LĐO - Cho ý kiến vào dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây, có ý kiến cho rằng, cần lưu ý đến mô hình tổ chức tự quản của quần chúng trong bảo đảm an ninh trật tự như các câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; các “hiệp sĩ đường phố”... và cần phải đánh giá, tổng kết mô hình này hoạt động như thế nào. Hầu hết những nhóm này hoạt động mang tính tự phát, chứ chưa chính danh và chưa có sự quan lý chặt chẽ từ cơ quan chức năng.
Các nhóm “hiệp sĩ” TPHCM mong muốn có tính chính danh
Trao đổi với Lao Động, “Hiệp sĩ đường phố” Trần Văn Hoàng, Trưởng nhóm săn bắt cướp quận Tân Bình (TPHCM) cho biết, nguyên tắc tuyển chọn “hiệp sĩ đường phố” vào nhóm rất khắt khe.
Các ứng viên phải có lý lịch rõ ràng, không tiền án tiền sự, có sức khỏe tốt, biết võ thuật, có kinh nghiệm trong việc truy bắt tội phạm quả tang,... Sau khi được tuyển chọn, ứng viên phải trải qua một thời gian thử thách và tạo được sự tin tưởng đối với các thành viên trong nhóm thì mới được tham gia đi bắt cướp cùng những thành viên trong nhóm.
“Nguyên tắc hoạt động của nhóm là các thành viên không được tự ý đi săn bắt cướp một mình riêng lẻ, mà phải theo kế hoạch của nhóm và phải có sự bàn bạc thống nhất với trưởng nhóm trước khi đi.
“Hiệp sĩ đường phố” phải hoạt động đúng địa bàn, chỉ tham gia bắt các tội phạm quả tang, khi bắt tội phạm tùy bối cảnh có thể thông báo với công an để cùng phối hợp. Các thành viên trong nhóm, định kỳ hàng tuần gặp nhau để cùng trao đổi về kiến thức pháp luật, võ thuật, kỹ năng săn bắt cướp, cũng như các đối tượng tình nghi trên địa bàn” - anh Hoàng nói.
Anh Hoàng chia sẻ thêm thông tin, anh luôn căn dặn các thành viên trong nhóm phải trong sạch, hành động vì cái tâm vì sự bình yên của người dân và nhất định không thỏa hiệp với tội phạm để tư lợi. Để nhóm hoạt động hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, anh Hoàng mong muốn cần có một tính chính danh cho nhóm.
“Các nhóm hiệp sĩ đường phố ở TPHCM hiện nay đều hoạt động theo kiểu tự phát, chứ chưa được tổ chức chuyên nghiệp và chưa được cơ quan chức năng công nhận tính chính danh. Mong muốn của tôi là được thành lập mô hình câu lạc bộ phòng chống tội phạm với sự hỗ trợ của công an, chính quyền địa phương để nhóm hoạt động một cách chính danh hơn. Lúc đó, anh em “Hiệp sĩ đường phố” sẽ có cơ hội được tập huấn nghiệp vụ chuyên nghiệp, trang bị kiến thức pháp lý để tránh những thiếu sót, rủi ro trong quá trình bắt tội phạm” - anh Hoàng chia sẻ.
Thượng tá Nguyễn Thành Lợi - Trưởng Công an quận Tân Bình, TPHCM cho biết, Công an quận thường xuyên nắm thông tin cũng như danh sách về nhóm “Hiệp sĩ đường phố” trên địa bàn, từ đó có những chỉ đạo trong công tác quản lý và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Trên cơ sở đó, công an quận có hướng dẫn để anh em có thêm kỹ năng, phối hợp với công an trong quá trình hoạt động phòng chống tội phạm và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Hoạt động của “Hiệp sĩ đường phố” phải gắn với công an xã, phường
Tại Bình Dương, các Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm (CLB PCTP) được hình thành từ những năm 2000, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở tỉnh phát triển công nghiệp có đông lao động nhập cư.
