TTO - Nhiều người dân cho biết cây xanh trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM bị đốn hạ nhưng không rõ nguyên nhân và thắc mắc có hay không việc lạm dụng chặt hạ cây xanh trong mùa mưa.
Sau khi thông tin về việc cây dầu cổ thụ ở đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TP.HCM khỏe mạnh nhưng bị đốn hạ vì cản trở giao thông, nhiều bạn đọc phản ảnh tại nhiều tuyến đường, khu vực cũng có tình trạng đốn hạ cây xanh nhưng không rõ nguyên nhân.
Nhiều người đặt vấn đề có hay không việc lạm dụng chặt hạ cây xanh trong mùa mưa.
Hạ cây lớn, trồng vào cây nhỏ
Các tuyến đường có cây xanh bị đốn hạ mà người dân phản ảnh gồm đường Ngô Gia Tự (quận 10), Lý Thường Kiệt (quận 5), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh)...
Ngày 13-9, trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Bến Thành, quận 1) có một cây xanh mới được di chuyển đến đây để trồng thay thế vào vị trí một cây lớn vừa được đốn hạ.
Theo người dân khu vực, trước kia tại đây có trồng một cây xanh tuổi đời khoảng 25 năm. Cách đây 10 ngày, các nhân viên của công ty cây xanh đến chặt hạ, bứng gốc đưa đi. Khi được hỏi về nguyên nhân, các nhân viên nói rằng: "Rễ cây mọc ngang, chiếm phần nhiều lề đường và đang có hiện tượng rễ trồi lên mặt đất, dễ bật gốc nên chúng tôi chặt hạ để đảm bảo an toàn".
Chị Nguyễn Thị Quyên (người dân khu vực) cho biết: "Tôi sống ở đây 20 năm rồi, từ ngày mới chuyển đến cây đã lớn, bóng mát của cây thân thuộc với người dân nơi đây. Từ ngày cây bị chặt hạ, không gian trống trải, nắng hắt thẳng vào nhà".
Còn trên đường Ngô Gia Tự (quận 10) có một gốc cây xanh vừa bị chặt hạ cách đây 2 ngày. Hiện tại chưa được trồng lại cây mới, vị trí cây vừa đốn hạ đang được căng dây cảnh báo nguy hiểm. Một người dân sống gần đó cho biết không hiểu lý do tại sao cây lại bị chặt dù trước đó nhìn cây còn xanh tốt.
Khảo sát, xin phép trước khi đốn hạ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Điệp - giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (thuộc Sở Xây dựng) - cho biết việc quản lý cây xanh trên đường phố trước đây thuộc phòng quản lý công viên cây xanh Sở Giao thông vận tải, sau này chuyển giao về Sở Xây dựng.
Hệ thống cây xanh trên đường phố sẽ được đánh số thứ tự và đấu thầu chăm sóc, cắt tỉa, đốn hạ. Các cây xanh bị đốn hạ đều được Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM khảo sát và xin phép trước khi đốn hạ. Các cây bị đốn hạ thường là cây bị sâu mọt, rễ nông, nghiêng ngã có khả năng gây nguy hiểm cho người đi đường.
Theo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM, hằng ngày đều có nhân viên kiểm tra rà soát hệ thống cây xanh trên các tuyến đường. Các cây xanh có khiếm khuyết sẽ được báo cáo và xin phê duyệt trước khi đốn hạ. Không có trường hợp nào cây xanh bị công ty tự ý đốn hạ.
Riêng ý kiến việc cây dầu tại quận Bình Thạnh đã được trồng nhiều năm không gây ảnh hưởng sao đến nay lại cho đốn hạ, phía đơn vị cho biết trước đó thông qua báo chí có trường hợp người dân phản ảnh cây dầu này gây mất an toàn giao thông vì nằm ngay gần khúc cua. Sau khi khảo sát, đơn vị đã báo cáo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP, khi được phê duyệt thì tiến hành đốn hạ cây này. Vị trí gốc cây đã được tái lập, trải nhựa lại sau đó.
Hiện nay một số cây xanh có tuổi đời lâu năm ở TP.HCM có phần rễ, tán cây phát triển lấn ra đường, nhà dân, có khả năng gây nguy hiểm cũng được phía công ty khảo sát, tùy vào mức độ sẽ đề xuất xử lý di dời hoặc đốn hạ.
Hạn chế di dời, đốn cây xanh Vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành văn bản hướng dẫn xử lý cây xanh bị ảnh hưởng bởi dự án xây dựng công trình trên địa bàn TP. Theo đó, tất cả dự án xây dựng công trình ngay từ bước lập dự án phải khảo sát hệ thống cây xanh có thể bị ảnh hưởng. UBND TP yêu cầu hạn chế di dời, đốn hạ cây xanh, nhất là các cây nằm trong diện bảo tồn, có giá trị về văn hóa, lịch sử. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn trong cao điểm mưa bão 2020, UBND TP cũng yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh trên địa bàn TP để có hướng xử lý đốn hạ, cắt tỉa mé cành, hạn chế tối đa các sự cố về cây xanh gây ra. |