Ngày 2/7, tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã nêu 8 giải pháp trọng tâm của thành phố với vai trò là một đô thị đặc biệt, một trung tâm nhiều mặt của cả nước, đang quyết tâm thực hiện “nhiệm vụ kép” đẩy lùi dịch bệnh và giữ vững phát triển kinh tế.
TPHCM chính là nơi mà thực tiễn cuộc sống luôn đi trước các quy định trong phát triển kinh tế - Ảnh: Quốc Ngọc |
Cơ hội tốt để đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư
Trong 8 giải pháp mà lãnh đạo TPHCM đưa ra, có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ công tác hỗ trợ các doanh nghiệp với cam kết rà soát, hỗ trợ thiết thực cho hơn 8.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động vì COVID-19, phấn đấu hết tháng Chín, hỗ trợ 90% trường hợp này. Đồng thời, TPHCM sẽ duy trì họp Tổ công tác đầu tư hằng tuần để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Tại kỳ họp vào tháng Bảy này, chúng tôi sẽ trình HĐND thành phố điều chỉnh chương trình kích cầu đầu tư, nâng mức hỗ trợ lãi suất cho mỗi dự án từ 100 tỷ đồng thành 200 tỷ đồng; đẩy mạnh thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân và chuẩn bị đón làn sóng dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam”, ông Phong nói.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đi thị sát công trường thi công dự án Metro 1 tại TPHCM ngày 29/6. Đây là một trong những dự án điển hình về vướng mắc các thủ tục, quy định trong đầu tư công cũng như khó khăn trong giải ngân vốn ODA - Ảnh: Quốc Anh |
Chúng tôi mang điều mình quan tâm trong giải pháp mà ông Nguyễn Thành Phong đưa ra, trao đổi với tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy (Đại học RMIT Việt Nam) bên lề phiên họp của Chính phủ, để thấy rõ hơn: muốn “đón làn sóng dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam”, TPHCM cần làm gì?
Theo ông Huy, không ai có thể phủ nhận cuộc thương chiến Mỹ - Trung cùng với những nỗ lực chống COVID-19 tuyệt vời của Chính phủ Việt Nam đã tạo nên sự “cộng hưởng thời cơ” và tạo ra một niềm tin cho các tập đoàn đa quốc gia rằng họ đang có một cơ hội lớn ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Có lẽ không riêng cá nhân nào, hầu hết giới kinh doanh đều nhìn thấy một cơ hội không thể tốt hơn để đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư.
“Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, TPHCM tiếp tục cần đưa ra những cơ chế và chính sách ưu đãi đặc biệt hơn nữa để thu hút các tập đoàn lớn của thế giới”, ông Huy nói.
Trong đó, theo chuyên gia này, TPHCM có thể đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính và cung cấp cơ sở hạ tầng phù hợp cho các tập đoàn. Một điểm đặc biệt đáng lưu tâm trong việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vào TPHCM, là hiện nay, quỹ đất tại các khu công nghiệp đã bị lấp đầy (khoảng 68%), cộng với “khúc xương” về công tác giải tỏa và đền bù có thể sẽ hạn chế sức hấp dẫn đầu tư của thành phố.
“Do đó, TPHCM phải đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) ở các khu công nghiệp đã hình thành để hạn chế việc cản trở xây dựng cơ sở hạ tầng dẫn đến việc lãng phí thời gian và chi phí. Song song đó, nên gấp rút tìm ra giải pháp mở rộng quỹ đất để thu hút đầu tư tốt hơn”, ông Huy nêu.
Theo ông Huy, TPHCM cũng nên đưa ra từng chính sách cụ thể cho các doanh nghiệp đến từ các nhóm ngành khác nhau nhằm tập trung thu hút các tập đoàn phù hợp với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp trọng tâm của mình: như điện tử, dệt may, da giày, nông thủy hải sản, cao su, hóa chất, đồ gỗ lẫn dài hạn như điện tử, cơ khí lắp ráp, chế tạo và tự động hóa. Các chính sách này sẽ giúp TPHCM tránh tình trạng thu hút đầu tư dàn trải, không phù hợp với xu hướng phát triển đặc thù của thành phố.
Ngoài ra, một chiến lược nên trở thành mối quan tâm hàng đầu của thành phố, đó là phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và nhân lực cho ngành này trong dài hạn, để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn. “Nhân lực cho công nghiệp phụ trợ có thể là cung cấp học bổng cho các cơ sở giáo dục đại học và tạo điều kiện cho các sinh viên có cơ hội tiếp cận việc làm cả trong thời gian học lẫn sau khi tốt nghiệp”, tiến sĩ Huy nói.
