(NLĐO) - QLTT TP HCM đã kiểm tra, xử lý 19 vụ vi phạm lập website thương mại điện tử mà không thông báo cho cơ quan chức năng.

 
 

Sáng 2-7, Cục QLTT TP HCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác QLTT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Theo báo cáo, do tình hình dịch Covid-19 nên số vụ kiểm tra trong 6 tháng qua giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 8.929 vụ. Những vi phạm bị phát hiện chủ yếu là kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn vệ sinh thực phẩm…

TP HCM phát hiện gần 20 website lậu, bán hàng Trung Quốc - Ảnh 1.

Cục QLTT TP HCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác QLTT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020

Cũng theo lực lượng QLTT TP, hiện nay, nhiều doanh nghiệp thuê mặt bằng kho của các công ty lớn có uy tín lâu năm để làm nơi cất giấu hàng hóa nhập lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng. Thực trạng này đang diễn ra rất nghiêm trọng. Hàng hóa nhập lậu còn được vận chuyển trên các chuyến bay nội địa, đường sắt từ Bắc vào Nam với số lượng lớn và được chủ hàng ủy thác cho doanh nghiệp vận tải nên khi phát hiện đều không tìm được chủ sở hữu.

Ông Hà Trung Cang, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP HCM, cho biết đơn vị còn phát hiện nhiều vụ buôn bán cả tem chống giả, bao bì, nhãn mác hàng hóa giả trên thị trường. Theo đó, đối tượng sản xuất hàng hóa nhái, giả rồi gắn nhãn giả mạo hoặc thuê người khác gia công, đóng gói hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Cũng theo ông Cang, việc giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân uy tín để tham gia hoạt động thương mại điện tử ngày càng phức tạp. QLTT đã kiểm tra, xử lý 19 vụ vi phạm lập website thương mại điện tử mà không thông báo cho cơ quan chức năng. Đa số hàng kinh doanh trên mạng được đặt mua từ Trung Quốc. Tuy nhiên, những vụ kiểm tra, xử lý kinh doanh trên mạng mới chỉ là bề nổi, chưa đi vào chiều sâu, truy đến cùng về nguồn gốc cũng như những vấn đề liên quan