Giải phóng mặt bằng: Cốt lõi là đồng thuận - Ảnh 1.
 

Rất nhiều nhà dân trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình, TP.HCM) đang được tháo dỡ, bàn giao mặt bằng nhanh chóng - Ảnh: TỰ TRUNG

Với câu hỏi điều khó khăn nhất và cũng là điều đáng sợ nhất khi thực hiện một dự án hạ tầng kỹ thuật như cầu, đường là gì, câu trả lời từ nhà đầu tư, nhà quản lý từ trung ương đến địa phương đều như nhau là "giải phóng mặt bằng". 

Rất nhiều công trình bị chậm trễ, đội vốn, ngừng trệ không thực hiện được, nhà đầu tư bị phá sản vì vướng khâu giải phóng mặt bằng.

Do vậy, khi nghe tin ở TP.HCM việc đền bù giải tỏa tuyến metro số 2 về cơ bản đã hoàn thành, và chắc chắn sẽ khởi công đúng theo kế hoạch năm 2021, không ít người tỏ ra rất ngạc nhiên.

Điều gì đã làm nên một "kỳ tích" chưa từng có như thế? Trước hết, đó là sự công khai, minh bạch rõ ràng về dự án. Tất cả người dân được biết tường tận các thông tin chi tiết về hướng, tuyến, phạm vi giải tỏa, lộ giới, các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải đạt đến để đảm bảo cho metro ra đời, hoạt động. 

Từ đó, người dân thấy rõ ý nghĩa lớn lao của việc xây dựng metro và giá trị mang lại không chỉ cho thành phố mà cho mỗi gia đình, trong đó có họ và con cháu họ. 

Nhiều gia đình trong diện giải tỏa không cảm thấy bị thiệt thòi, đen đủi, mà thấy việc mình nhường đất cho dự án không đơn thuần là trách nhiệm mà còn là niềm vui, vinh dự được góp phần tham gia công trình thế kỷ này.

Có thể nói lần này TP.HCM đã vận dụng rất tốt nghị quyết số 27 của Chính phủ cho phép UBND TP.HCM áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn. 

Với tuyến metro số 2, thành phố đã ban hành các chính sách đền bù giải tỏa hợp lý, gần sát giá thị trường, người dân có thể chấp nhận được. Có thể một vài hộ có thiệt thòi đôi chút nhưng về cơ bản là đảm bảo cho họ bắt đầu cuộc sống mới ở nơi khác, hoặc ở nhà cũ đã cải tạo lại sau khi đã giải tỏa. 

Đó là kết quả của một quá trình thương thảo thiện chí giữa các bộ phận chức năng của Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM với các hộ dân để tìm được sự đồng thuận.

Thực tế cho thấy, giải phóng mặt bằng nhanh, đưa dự án vào thực hiện sớm không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn, mà hơn thế nữa là niềm tin của người dân không bị sứt mẻ. 

Từ kinh nghiệm các dự án trước đó cho thấy, trong nhiều trường hợp vì tiếc tiền mà chủ đầu tư không chịu nhún nhường, hậu quả là số tiền mà chủ đầu tư phải trả lãi ngân hàng, bị phạt, trả lương cho công nhân không làm việc, hao mòn máy móc... tính ra còn lớn hơn gấp nhiều lần so với số tiền chênh lệch giữa mức đền bù theo bảng giá với sự đòi hỏi của người dân, chưa kể chậm tiến độ, đổ vỡ công trình, kéo theo đó là đổ vỡ niềm tin của các đối tác trong và ngoài nước.

Vận động, thuyết phục người dân để tìm được lợi ích và tiếng nói chung là quan trọng nhất. Chính quyền phải biết nhân nhượng, biết nhìn xa trông rộng, dù có thiệt một chút hôm nay nhưng cái lợi hữu hình và vô hình mang lại lớn lao hơn nhiều, bởi đó là bản chất của chính sách nhị nguyên, tức là chính quyền cũng được lợi mà người dân cũng được lợi. 

Thành công đáng hoan nghênh từ metro số 2 cần được đúc rút thành bài học kinh nghiệm, để tiếp tục phát huy cho 5 tuyến metro còn lại.