Hoạt động của “Hiệp sĩ đường phố” phải gắn chặt với công an địa phương và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND xã, phường và sự hướng dẫn nghiệp vụ của ngành công an, tư pháp, quân sự và sự giám sát của HĐND.
Để các câu lạc bộ này hoạt động đi vào quy củ và hiệu quả, từ năm 2006, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành văn bản quy định về tổ chức và hoạt động các Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh, đến năm 2013, tiếp tục điều chỉnh quy định cho phù hợp tình tình hình.
Từ những CLB PCTP tại TP.Thủ Dầu Dầu Một, đến nay 100% xã, phường (91/91) đã có mô hình này. Hoạt động của CLB PCTP chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND xã, phường.
Về tổ chức, mỗi câu lạc bộ có 2 bộ phận, gồm đội xung kích chống tội phạm và đội tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Khái niệm “Hiệp sĩ đường phố” thường để chỉ những người trực tiếp xung kích chống tội phạm.
Theo Công an tỉnh Bình Dương, hoạt động của “Hiệp sĩ đường phố” phải gắn chặt với công an địa phương và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND xã, phường và sự hướng dẫn nghiệp vụ của ngành công an, tư pháp, quân sự và sự giám sát của HĐND. Trưởng công an phường là đội trưởng của đội xung kích trong CLB PCTP, còn đại diện các “Hiệp sĩ đường phố” chỉ làm đội phó. Công an các cấp có trách nhiệm phối hợp với “Hiệp sĩ đường phố” khi họ phát hiện, bắt được tội phạm.
Để chăm lo cho các “Hiệp sĩ đường phố” thì UBND và Công an tỉnh đã ban hành hướng dẫn để hỗ trợ kinh phí hoạt động cho CLB PCTP. Ngoài kinh phí thường xuyên cho ban chủ nhiệm các câu lạc bộ thì các “Hiệp sĩ đường phố” cũng có một số hỗ trợ nhất định như xăng tuần tra, hỗ trợ sửa chữa phương tiện hư hỏng do truy bắt tội phạm.
Về trang bị, hội viên Đội xung kích chống tội phạm được trang bị dùi cui điện, dùi cui caosu, găng tay bắt dao và chịu sự quản lý, hướng dẫn sử dụng của cơ quan công an và quân sự. Hàng năm, tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động để kịp thời động viên khen thưởng các hội viên có thành tích cao trong công tác phòng chống tội phạm.
Tăng cường quản lý các câu lạc bộ “Hiệp sĩ đường phố” Trao đổi với Lao Động, LS Đặng Văn Cường cho rằng, câu lạc bộ hiệp sĩ săn bắt cướp tại thành phố Hồ Chí Minh là một mô hình đấu tranh trấn áp tội phạm rất đặc thù, đặc biệt và cũng cần phải có sự quản lý, định hướng để phát huy những giá trị tích cực của nó. Dưới góc độ pháp lý thì nhà nước đã có cả một bộ máy, công cụ để đấu tranh, trấn áp với tội phạm, có một hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật (tập trung nhất thể hiện qua các cơ quan tiến hành tố tụng) từ Trung ương đến địa phương rất chuyên nghiệp, được trang bị vũ khí, được huấn luyện, đào tạo, có sự quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam cũng quy định là phòng chống tội phạm là trách nhiệm của toàn dân, bất cứ người dân nào cũng có quyền bắt giữ tội phạm trong trường hợp phạm tội quả tang. Trong thời gian gần đây cũng xảy ra nhiều trường hợp một số thành viên của câu lạc bộ săn bắt cướp có biểu hiện lạm quyền, thiếu kỹ năng, thiếu trang bị dẫn đến bị thiệt hại về sức khỏe, thậm chí tính mạng. Cũng theo LS Đặng Văn Cường, các thành viên câu lạc bộ săn bắt cướp cần phải được tập huấn về võ thuật, về kinh nghiệm xử lý và nếu được thừa nhận tồn tại thì có thể còn được trang bị một số công cụ hỗ trợ thì mới đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh việc