QĐND - Hình ảnh quốc kỳ Việt Nam tung bay cùng các đội tuyển của đoàn Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tham gia Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) 2020 do Liên bang Nga chủ trì tổ chức; lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh hiện diện tại các phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) hay trên các tàu hải quân của chúng ta đi thăm và diễn tập với các nước bạn trong những năm qua... cho thấy đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) đã góp phần nâng cao uy tín, vị thế của quân đội và đất nước trên trường quốc tế. Công tác ĐNQP đã thực hiện theo đúng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Giữ vững định hướng chính trị

ĐNQP không phải là công tác đối ngoại đơn thuần của Bộ Quốc phòng hay của quân đội mà bao gồm các hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực quốc phòng với các nước, các tổ chức quốc tế, liên quan đến độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia-dân tộc của Việt Nam và an ninh, hòa bình của khu vực, thế giới. ĐNQP đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Chính phủ, trực tiếp, thường xuyên là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

Trong những năm qua, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, nguyên tắc, phương châm chỉ đạo, chính sách đối ngoại và chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; quân đội đã tiếp tục triển khai đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công tác ĐNQP; tăng cường hội nhập quốc tế về quốc phòng, qua đó đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Đối ngoại quốc phòng nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam
Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 triển khai đến Nam Sudan tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. 

Điểm lại những hoạt động ĐNQP trong những năm gần đây, có thể thấy rõ sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng luôn được giữ vững. Quan hệ với các nước láng giềng có biên giới liền kề, các nước trong khu vực ASEAN luôn được ưu tiên khi các cuộc giao lưu biên giới, các chuyến thăm cấp cao và trao đổi đoàn các cấp được tiến hành thường xuyên. Đặc biệt, trong năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, chúng ta đã chủ động phát huy vai trò chủ nhà để tổ chức thành công các hội nghị, hoạt động, cho dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; tích cực tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương trong khuôn khổ ASEAN và do ASEAN giữ vai trò chủ đạo.

ĐNQP cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Việc phối hợp chặt chẽ với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy... và các tổ chức quốc tế đã giúp giảm tác động của bom, mìn và chất độc hóa học sót lại sau chiến tranh đối với sức khỏe của người dân và các hoạt động kinh tế-xã hội. Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã được nâng cấp để kịp thời tổ chức Hội nghị cấp cao APEC tháng 11-2017 bởi dự án tẩy độc dioxin tại sân bay này đã hoàn thành trước đó. Tiếp theo thành công này, Việt Nam và Mỹ đang hợp tác để tiếp tục xử lý ô nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa. Công tác hỗ trợ nạn nhân bom, mìn, nạn nhân chất độc da cam/dioxin cũng được đẩy mạnh qua các hoạt động hợp tác quốc tế về quốc phòng.

GGHB LHQ cũng là một điểm sáng, tạo hình ảnh tốt đẹp của QĐND Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam chính thức tham gia hoạt động GGHB LHQ từ năm 2014. Đến nay, 50 lượt sĩ quan được cử đi thực hiện nhiệm vụ theo cương vị cá nhân tại các phái bộ ở Trung Phi, Nam Sudan và hai Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Nam Sudan với 126 cán bộ, nhân viên, y sĩ, bác sĩ. Tới đây, sĩ quan QĐND Việt Nam còn nhận nhiệm vụ ở cơ quan chiến lược tại trụ sở LHQ và các vị trí quan trọng khác, khẳng định uy tín của Quân đội ta trong các hoạt động quốc tế.

Bên cạnh đó, ĐNQP đã góp phần tích cực trong việc cân bằng quan hệ với các nước lớn và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước có tiềm năng. Việc tăng cường trao đổi đoàn các cấp với các nước lớn, các cuộc đối thoại chính sách quốc phòng hay các hoạt động ĐNQP trong khuôn khổ đa phương, song phương đã giúp tăng cường lòng tin chiến lược giữa Việt Nam với các nước. Đặc biệt, hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA) đã được ký kết trong chuyến thăm EU của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tháng 10-2019.

Nhìn chung, ĐNQP góp phần quan trọng vào thành công chung của hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá trong bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" được báo chí đăng tải ngày 1-9 vừa qua: “Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao”.

Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả

Cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, ngoại giao nhân dân, hoạt động ĐNQP không ngừng được đẩy mạnh theo hướng phát triển sâu, rộng cả về phạm vi và mức độ hợp tác với các quốc gia, các tổ chức, định chế quốc tế, góp phần từng bước đưa quốc phòng Việt Nam hội nhập thế giới.

Thế nhưng trong những năm tới, bối cảnh quốc tế, khu vực được dự báo tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó lường. Đại dịch Covid-19 khiến thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng trên nhiều mặt trong khi cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, công nghệ tiếp tục diễn ra gay gắt. Tình hình này đòi hỏi các hoạt động ĐNQP phải tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả hơn nữa. ĐNQP cần tiếp tục quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; chủ động nghiên cứu, nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có chủ trương, đối sách xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Trong nền ngoại giao của Việt Nam, ĐNQP là một trong các trụ cột với những đặc trưng: Vừa hợp tác vừa đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, lợi ích quốc gia-dân tộc; góp phần bảo vệ hòa bình, tạo môi trường thuận lợi, tranh thủ điều kiện quốc tế để xây dựng, phát triển đất nước; góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tranh thủ điều kiện từ bên ngoài để xây dựng quân đội. Do vậy, trong thời gian tới, nội dung, hình thức quan hệ, hợp tác quốc phòng cần được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, với nhiều đối tác, trong đó có những nội dung mang tính đột phá, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, nâng cao tiềm lực và sức mạnh của QĐND Việt Nam.

Bên cạnh đó, các hoạt động ĐNQP cần tập trung đẩy mạnh hợp tác song phương, nâng tầm đối ngoại đa phương theo Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8-8-2018 của Ban Bí thư; ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng có biên giới liền kề, các nước trong khu vực ASEAN, các nước có quan hệ bạn bè truyền thống; cân bằng quan hệ với các nước lớn; mở rộng quan hệ hợp tác với các nước có tiềm năng, gia tăng mức độ đan xen lợi ích chiến lược với các nước. Các hoạt động ĐNQP cũng tích cực tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương trong khuôn khổ ASEAN và do ASEAN giữ vai trò chủ đạo; tích cực tham gia các hoạt động GGHB LHQ ở các mức độ khác nhau; tiếp tục giữ vững định hướng chính trị; gắn kết nội dung hợp tác về quốc phòng với các lĩnh vực khác...

Trong những năm qua, ĐNQP đã kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam, thực sự trở thành một mặt trận ngoại giao quan trọng, góp phần tạo thế vững chắc cho hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, xây dựng vành đai an ninh, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho đất nước phát triển trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, ĐNQP đã quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng, không ngừng đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác ĐNQP, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và xây dựng quân đội ngày càng vững mạnh.

Với những thành công của ĐNQP, quốc kỳ của Việt Nam sẽ tiếp tục tung bay trên mọi miền Tổ quốc, khẳng định chủ quyền quốc gia; xuất hiện ở nhiều nước, nhiều sự kiện lớn trên thế giới, khẳng định một Việt Nam hòa bình là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

NGỌC HƯNG