Một vấn đề khác liên quan đến làn sóng chuyển dịch đầu tư mà theo ông Huy, TPHCM cần phải lưu ý, đó là việc giám sát chặt chẽ các hoạt động của các doanh nghiệp đa quốc gia, bằng việc kiểm tra và truy thu thuế hợp lý để tránh tình trạng chuyển giá làm thất thu ngân sách của thành phố.
Thúc đẩy giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm
Cũng tại phiên họp, cả trung ương lẫn địa phương đều “đau đáu” về đầu tư công. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt nguồn vốn ODA. Theo báo cáo của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác giải ngân 6 tháng đầu năm nay mới chỉ đạt 10%, nhưng “bức tranh” theo ông còn có tối màu hơn.
“Cho đến nay, phần vốn ODA dành cho kế hoạch 2020 lên đến 60.000 tỷ đồng. Trong đó, 2/3 là phân cho 63 tỉnh thành… Thế nhưng, cho đến nay, có đến 22 tỉnh giải ngân vốn ODA này bằng 0, chỉ 16 tỉnh giải ngân trên 10%, một tỉnh đạt 15%, còn lại rất thấp”, ông Minh nêu thực trạng.
Qua làm việc với các tỉnh thành, ông Minh cho hay, nguyên nhân khó giải ngân nằm ở khâu GPMB, điều mà tiến sĩ Huy đã lưu ý. Câu chuyện muôn thuở vẫn diễn ra. Khi làm dự án để vay ODA thì các địa phương phải cam kết sẽ bố trí đủ vốn đối ứng nhằm bảo đảm vấn đề GPMB, nhưng đến khi dự án thành hiện thực rồi thì ngay lập tức lại khó khăn trong vấn đề GPMB, khiến việc giải ngân ODA không triển khai được.
“Một số tỉnh đề nghị cho lấy nguồn vốn ODA để GPMB, nhưng luật và nghị định không cho phép. Do đó, tôi đề nghị các tỉnh thành chủ động huy động nguồn vốn để GPMB rồi mới triển khai chứ không thể trông chờ có nguồn của trung ương rót về hoặc lấy nguồn vốn vay để GPMB”, ông Minh nói.
Tình hình giải ngân khó nên đang xuất hiện đề nghị điều chỉnh sang kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Việc này cũng có thể được, nhưng lúc này, theo Phó thủ tướng, cần phải trả nợ vốn vay nên dễ tăng gánh nặng nợ công. Ông Minh cho rằng, các địa phương phải cố gắng hoàn thành giải ngân ODA năm 2020.
“Vướng mắc, khó khăn thì cơ quan trung ương hết mức hỗ trợ, nhưng lãnh đạo các tỉnh, thành phải xác định tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xem việc thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2020“, ông Minh đưa ra giải pháp.
Liên quan đến việc này, TPHCM đã đề ra biện pháp tổ chức họp 2 tuần/lần để rà soát công tác giải ngân đầu tư công, phấn đấu đến tháng 10 đạt tỷ lệ giải ngân trên 80% kế hoạch.
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cao sức bật và năng lực sáng tạo của kinh tế tư nhân. Ông cho rằng, các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn phải tiếp tục là đầu tàu, nhất là TPHCM.
“Thành ủy và UBND TPHCM phải có những quyết sách tháo gỡ mạnh mẽ để phát triển, đóng góp vào tăng trưởng. Tăng trưởng bình quân của Hà Nội và TPHCM gấp 1,5 lần tăng trưởng cả nước. Chính vì vậy, vai trò của thể chế, cải thiện môi trường tài chính và đầu tư kinh doanh vô cùng quan trọng”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một trong các nhiệm vụ trọng tâm sắp tới vẫn là giải ngân vốn đầu tư công: “Chúng ta đang có khối lượng tiền rất lớn gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD. Riêng ODA chiếm 60.000 tỷ đồng, TPHCM có 15.000 tỷ. Việc giải quyết vướng mắc kịp thời, bí thư, chủ tịch phải tập trung chỉ đạo, bởi cấp dưới không có khả năng tháo gỡ”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Chính phủ phải thành lập đoàn kiểm tra một số địa phương, đơn vị chậm giải ngân vốn đầu tư công. Qua đó, trong 6 tháng cuối năm, phải “ra tay”, không thể để tình trạng trì trệ này tiếp tục mãi được.
Thủ tướng nhấn mạnh, giải ngân tốt sẽ là biện pháp kích cầu ngắn hạn hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng từ đây đến cuối năm và đầu năm 2021. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành, địa phương kiến nghị giải pháp cụ thể, chế tài cụ thể để bảo đảm giải ngân hết số vốn này.
“Các đồng chí phải nóng ruột lên… Tại sao nhiều địa phương khác giải ngân tốt mà rất nhiều địa phương giải ngân chậm? Lần này phải có chế tài mạnh”, Thủ tướng nói.
Quốc Ngọc