TP.HCM mở rộng quy hoạch thoát nước gấp 3 lần so với hiện trạng (từ 650km2 lên 2.095km2). Nạo vét, khơi thông các tuyến kênh rạch bị bồi lắng, ô nhiễm để tăng khả năng trữ, thoát nước, cải thiện môi trường.
Khơi lại dòng kênh xanh
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã bị bồi lắng nặng, gây mùi hôi khi nước triều xuống. Bùn ô nhiễm tích tụ lâu ngày, mưa đầu mùa thường xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Dự án nạo vét con kênh này từ đường Út Tịch, Q.Tân Bình đến ngã ba sông Sài Gòn, Q.Bình Thạnh.
Theo đại diện Trung tâm Quản lý Đường thủy, khối lượng công việc sẽ nạo vét dự kiến khoảng 122.000m3, tổng kinh phí khoảng 36,5 tỉ đồng, thời gian thực hiện trong 75 ngày. Kênh sẽ được nạo vét sâu khoảng 1m, bề rộng 25-42m. Bùn thải sẽ được đưa về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.
Cuối tháng 2-2020, một đoạn kênh từ cầu Lê Văn Sỹ đến cầu số 6 (Q.Tân Bình) đã được nạo vét xong. Ông Thành (ngụ Q.Tân Bình) cho biết: "Trước đây, mỗi lần thủy triều xuống, lòng kênh lộ bãi bùn, chỉ còn một luồng chạy nhỏ ở giữa kênh, nay kênh đã không bị trơ đáy. Sau nạo vét, nước trong, người dân không còn khổ vì mùi hôi".
Theo TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường, nếu đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nạo vét với độ sâu 1m, dài 9km, rộng 25m thì dung tích nước mà kênh này có thể chứa thêm lên đến 225.000m3, khả năng thoát nước của dòng kênh cũng được tăng lên.
Nếu như nhiều con kênh khác trên địa bàn TP cùng được nạo vét, các khu vực trữ nước được gia tăng đáng kể. Đây cũng là dạng hồ điều tiết góp phần đáng kể vào các giải pháp chống ngập cho TP.HCM, đặc biệt khi quy hoạch chống ngập trên địa bàn TP được xác định sẽ mở rộng ra gần như các quận huyện trong tương lai.
Cải tạo cống vòm cổ
TP.HCM đang có kế hoạch phục hồi hệ thống cống vòm đầu tư từ thời Pháp để phát huy năng lực chống ngập cho khu vực trung tâm TP. Theo thống kê, khu vực trung tâm TP hiện còn đến 113km hệ thống cống vòm được xây dựng từ năm 1870-1954 và trên 777km đường cống xây dựng từ trước năm 1975.
Tuyến cống vòm này ở các trục đường chính khu trung tâm TP. Tuyến dài nhất nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (gần 2km), đường Nguyễn Du (hơn 1,8km), đường Hai Bà Trưng (1,5km), đường Cách Mạng Tháng 8 (dài gần 1,3km)...
Trước đó, năm 2017, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA đề xuất viện trợ không hoàn lại khoảng 17,5 triệu USD và 1.882 triệu JBY (yen Nhật) để thực hiện dự án cải tạo, phục hồi các đường cống thoát nước cũ ở trung tâm TP (gọi tắt là dự án SPR).
Ban đầu, dự án SPR dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2017-2020 nhưng vì nhiều lý do, đến ngày 21-2-2020 dự án mới ký kết thỏa thuận viện trợ. Ngày 8-6-2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị TP.HCM, dự án SPR sẽ thi công phục hồi tuyến cống cũ trên đường Hai Bà Trưng, Yersin, Cống Quỳnh và Cách Mạng Tháng 8 có tổng chiều dài 2,78km.
Dự án này được thực hiện với phương pháp thi công không đào đường nên sẽ hạn chế đáng kể việc ảnh hưởng đến hoạt động giao thông. Theo kế hoạch, đến tháng 8-2020 sẽ ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế, tháng 9-2020 di dời hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án. Đến tháng 5-2021 tổ chức đấu thầu và thi công.
Nhiều con kênh đang được phục hồi
Ngoài các dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, TP.HCM đang triển khai "hồi sinh" thêm nhiều hệ thống kênh, rạch bị lấn chiếm, bồi lấp. Một số dự án đang được thực hiện như khôi phục kênh Hàng Bàng (qua Q.5, Q.6), kênh A41 (Q.Tân Bình). 10 con kênh bị ô nhiễm ở Q.Bình Tân được khôi phục cải tạo, 4/18 tuyến kênh rạch tại Q.12 cũng đã được nạo vét, kiên cố hóa và hoàn thành vào tháng 5 vừa qua. Rạch Xuyên Tâm và kênh Tham Lương - Bến Cát là hai dự án lớn đang được TP.HCM đôn đốc thực hiện để giải quyết ô nhiễm, cải thiện cảnh quan và tăng khả năng tiêu thoát nước. Theo Trung tâm quản lý đường thủy (Sở Giao thông Vận tải), sau khi cải tạo xong kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ tiếp tục lập dự án cải tạo kênh Bến Nghé. |