Bị cáo Nguyễn Thành Tài tại phiên tòa sáng nay 16-9. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Ngày 16-9, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ sai phạm trong giao đất, cho thuê đất tại khu “đất vàng” 8-12 đường Lê Duẩn (quận 1, TPHCM).
Sau khi đại diện Viện KSND TPHCM công bố bản cáo trạng, hội đồng xét xử bắt đầu thẩm vấn các bị cáo. Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài là bị cáo đầu tiên trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử.
Bị cáo Tài khai được phân công trực tiếp lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng, quản lý nhà; trực tiếp chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM (Sở TN-MT TPHCM). Nhiệm vụ của Sở TN-MT TPHCM là trình UBND TPHCM quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức…
Theo lời khai của bị cáo Tài, khu đất 8-12 đường Lê Duẩn là tài sản Nhà nước. Năm 1994, UBND TPHCM giao Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TPHCM quản lý và cho thuê. Tại khu đất này có 4 công ty thuê đất, bao gồm Công ty cổ phần Kim khí TPHCM, Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn và Công ty cổ phần Hóa chất vật liệu điện TPHCM thuê nhà đất số 8 đường Lê Duẩn; Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu Vitaco thuê nhà đất số 12 đường Lê Duẩn.
Tháng 1-2010, trên cơ sở đề xuất của Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước tại TPHCM (Ban chỉ đạo 09), UBND TPHCM thống nhất chủ trương cho xây dựng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và một phần Trung tâm thương mại tại khu đất 8-12 đường Lê Duẩn; giao Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM thanh lý hợp đồng cho thuê đối với 4 công ty thuê đất, thu hồi và quản lý mặt bằng trong thời gian chuẩn bị tiến hành đầu tư xây dựng dự án; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành các bước đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, tham mưu UBND TPHCM quyết định lựa chọn chủ đầu tư có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn để đầu tư vào khu đất 8-12 đường Lê Duẩn, không áp dụng hình thức liên doanh.
"Tuy nhiên, do đây không phải là khu đất trống, 4 doanh nghiệp thuê đất không di dời, bàn giao mặt bằng mà đề nghị được mua nhà, đất theo chỉ định hoặc tham gia dự án nên dự án không thể thực hiện theo phương thức đấu thầu mà phải liên doanh”, bị cáo Tài lý giải về việc ký Công văn 5206/UBND-ĐTM chấp thuận chủ trương cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM liên doanh với 4 công ty thuê đất thực hiện dự án.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, sau khi biết UBND TPHCM có chủ trương thành lập công ty cổ phần thực hiện dự án tại khu đất 8-12 đường Lê Duẩn, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue) ký văn gửi Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM, tự giới thiệu Công ty Hoa Tháng Năm có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và xin được tham gia dự án.
Do có mối quan hệ tình cảm cá nhân và sự tác động của Lê Thị Thanh Thúy, bị cáo Nguyễn Thành Tài đã có các quyết định và chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý tài sản Nhà nước (như: chấp thuận thay đổi chủ trương đầu tư cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia góp vốn thực hiện dự án, giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định không qua đấu giá quyền sử dụng đất, chấp thuận áp dụng 2 hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng dự án, chấp thuận cho thanh lý nhà số 12 đường Lê Duẩn không thực hiện việc bán tài sản); dẫn đến chuyển dịch quyền sở hữu khu nhà đất 8-12 đường Lê Duẩn từ sở hữu Nhà nước sang sở hữu của doanh nghiệp tư nhân, gây hậu quả thiệt hại, thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn.
Tuy nhiên, trả lời hội đồng xét xử, bị cáo Tài khẳng định chỉ biết về Công ty Hoa Tháng Năm qua giới thiệu của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM; trước đó Công ty Hoa Tháng Năm không gặp bị cáo để xin tham gia dự án. Đến năm 2007, thông qua mối quan hệ với gia đình bị cáo Thúy thì bị cáo Tài mới quen biết Thúy, nhưng đó chỉ là mối quan hệ giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp chứ không có gì đặc biệt.
Thẩm phán Nguyễn Thị Thanh Bình, chủ tọa phiên tòa, đặt câu hỏi: Việc làm của bị cáo có đúng với quy định của pháp luật?
