàng hóa.

Chinh phục được niềm tin của người tiêu dùng trong nước và thế giới đối với sản phẩm, hàng hóa Việt Nam là việc làm vô cùng khó khăn, mất rất nhiều thời gian và tốn kém rất nhiều tiền của, công sức. Vì thế, những hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam là đi ngược lại lợi ích chung của đất nước. Xử lý doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sai phạm là rất cần thiết, nhưng xử lý nghiêm những cán bộ, cơ quan, tổ chức tiếp tay cho sai phạm (như ký chứng nhận khống, thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn tới cấp C/O cho những lô hàng hóa gian lận xuất xứ) cũng cần thiết không kém. Như thế mới có thể ngăn chặn hiệu quả nạn gian dối để trục lợi từ uy tín, thương hiệu và lợi ích quốc gia.

CHIẾN THẮNG