(CLO) Người đàn ông nghèo Đinh Tiên Sinh vì thương cảnh già côi cút, đã năn nỉ xin rước bà cụ già không quen biết về phụng dưỡng, một câu chuyện "cổ tích" thời hiện đại
Ông Đinh Tiên Sinh (63 tuổi) cha mẹ mất sớm, không họ hàng thân thích, sống nay đây mai đó, ngủ nhờ hiên nhà hàng xóm. Từ khi lập gia đình, ông làm đủ nghề từ bốc vác, phụ hồ đến thu gom rác để nuôi vợ và 2 con.
Năm 2010, ông theo xe phụ gom rác dân lập cho một người quen ở quận 3. Hằng ngày, ông đều đi ngang chợ Bà Chiểu, bắt gặp cụ bà 80 tuổi đi khắp chợ bán vé số mưu sinh, vì thương cụ, ông cũng mua một tờ vé số ủng hộ. Sau khi hỏi thăm, ông mới biết bà không có gia đình, không con cháu, sống lang thang. Ông về nhà bàn với vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (58 tuổi, ngụ phường Thạnh Xuân), mong muốn rước cụ về nhà để bà có chỗ ngủ đàng hoàng. Lúc rước cụ về, thấy phòng trọ bên quận Bình Thạnh chật chội quá, vợ chồng ông Sinh quyết định dọn qua quận 12 có gác trọ để mẹ có không gian riêng, dù mỗi ngày ông phải đi làm xa hơn. Suốt 8 năm qua, những người ở xóm trọ không ai biết cụ là mẹ nuôi mà tin rằng đó là mẹ ruột của ông Sinh.
Có mẹ, có thêm vốn liếng để yêu thương
Ông Đinh Tiên Sinh chia sẻ, phải năn nỉ cả tháng trời cụ Nguyễn Thi So mới chịu về ở chung với vợ chồng ông. Mấy chục năm mới kêu lại tiếng mẹ, ông vừa mừng vừa ngượng, hai mẹ con phải mất thời gian dài mới quen nhau. “Mới đầu, xưng hô còn khách sáo, nhưng được ít hôm, tôi nói: Bà làm mẹ tụi con nha! Bà gật đầu. Vậy là sau mấy chục năm không còn mẹ, vợ chồng tôi lần nữa lại có mẹ” – ông Sinh xúc động kể lại.
Phòng trọ nhỏ của gia đình ông Sinh thường rộn ràng sau 12 giờ, lúc mẹ ông bán vé số về. Đơn giản chỉ là những câu hỏi han "Mẹ bán hết không?", "Mẹ ăn cơm chưa?" mà ai nghe cũng đều xúc động.
Ba tháng trước, giữa những ngày dịch bệnh bùng phát, thương mẹ nghỉ bán ở nhà cả ngày nằm trên gác phải hứng chịu nắng nóng, ông Sinh ra cửa hàng điện máy mua trả góp một cái quạt hơi nước đặt trên gác cho mẹ.
Tám năm về đây, hình ảnh người đàn ông có dáng khắc khổ, mái tóc bạc trắng lo lắng đứng ngóng xe buýt dưới chân cầu Bà The (phường Thạnh Xuân, quận 12, TP HCM) vẫn thường xuyên xuất hiện khiến nhiều người tò mò. Khi thấy một bà cụ bước xuống xe buýt, trên tay xách theo 2 hộp cơm còn nóng hổi, ông mừng rỡ bước đến. "Mẹ mua làm gì cho tốn kém?". Bà cụ đáp: "Hôm nay có đậu hũ kho thịt mà bây thích".
Mặc dù gia cảnh khó khăn, bệnh tật, nhưng đi qua những vất vả, tình thương vẫn ở lại, như cụ So vẫn thường khoe: "Nhà này chẳng có gì quý, chỉ có 2 đứa con là quý thôi".
Cho đi là bạn sẽ nhận lại hạnh phúc trong tâm hồn
Xã hội ngày nay luôn bận rộn trong guồng máy công việc, con người luôn phải chạy đua với thời gian, nhưng không vì thế mà tình thương yêu giữa người và người bị mất đi. Ở đâu đó vẫn còn rất nhiều những tấm lòng chan chứa yêu thương luôn rộng mở.
Câu chuyện của gia đình ông Đinh Tiên Sinh đã để lại thật nhiều ý nghĩa, khiến mọi người càng thêm thấm thía cái đẹp của tình người, tình đời. Những câu chuyện cảm động, hào sảng dang tay đùm bọc, sẻ chia đã đang và sẽ luôn lan tỏa nhắc chúng ta biết trân trọng những gì đang có và sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng.
Cuộc sống hối hả này cần lắm những phút giây tĩnh lặng, những phút giây sống chậm lại để suy ngẫm về những số phận trớ trêu quanh ta!