thành lập, hoạt động một cách tự phát, thiếu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Không ít các thành viên câu lạc bộ săn bắt cướp đã bị thương tích, thậm chí thiệt mạng nhưng không có cơ chế gì đảm bảo quyền lợi cho họ. Bởi vậy nếu đã thừa nhận họ là một tổ chức xã hội, thực hiện một nhiệm vụ cao cả là giữ gìn an ninh trật tự thì cần phải có chế độ đãi ngộ, có tập huấn, có trang bị và có sự quản lý của nhà nước thì mới đảm bảo công bằng, mới hiệu quả và giảm bớt những tác động tích cực trong quá trình hoạt động. Các câu lạc bộ săn bắt cướp cần phải được thành lập, hoạt động một cách công khai, có danh sách, có lý lịch của từng thành viên, phải có sự liên hệ chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật như cơ quan công an, viện kiểm sát, chính quyền địa phương. Địa phương thừa nhận cho tồn tại các câu lạc bộ này thì cũng cần có những hỗ trợ về vật chất và tinh thần để những người tham gia có hứng thú, có trách nhiệm và được đảm bảo quyền lợi khi gặp rủi ro đối với bản thân mình và với gia đình. T.Vương |
Được bắt tội phạm trong trường hợp nào? Theo Công an tỉnh Bình Dương, hội viên trong Đội xung kích chống tội được bắt người có hành vi phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã nhưng phải báo ngay cho Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ, giao ngay người bị bắt cho công an nơi gần nhất. Trường hợp phát hiện đối tượng nghi vấn phạm tội hoặc truy đuổi người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã ra ngoài phạm vi xã, phường, thị trấn của mình hoạt động: Các hội viên phải báo ngay cho Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ để báo cáo cơ quan Công an có thẩm quyền tổ chức phối hợp và thông báo cho Đội xung kích chống tội phạm ở các địa bàn khác cùng tham gia. Quy chế hoạt động được UBND tỉnh ban hành quy định các “hiệp sĩ” không lợi dụng công tác để trục lợi hay thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Công an tỉnh Bình Dương cũng cho biết, hoạt động động của “hiệp sĩ” ở các CLB PCTP cũng gắn chặt với công an địa phương để được hướng dẫn và theo dõi một cách hiệu quả. Không khuyến khích những nhóm tự phát Trao đổi với PV Lao Động, ông Bùi Văn Xuyền - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ quan điểm không khuyến khích những nhóm tự lập, tự phát nhất là những nhóm về săn bắt cướp, bắt tội phạm… Bởi công việc này rất nguy hiểm, phải là cơ quan có thẩm quyền, cơ quan có tính chính danh mới thực hiện việc bắt tội phạm, thực hiện công việc này. Những người tham gia trong công tác bắt cướp, bắt tội phạm này cần được huấn luyện về nghiệp vụ, được trang bị về điều kiện, phương tiện, hiểu biết về luật pháp. “Trong quá trình thực hiện việc đấu tranh đối với tội phạm là cả một vấn đề. Không nên thành lập những nhóm tự phát, nhất là những công việc như săn bắt cướp, bắt tội phạm, đặc biệt là các tội phạm nguy hiểm. Đó là nhiệm vụ, chức trách của lực lượng chức năng, lực lượng công an, cảnh sát…” - ông Xuyền nêu quan điểm. Về việc huy động ngươi dân tham gia vào phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ an ninh trật tự, ông Xuyền cho rằng nên phát huy, vận động người dân tham gia vào việc tố giác, phát hiện tội phạm tới cơ quan chức năng. Người dân tố giác tốt, làm chứng được thì giúp rất nhiều cho lực lượng chức năng điều tra phá án. Đối với những địa bàn có tình hình an ninh trật tự phức tạp thì cơ quan công an phải tham gia vào việc triệt phá tội phạm. Tr.Vương |