Bị cáo Nguyễn Thành Tài trả lời: Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM không có đủ vốn để thực hiện dự án. Bị cáo không muốn vì áp lực không có vốn mà dự án tiếp tục bị trì hoãn. Lúc bấy giờ, bị cáo chỉ nghĩ đến lợi ích lớn nhất, đến sự phát triển chung. Sau này, trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết mình sai.
Chủ tọa phiên tòa hỏi tiếp: Công ty Hoa Tháng Năm chỉ mới thành lập 4 tháng, chưa thực hiện dự án bất động sản nào, chưa từng xây dựng công trình nào, vì sao bị cáo chấp thuận cho tham gia dự án?
Bị cáo Tài thừa nhận: Việc cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia hợp tác đầu tư thực hiện dự án là chưa đúng với chủ trương của UBND TPHCM.
Trình bày thêm về việc làm trái Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, không bán đấu giá khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn, bị cáo Tài cho biết vào thời điểm đó, việc tổ chức bán đấu giá là không khả thi do có một số khó khăn như kinh tế suy thoái, bất động sản bị đóng băng.
Tại phiên tòa, bị cáo Tài thừa nhận việc ký Quyết định số 3030/QĐ-UBND ngày 14-6-2011 cho Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue (với các cổ đông là Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM, Công ty Hoa Tháng Năm, 4 công ty thuê đất) sử dụng 4.896,3m2 đất tại số 8-12 đường Lê Duẩn để đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất 50 năm là không đúng.
“Sau khi nhận được báo cáo tiến độ dự án, bị cáo nhận thức đã có diễn biến xấu đối với tình hình phát triển chung nên đã báo cáo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM đề xuất cho dừng dự án và tiến hành thanh tra việc thực hiện dự án”, bị cáo trình bày thêm.
Ngoài ra, bị cáo Tài cũng xin hội đồng xét xử xem xét về thiệt hại của vụ án vì không đồng tình với kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng Hình sự ở Trung ương. Theo bị cáo, thiệt hại phải được xem xét vào thời điểm xảy ra vụ án chứ không phải vào thời điểm khởi tố vụ án.
Trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử, bị cáo Trương Văn Út (nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý đất, Sở TN-MT TPHCM) khai: khi thụ lý hồ sơ của Công ty Lavenue đề nghị được áp dụng hai hình thức cho thuê đất và giao đất tại khu đất 8-12 đường lê Duẩn, bị cáo thấy hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định. Nhưng khi bị cáo Út báo cáo với bị cáo Nguyễn Hoài Nam (nguyên Bí thư Quận ủy quận 2, vào thời điểm xảy ra vụ án giữ chức Trưởng Phòng Quy hoạch sử dụng đất, Sở TN-MT TPHCM), thì bị cáo Nam nói rằng UBND TPHCM đã thông qua.
Vì vậy, bị cáo Út lập tờ trình để bị cáo Nam ký duyệt, trình bị cáo Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TN-MT TPHCM) ký công văn số 885/TNMT ngày 18-2-2011 đề xuất UBND TPHCM có thể giải quyết theo đề nghị của Công ty Lavenue.
Bị cáo Nguyễn Hoài Nam cũng thừa nhận hồ sơ của Công ty Lavenue xin tham gia dự án chưa có dự án đầu tư chi tiết và cũng không có hồ sơ về năng lực đầu tư. Tuy nhiên, bị cáo Nam cho rằng các văn bản của Sở TN-MT TPHCM tham mưu cho UBND TPHCM không có gì sai so với Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời phủ nhận đã nói với bị cáo Út rằng công ty này “quen” với lãnh đạo thành phố. Bị cáo cũng cho rằng đã không tham mưu sai theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Tương tự, bị cáo Đào Anh Kiệt khai các văn bản trong dự án đều do bị cáo Út soạn thảo, qua bị cáo Nam ký trước khi chuyển lên cho bị cáo. “Vào thời điểm đó, bị cáo không cảm giác là mình làm sai, mong được hội đồng xét xử xem xét”, bị cáo trình bày.
ÁI CHÂN